Nội dung đáng chú ý do đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày tại hội nghị cho biết: thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Thông báo số 142-TB/VPTW ngày 20/3/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng về giải quyết khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp lên Trung ương trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch và Quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện Kết luận.
Theo Kết luận của Tổng Bí thư và Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương, cơ quan liên quan có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, xử lý, giải quyết 226 vụ việc tại 53 địa phương, hoàn thành trước 30/6/2025; đồng thời chủ động rà soát, giải quyết các vụ việc khác thuộc thẩm quyền, hạn chế tối đa tình trạng công dân tập trung đông người, khiếu kiện vượt cấp lên các cơ quan Trung ương, qua đó tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không để phát sinh điểm nóng về khiếu nại, tố cáo; phục vụ tốt việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và nhiều nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng hành, phối hợp, đôn đốc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã thật sự vào cuộc với quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ Thanh tra Chính phủ tổ chức rà soát, kiểm tra, xử lý, giải quyết từng vụ việc, cách làm bài bản, khoa học, kỹ lưỡng, đúng quy định, mục tiêu là xử lý, giải quyết dứt điểm vụ việc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, hạn chế thấp nhất người dân lên Trung ương khiếu kiện.
Chính vì vậy, có nhiều vụ việc rất phức tạp, công dân khiếu kiện đông người, kéo dài nhiều năm chưa xử lý dứt điểm, qua “chiến dịch” lần này đã được rà soát kỹ hồ sơ, căn cứ vào quy định của pháp luật và tình hình thực tế để thảo luận, đưa ra những phương án xử lý, giải quyết có tính khả thi, phù hợp quy định của pháp luật và thực tiễn, vận dụng chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện ổn định cuộc sống đối với những trường hợp người khiếu nại, tố cáo có hoàn cảnh thật sự khó khăn, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư. Hầu hết công dân đồng thuận với phương án, quyết định xử lý, giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không tiếp tục khiếu kiện.
Đến nay, đã cơ bản giải quyết xong 203 trong tổng số 226 vụ việc, chỉ còn 23 vụ việc, gồm 7 vụ việc công dân đã, đang khởi kiện ra tòa án và 16 vụ việc có khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện, cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.
Theo số liệu thống kê của Ban Tiếp công dân Trung ương, số công dân đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội giảm so với thời điểm trước khi thực hiện hiện Kết luận của Tổng Bí thư; trong đó hầu hết các trường hợp trong số 226 vụ việc trước đây khiếu kiện dài ngày tại Hà Nội nay đã trở về địa phương để được tiếp, giải quyết theo quy định.
Báo cáo sơ kết tại hội nghị cho biết: 6 tháng đầu năm 2025, toàn ngành thanh tra đã triển khai 2.799 cuộc thanh tra hành chính và 39.533 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và phát hiện vi phạm về kinh tế 129.888 tỷ đồng, 722ha đất. Trong đó, kiến nghị thu hồi 101.519 tỷ đồng và 617ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 28.369 tỷ đồng, 105ha đất; ban hành 31.358 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 1.875 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 671 tập thể và 2.596 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 118 vụ việc, 49 đối tượng.
Toàn ngành tiến hành 2.799 cuộc thanh tra hành chính, tổng hợp từ 1.964 cuộc thanh tra đã ban hành kết luận, phát hiện sai phạm về kinh tế số tiền 11.435 tỷ đồng và 722ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 8.569 tỷ đồng và 617ha đất; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 2.865 tỷ đồng và 105ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 671 tập thể và 2.596 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 33 vụ việc, 18 đối tượng.