Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Gần 60 nhà khoa học tham dự hội nghị “Vật lý Neutrino” 2025

Sáng 22/7, tại Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Hội nghị quốc tế “Vật lý Neutrino” 2025 chính thức khai mạc, quy tụ gần 60 nhà khoa học từ 18 quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Anh Quốc, Tây Ban Nha, Italia, Nga, Pháp, Hà Lan, Ireland, Đức, Croatia, Bỉ, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam...

Hội nghị vinh dự chào đón sự hiện diện của nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vật lý neutrino, bao gồm: Giáo sư Takashi Kobayashi (Giám đốc J-PARC, KEK và JAEA, Nhật Bản); Giáo sư Masayuki Nakahata (Viện Nghiên cứu Tia Vũ trụ - ICRR, Đại học Tokyo, Nhật Bản); Giáo sư Tsuyoshi Nakaya (Chủ tịch Hội Vật lý Năng lượng cao Nhật Bản, nguyên phát ngôn viên thí nghiệm quốc tế T2K)… cùng nhiều nhà khoa học uy tín đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học trong nước và quốc tế.

Diễn ra từ ngày 22–25/7, hội nghị không chỉ có sự góp mặt của các nhà khoa học trên thế giới, mà còn có sự tham gia tích cực của các nhà nghiên cứu trẻ và sinh viên Việt Nam. Với tầm vóc của mình, hội nghị là minh chứng rõ nét cho cam kết của Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm ICISE trong việc thúc đẩy khoa học cơ bản tại Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới.

Đây cũng là một điểm sáng trong hành trình phát triển nhóm nghiên cứu thực nghiệm neutrino đầu tiên tại Việt Nam, trực thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE) tại ICISE.

ts.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hữu Hà cho biết, neutrino là một hạt cơ bản tuy nhỏ bé và khó quan sát, nhưng lại giữ vai trò quan trọng trong việc khám phá những bí ẩn sâu thẳm của vũ trụ. Hội nghị lần này là dịp để các nhà khoa học cùng trao đổi, chia sẻ những tiến bộ nghiên cứu mới nhất, đồng thời mở ra các cơ hội hợp tác tiềm năng trong nhiều lĩnh vực liên ngành.

“Những thảo luận khoa học tại đây sẽ góp phần định hướng các nghiên cứu chiến lược trong tương lai, cũng như thúc đẩy sự hình thành của các nhóm nghiên cứu mạnh, có tầm ảnh hưởng quốc tế”, ông Hà nói.

Hội nghị trình bày loạt chủ đề chuyên sâu và tiên phong trong lĩnh vực neutrino, bao gồm: Dao động neutrino từ khí quyển, mặt trời, máy gia tốc và lò phản ứng hạt nhân; bản chất dirac hay majorana của neutrino và phân rã beta kép không neutrino (0νββ); cơ chế sinh lepton (leptogenesis) và kiểm nghiệm các định luật vật lý cơ bản; mô hình hương (flavor) và liên kết với lý thuyết thống nhất lớn (GUT); tán xạ neutrino với hạt nhân và đo khối lượng tuyệt đối.

neutrino-physics-8177.jpg
Hội nghị có sự tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu trên thế giới.

Đặc biệt, các chủ đề về neutrino trong vũ trụ và thiên văn học cũng được dành nhiều thời lượng, từ neutrino năng lượng cao đến ứng dụng trong quan sát đa sứ giả (multi-messenger), hướng đi mới trong vật lý thiên văn hiện đại.

Bên cạnh các nghiên cứu lý thuyết, hội nghị còn giới thiệu những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ phát hiện neutrino: Máy gia tốc công suất MW; máy dò ánh sáng Cherenkov cỡ lớn; ứng dụng cảm biến lượng tử hiện đại; giám sát chùm tia và hệ thống đo quang tiên tiến.

Không dừng lại ở vật lý thuần túy, các ứng dụng liên ngành như geoneutrino trong địa vật lý, chụp cắt lớp trái đất (Earth tomography) hay giám sát lò phản ứng hạt nhân vì an ninh năng lượng cũng được bàn luận sôi nổi.

neutrino-physics-0045.jpg
Các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm ICISE.

Song hành với hội nghị, Trường học Việt Nam về Neutrinos lần thứ 9 (VSON9) diễn ra từ ngày 16-25/7, thu hút nhiều nghiên cứu sinh và sinh viên Việt Nam và quốc tế. Với các bài giảng chuyên đề, hướng dẫn thực hành và các buổi trao đổi khoa học, VSON9 không chỉ truyền tải kiến thức mà còn khơi gợi niềm đam mê khám phá, tạo nền tảng vững chắc cho thế hệ nhà khoa học trẻ theo đuổi vật lý neutrino.

Việc tổ chức Hội nghị quốc tế "Vật lý Neutrino" 2025 tại Việt Nam với chất lượng chuyên môn cao và sự tham dự rộng khắp, là bước tiến mới trong khẳng định năng lực tổ chức và hội nhập khoa học của nước ta. Đồng thời, sự kiện còn đánh dấu vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực vật lý cơ bản toàn cầu, đặc biệt khi neutrino đang là chủ đề mở lối cho các mô hình vật lý và thiên văn hiện đại.

Xem thêm