Trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 58 và các Hội nghị liên quan, Đại sứ Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN, khẳng định Việt Nam đã phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm và vai trò dẫn dắt, đóng góp thiết thực vào thành công chung của các hội nghị.
Phóng viên: Xin Đại sứ cho biết kết quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58) và các Hội nghị Bộ trưởng liên quan từ ngày 8-11/7/2025 tại Malaysia?
Đại sứ Trần Đức Bình: Các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao diễn ra vào thời điểm đặc biệt, cả về bối cảnh khu vực và những bước phát triển mới của chính ASEAN.
Chúng ta đang chứng kiến một thế giới đầy biến động, đan xen cả thách thức và cơ hội. Bên trong, ASEAN đang bước vào giai đoạn phát triển mới, triển khai các văn kiện chiến lược ASEAN 2045 định hướng cho hợp tác, liên kết sâu và phát triển của Cộng đồng ASEAN. Quyết định kết nạp Timor-Leste vào tháng 10 tới mở rộng không gian chiến lược cho khu vực.
Trong bối cảnh đó, hơn 20 hoạt động cấp Bộ trưởng đã thành công tốt đẹp trên cả 3 phương diện là củng cố đoàn kết nội khối, làm sâu sắc hơn hợp tác với các đối tác, và nâng cao vai trò của ASEAN trong cấu trúc khu vực và toàn cầu.

Dấu ấn quan trọng đầu tiên là sự khẳng định mạnh mẽ về giá trị trường tồn của tinh thần đoàn kết ASEAN. Đoàn kết không chỉ là sự tiếp nối truyền thống, mà thực sự là sức mạnh và kim chỉ nam dẫn lối cho ASEAN vượt qua mọi khác biệt, ứng phó với các thách thức và vững vàng trước khó khăn.
Tất cả các nước ASEAN đều đề cao đoàn kết là điều kiện tiên quyết để ASEAN giữ vững tự chủ chiến lược, không bị cuốn vào vòng xoáy của cạnh tranh nước lớn, và chủ động thích ứng với một thế giới đầy bất định.
Hàng loạt các khuôn khổ hợp tác, từ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 đến các sáng kiến cụ thể như Mạng lưới điện ASEAN, Hiệp định Khung kinh tế số ASEAN, nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, kết nối chuỗi cung ứng… cho thấy nỗ lực và quyết tâm của ASEAN làm chủ và định hình tương lai khu vực.
Nét nổi bật tiếp theo của các Hội nghị lần này là sự ủng hộ nhất quán đối với vai trò trung tâm của ASEAN. Việc các đối tác từ khắp mọi nơi trên thế giới hội tụ tại khu vực tiếp tục là minh chứng rõ ràng nhất cho sức sống và giá trị của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Tất cả các đối tác đều bày tỏ cam kết lâu dài với ASEAN, mong muốn vun đắp quan hệ với ASEAN phát triển thực chất. Điều này được thể hiện trước hết ở các tiến trình đàm phán, rà soát, nâng cấp các FTA giữa ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Hàn Quốc, Canada, góp phần củng cố hệ thống thương mại đa phương mở và dựa trên luật lệ.
Hầu hết các sáng kiến hợp tác tập trung vào những lĩnh vực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, phản ánh năng lực thích ứng, và cho thấy ASEAN nhận được sự tin tưởng của các đối tác, mở ra những cơ hội hợp tác cùng kiến tạo tương lai bao trùm và bền vững. Quyết định về tăng cường quan hệ đối ngoại mà các Bộ trưởng ASEAN thông qua dịp này là một bước đi đúng thời điểm, nhằm tối ưu hóa vai trò và sự bổ trợ giữa các cơ chế của ASEAN, phù hợp với các ưu tiên chiến lược của ASEAN.

Các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Nhật Bản lần thứ 16 và Mekong-Hàn Quốc lần thứ 13 diễn ra dịp này, tái khẳng định cam kết của các đối tác coi tiểu vùng Mekong là ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Đáng chú ý, các nước nhất trí sẽ nối lại Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản và tiếp tục thảo luận khả năng nối lại Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản vào cuối năm nay.
Các lĩnh vực hợp tác như đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển nguồn nhân lực số, ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong quản lý nguồn nước, nông nghiệp thông minh và cảnh báo sớm thiên tai, tiếp tục được cụ thể hóa, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân. Việc tổ chức các Hội nghị này trong khuôn khổ Hội nghị AMM-58 cho thấy, hợp tác tiểu vùng gắn kết chặt chẽ với tiến trình xây dựng Cộng đồng và quan hệ đối ngoại của ASEAN, góp phần củng cố hợp tác hiệu quả hơn giữa ASEAN với các đối tác.
Cuối cùng là nỗ lực của ASEAN đóng góp nhiều hơn vào các nghị sự toàn cầu, chuyển từ vai trò tham gia sang chủ động định hình luật chơi. Tiếng nói chung của ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế, từ Biển Đông, Myanmar đến thương mại, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng tiếp tục được đề cao, khẳng định vai trò đi đầu của ASEAN trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và tuân thủ luật pháp quốc tế. Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á tiếp tục mở rộng thành viên, với tham gia của Uruguay và Algeria năm nay, cho thấy sự coi trọng của các đối tác đối với ASEAN, và vai trò của ASEAN vươn tầm vượt ra ngoài khu vực.

