Những nhịp chiêng vang núi
Tại thôn Tê Rông, xã Kon Đào, mỗi buổi tối tiếng cồng chiêng vang xa. Lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ với khoảng hơn 30 người tham gia, từ trẻ em 9-10 tuổi đến thanh niên. Họ chăm chú quan sát động tác của già làng, nghệ nhân và những người có kinh nghiệm dạy cách đánh, cách phối hợp hòa âm cồng chiêng, tạo nên những giai điệu trầm bổng và sâu lắng.
Ông A De, một trong những người lớn tuổi ở thôn khẳng định: “Cồng chiêng là nhạc cụ cổ truyền có tính cộng đồng. Cộng đồng còn, cồng chiêng còn. Tiếng chiêng không thể thiếu trong đời sống người Xơ Đăng, gắn liền với tất cả sự kiện của cả đời người: Từ chào đời, ngày cưới đến lúc tắt thở”. Vì thế, những lớp học cồng chiêng cho thế hệ trẻ luôn được duy trì trong cộng đồng thôn Tê Rông. Mỗi tuần, 3-4 buổi tối, mọi người lại tập trung dưới nếp nhà rông để cùng nhau học.
Theo các chuyên gia văn hóa dân gian, cồng chiêng là tiếng nói tâm linh, tâm hồn của con người Xơ Đăng. Cồng chiêng diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống lao động và sinh hoạt của cộng đồng. Chính vì gắn bó mật thiết như vậy, người Xơ Đăng tiếp thu, học đánh cồng chiêng rất nhanh. Chỉ hai tháng, người có năng khiếu có thể nắm kỹ thuật cơ bản để học các bài chiêng truyền thống như: Máng nước, Mừng lá lúa, Mừng lúa mới… Người học trước hết phải cảm thụ được âm thanh của cồng chiêng, cách cầm chiêng, đánh chiêng và phân nhịp. Mỗi tiếng chiêng đều mang “dáng hình”, âm hưởng khác nhau.
“Với người Xơ Đăng, cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng là tài sản vô giá. Âm nhạc cồng chiêng không chỉ là giá trị nghệ thuật mà còn là kết tinh hồn thiêng sông núi qua bao thế hệ, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng người, sống mãi với con người Xơ Đăng”, ông A De bộc bạch.
Kết tinh văn hóa cộng đồng
Không chỉ thôn Tê Rông, nhiều thôn, làng khác vùng đồng bào dân tộc thiểu số phía tây tỉnh Quảng Ngãi cũng duy trì bảo tồn, gìn giữ văn hóa cồng chiêng. Chính quyền địa phương các cấp luôn quan tâm triển khai nhiều chương trình nhằm phát huy, kế thừa văn hóa cồng chiêng.
Tại thôn Kon Tu Dốp 2, xã Đăk Tô, người dân tự nguyện góp tiền mua bộ cồng chiêng mới thay dàn chiêng cũ. Mỗi sáng chủ nhật, người dân tập trung tại nhà rông, cùng luyện tập những bài chiêng truyền thống. Tại xã Đăk Trăm, nghệ nhân A Thu dành thời gian truyền dạy miễn phí cho trẻ. Ông chia sẻ: “Nếu không có người tiếp nối, sợ rằng mai này sẽ lặng tiếng chiêng. Tôi tin với sự nhiệt huyết của thế hệ trẻ, âm thanh đại ngàn sẽ còn vang mãi”.
Tại các địa bàn khác, các đội cồng chiêng, xoang truyền thống được hình thành, hoạt động đều đặn. Lãnh đạo xã, phường xem việc bảo tồn văn hóa cổ truyền là nhiệm vụ trọng tâm. Nhiều địa phương đã tổ chức hội thi, liên hoan cồng chiêng, xoang với quy mô mang đến sự hào hứng và tinh thần dân tộc lan tỏa. Với các dân tộc tại Tây Nguyên, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ, mà là “tiếng nói tâm linh”, nơi con người giao tiếp với thần linh, với thiên nhiên và với nhau.
Nhiều trường học đưa cồng chiêng vào hoạt động ngoại khóa và phối hợp già làng, nghệ nhân truyền dạy học sinh. Chính quyền lập hồ sơ kiểm kê, số hóa đội cồng chiêng, nghệ nhân, bộ chiêng cổ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp mở các lớp truyền dạy và hỗ trợ trang phục, nhạc cụ cho các đội chiêng.
Không chỉ là âm thanh, cồng chiêng còn là lịch sử, là bản sắc, là ký ức cộng đồng được chắt lọc qua hàng trăm thế hệ. Mỗi tiếng chiêng vang lên là một lần người Tây Nguyên kể câu chuyện về chính mình với niềm hãnh diện, tự hào...