Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Định hướng xây dựng, phát triển đất nước - Lý luận và thực tiễn

Nhanh chóng thể chế hóa đường lối, chủ trương để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Tại Phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo: Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải được tăng cường đồng bộ với quá trình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.

Tổng Bí thư yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải làm quyết liệt ngay từ khi bắt đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp để góp phần xây dựng bộ máy chính quyền địa phương thực sự liêm chính, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Thời gian tới, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải phục vụ tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Trong sáu tháng đầu năm, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 100 văn bản quan trọng về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Quốc hội ban hành mới 38 luật, 45 nghị quyết; Chính phủ ban hành hơn 300 nghị quyết, nghị định, chỉ thị… để thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng; vừa phục vụ các nhiệm vụ chiến lược, vừa khắc phục những sơ hở, bất cập, chuyển mạnh trọng tâm sang phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Trung ương đang chỉ đạo quyết liệt, các địa phương vừa vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp, chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp đúng tiến độ, bảo đảm yêu cầu, vừa triển khai mạnh các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.

Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để phục vụ tốt nhất phát triển kinh tế-xã hội là yêu cầu khách quan, đòi hỏi thúc bách từ thực tiễn. Trong đó, việc nhanh chóng thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong việc phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp chính quyền, từng cơ quan, đơn vị, người đứng đầu và quy định về kiểm soát, kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực thi quyền lực ở địa phương sẽ bảo đảm việc phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thật sự hiệu quả ngay từ địa phương, cơ sở.

Bộ Nội vụ đã kịp thời biên soạn và ban hành “Cẩm nang chính quyền địa phương cấp xã”, cung cấp thông tin hệ thống, đầy đủ và dễ tiếp cận cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

Cẩm nang giới thiệu về tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, nguyên tắc tổ chức và hoạt động, vị trí, chức năng của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân; mô tả tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã; nhấn mạnh sự phối hợp giữa hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, vai trò của chủ tịch ủy ban nhân dân và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã theo nội dung 28 nghị định của Chính phủ về phân cấp, phân định thẩm quyền cho chính quyền địa phương trong các ngành, lĩnh vực.

Yêu cầu từ thực tiễn là các tỉnh, thành phố cùng với việc tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cấp xã, cần quan tâm phát hiện kịp thời những khó khăn, bất cập trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định phân cấp, phân quyền.

Trong giai đoạn tới, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ cấp xã cần được chú trọng hơn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm; thường xuyên kiểm tra, đánh giá cán bộ, công chức dựa trên hiệu quả công việc và sự hài lòng của người dân.

Các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhanh chóng cụ thể hóa thành các nhiệm vụ cụ thể tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, thực hành văn hóa liêm chính cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngay từ cơ sở.

Xem thêm