Hội nghị AMM-58: Việt Nam tăng cường hợp tác song phương và đa phương vì hòa bình và phát triển bền vững
Phóng viên: Xin Đại sứ cho biết sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại các Hội nghị?
Đại sứ Trần Đức Bình: Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã tham dự và có nhiều đóng góp quan trọng cho thành công của các Hội nghị, thể hiện tinh thần chủ động, trách nhiệm và dẫn dắt.
Trước hết, tinh thần chủ động của Việt Nam ngay từ giai đoạn chuẩn bị đến tham dự Hội nghị, cùng các nước xây dựng văn kiện, định hình chương trình nghị sự theo chủ đề “Bao trùm và Bền vững”, thúc đẩy các ưu tiên phù hợp với các xu hướng phát triển hiện nay.
Các định hướng mà Phó Thủ tướng, Bộ trưởng chia sẻ tại các Hội nghị vừa bám sát yêu cầu thực tiễn và quan tâm chung của khu vực, vừa gắn kết và hỗ trợ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, như tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa quan hệ thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cụ thể, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh, ASEAN cần ưu tiên duy trì đà tăng trưởng khu vực trong bối cảnh biến động, củng cố liên kết nội khối và mở rộng kết nối liên khu vực, đưa chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo thành trụ cột hợp tác mới, và xây dựng một cộng đồng hướng tới người dân thông qua chiến lược truyền thông về những câu chuyện “người thật, việc thật” của người dân, doanh nghiệp và địa phương.

Thứ hai, đóng góp trách nhiệm của Việt Nam, góp phần củng cố đoàn kết và đồng thuận của ASEAN, đặc biệt là thông điệp của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng về vai trò của ASEAN là “ngọn hải đăng hòa bình”. Trong bối cảnh đầy biến động hiện nay, thông điệp này có ý nghĩa quan trọng cả với ASEAN, khu vực và toàn cầu.
Sau gần 60 năm tồn tại và phát triển, ASEAN đã khẳng định là hình mẫu tổ chức khu vực về đoàn kết, đối thoại và hợp tác. Thành công của ASEAN trên nền tảng các nguyên tắc và chuẩn mực ứng xử chung tiếp tục truyền cảm hứng và củng cố niềm tin vào chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Việt Nam đã cùng các nước trao đổi thiện chí về nhiều vấn đề quốc tế, khu vực như Biển Đông, Myanmar; qua đó, góp phần củng cố lập trường nguyên tắc và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đã tham dự Hội nghị lần thứ 4 về Hợp tác giữa các nước Đông Á vì sự phát triển của Palestine (CEAPAD IV), khẳng định trách nhiệm và đóng góp của Việt Nam trong tham gia xử lý các vấn đề quốc tế.
Thứ ba, vai trò dẫn dắt hiệu quả của Việt Nam. Điều này được thể hiện qua việc đồng chủ trì hai Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với Anh và New Zealand. Trong vai trò nước điều phối quan hệ, Việt Nam đã tích cực tham vấn, đề xuất các định hướng mới, gắn kết các ưu tiên, quan tâm của ASEAN với thế mạnh của đối tác như thương mại, kinh tế số, khoa học-công nghệ, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, qua đó, cụ thể hóa nội hàm hợp tác, đưa quan hệ đi vào thực chất.
Tại các khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác khác, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đều nhấn mạnh thúc đẩy hợp tác kinh tế là động lực quan trọng, đề nghị tận dụng hiệu quả các FTA đã ký, cùng các nước thúc đẩy nguyên tắc thương mại mở, tự do, công bằng và củng cố hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ.
Trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cũng đã đồng chủ trì thành công các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Nhật Bản và Mekong-Hàn Quốc, phát huy vai trò nòng cốt của Việt Nam và chủ động đề xuất các sáng kiến thiết thực.
Phương châm “tư duy mới, phương thức mới, tiếp cận mới” trong hợp tác Mekong-Nhật Bản và phương châm “cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển” trong hợp tác Mekong-Hàn Quốc do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đề xuất, được các nước Mekong và đối tác ủng hộ và đánh giá cao, góp phần mang lại sức sống mới cho hợp tác tiểu vùng.