Thời điểm năm 2016, khi chứng kiến vườn hồ tiêu chết hàng loạt do lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, ông Đặng Tấn Huynh, Thôn 6, xã Nhân Cơ, tỉnh Lâm Đồng đã liên kết với Công ty TNHH hương gia vị Sơn Hà để sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ.
Để tạo ra vùng nguyên liệu rộng lớn, sản lượng, chất lượng đồng đều, đạt tiêu chuẩn, ông Huynh phối hợp với một số hộ dân cùng chí hướng. Ông thành lập Hợp tác xã (HTX) Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận. Ban đầu, HTX chỉ có 11 thành viên, với 60 ha hồ tiêu hữu cơ. Đến nay đã tăng lên 30 thành viên, với hơn 80 ha hồ tiêu canh tác đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ. Ngoài diện tích đã đạt tiêu chuẩn, có 50 ha hồ tiêu của 15 nông hộ đang được thực hành canh tác theo hướng hữu cơ, được HTX hướng dẫn kỹ thuật và quy trình. Mỗi năm, HTX liên kết với hai công ty lớn để xuất khẩu sản phẩm với sản lượng khoảng 80 tấn hồ tiêu hữu cơ. Hồ tiêu hữu cơ của HTX xuất khẩu chủ yếu đến thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước châu Âu, với giá cao hơn thị trường từ 20-40%. Niên vụ năm nay, hồ tiêu hữu cơ của HTX có giá bán cao hơn giá thị trường khoảng 50 triệu đồng/tấn.
Phương châm hoạt động của HTX là đặt lợi ích của các thành viên lên trên hết. HTX đóng vai trò cầu nối, mắt xích kết nối chuỗi liên kết giữa các nông hộ thành viên với công ty, doanh nghiệp; quá trình mua bán, giá do các thành viên và công ty tự thỏa thuận. Khi mua bán thành công, phía công ty trích hoa hồng cho HTX 1,5 triệu đồng/tấn. Toàn bộ số tiền HTX thu được sử dụng vào các hoạt động như tổ chức tập huấn; chuyển giao khoa học, kỹ thuật; từ thiện... nhằm phát triển và mở rộng quy mô. Từ những lợi ích thiết thực, HTX ngày càng được các nông hộ sản xuất hồ tiêu tín nhiệm, số lượng thành viên ngày càng tăng, quy mô diện tích mở rộng.
Thành lập vào năm 2018 với 35 thành viên, đến nay, Hợp tác xã Nông nghiệp-Thương mại-Dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên (xã Thuận Hạnh, tỉnh Lâm Đồng) đã phát triển lên hơn 200 thành viên, tổng diện tích hồ tiêu hữu cơ đạt tiêu chuẩn gần 1.000 ha. Trong đó, có 195,6 ha hồ tiêu đạt chứng nhận hữu cơ USDA, EU, JAS, Canada và chứng nhận sản phẩm Nông nghiệp hữu cơ quốc gia OCOP 3 sao; có 150 ha được đánh giá chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn Control Union, hồ tiêu hữu cơ Việt Nam. Sản lượng hồ tiêu hữu cơ của HTX xuất khẩu mỗi năm đạt từ 200-300 tấn.
Giám đốc HTX Trần Thị Thu cho biết, khi các nông hộ gia nhập làm thành viên, HTX cử bộ phận kỹ thuật xuống vườn hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất hồ tiêu đạt chứng nhận. HTX thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổ chức giám sát chéo nhằm kịp thời xử lý vấn đề phát sinh, tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng. HTX cũng là “cầu nối” để người sản xuất và doanh nghiệp tổ chức mua bán, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Hợp tác xã Công Bằng Thuận An (xã Thuận An, tỉnh Lâm Đồng) thành lập vào năm 2012. Đến nay, sau 13 năm, số thành viên đã tăng lên 114, tổng diện tích cà-phê đạt chuẩn quốc tế đạt khoảng 300 ha. Toàn bộ vùng trồng cà-phê của HTX được công nhận là vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Thương hiệu cà-phê Đắk Đam đã được công nhận là sản phẩm cà-phê bột OCOP 4 sao cấp tỉnh, được Bộ Nông nghiệp và Môi trường công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.
Giám đốc Hợp tác xã Công Bằng Thuận An Nguyễn Hữu Hạ cho biết, ngay từ khi thành lập, HTX đã định hướng phát triển cà-phê theo tiêu chuẩn hữu cơ, chất lượng cao, gắn với các tiêu chuẩn quốc tế như RA (Rainforest Alliance), FLOFair Trade... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Các sản phẩm cà-phê của HTX chủ yếu xuất khẩu, đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính. Để nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, HTX đã đầu tư xây dựng ba nhà máy chế biến càphê với kinh phí khoảng 7 tỷ đồng. Doanh thu 5 năm gần đây đạt khoảng 33 tỷ đồng/năm. Nhiều năm liền HTX được tặng Cờ thi đua Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua cấp tỉnh, được trao giải thưởng “Ngôi sao HTX” do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức.
Để hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn, nâng cao giá trị nông sản, bà Nguyễn Thị Toản ở xã Quảng Sơn, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập HTX Nông nghiệp- Dược liệu-Dịch vụ thương mại Thịnh Phát. Hiện HTX có 201 thành viên và thành viên liên kết, với tổng diện tích khoảng 800 ha, bao gồm: Cà-phê, hồ tiêu, dược liệu, rau...
Bà Toản cho biết, sau khi tham gia vào HTX, các thành viên đã thay đổi nhận thức, tư duy, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, sạch, an toàn. Nhiều thành viên mạnh dạn chuyển đổi từ cà-phê kém hiệu quả sang trồng cải thảo VietGAP với thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Hiện HTX liên kết đầu ra cải thảo với Công ty CJ Foods Việt Nam ở Long An để chế biến làm kim chi xuất khẩu sang Hàn Quốc, HTX bao tiêu sản phẩm cho thành viên với giá cao hơn giá thị trường.
Tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 1.130 HTX, trong đó phần lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đánh giá của lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lâm Đồng, hoạt động liên kết tạo nền tảng cho nông nghiệp của tỉnh nâng cao giá trị sản xuất, phát triển bền vững; góp phần tạo nên quan hệ sản xuất mới, tổ chức hoạt động hiệu quả, tránh rủi ro do yếu tố thị trường, phát huy nguồn lực đất đai, sức lao động. Liên kết sản xuất đã tăng giá trị nông sản từ 10-30%. Thông qua HTX, người sản xuất có "điểm tựa" để vươn ra biển lớn, các vùng nguyên liệu tập trung được hình thành, đầu ra cho sản phẩm được bảo đảm hơn. Hiệu quả từ liên kết đã tạo nên động lực mới, nâng cao thu nhập cho thành viên, người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, các HTX đã tập hợp lực lượng sản xuất phát triển theo hướng bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhất là cây trồng chủ lực của tỉnh. Phương thức hoạt động của HTX ngày càng đổi mới với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm hoàn chỉnh từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Liên kết sản xuất là mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị, giữ vai trò thúc đẩy hình thành các quan hệ kinh tế mới trong sản xuất nông nghiệp. Thông qua HTX, nhiều vùng trồng được công nhận là vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, Organic, EU, UDA, YAZ, Fairtrade… làm giá trị sản phẩm nâng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương.