Bệnh nhân N.T.D đã từng điều trị hen phế quản, có tiền sử hút thuốc lá hơn 20 năm, mỗi ngày 5-7 điếu. Người bệnh sút liên tục 7kg trong vòng 4 tháng, từng đi tầm soát ung thư nhưng không phát hiện bệnh. Gần đây, ông D. thấy người mệt mỏi, ăn uống kém, tê bì tay chân 2 bên nhiều, đau bắp chân hai bên. Triệu chứng nặng dần kèm cảm giác gai rét sốt nóng và ho khan về chiều tối tới Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ánh Ngọc, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Nội cho biết, kết quả khám lâm sàng thấy ông Duy có dấu hiệu sốt cao (trên 38 độ C), mệt mỏi, ăn uống kém, tê bì chân tay nhiều, bác sĩ chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng.
Kết quả cho thấy chỉ số bạch cầu ưa acid tăng cao 2.65 G/L (gấp 10 lần người bình thường), kháng thể đặc hiệu cho bệnh viêm mạch dương tính. Kết quả chụp CT phổi thấy có tổn thương kính mờ dạng viêm thùy trên phổi phải.
Ngoài ra, bệnh nhân có tổn thương nhiều cơ quan khác (cơ tim, suy tim, thần kinh ngoại biên), sinh thiết cơ thấy có thâm nhiễm bạch cầu ái toan (một loại tế bào miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng nhiễm trùng). Bác sĩ chẩn đoán người bệnh mắc u hạt tăng bạch cầu ái toan kèm viêm đa mạch.
Sau khi xác định được bệnh lý chính xác. Các bác sĩ hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Người bệnh được điều trị bằng chống viêm và ức chế miễn dịch mạnh nhằm kiểm soát tình trạng viêm mạch EGPA và điều trị các bệnh lý phối hợp…

Sau 9 ngày điều trị tích cực tình trạng của bệnh nhân đã được cải thiện rõ rệt. Các triệu chứng lâm sàng thuyên giảm nhanh chóng, người bệnh hết sốt, hết tê bì tay chân, đi lại bình thường, ăn uống tốt, chỉ số xét nghiệm ổn định hơn. Ông D. có thể giảm dần liều thuốc và tiến tới giai đoạn điều trị duy trì..
Bác sĩ Ngọc cho biết, u hạt tăng bạch cầu ái toan kèm viêm đa mạch (EGPA) là một bệnh tự miễn, viêm mạch hệ thống – tức hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các mạch máu, gây tổn thương ở nhiều cơ quan như phổi, da, tim, thần kinh, thận… Đây là bệnh lý hiếm gặp với tỷ lệ từ 0,5-4 ca trên 1.000.000 người.
Nguyên nhân chính xác của bệnh u hạt tăng bạch cầu ái toan kèm viêm đa mạch hiện chưa được xác định rõ, nhưng được cho là liên quan đến rối loạn miễn dịch, khi cơ thể tự tấn công vào các mạch máu.
Bệnh thường khởi phát ở những người có cơ địa dị ứng, đặc biệt là hen phế quản, viêm mũi xoang mạn tính có tình trạng tăng bạch cầu ái toan kéo dài không rõ nguyên nhân. Một số yếu tố nguy cơ khác bao gồm nhiễm trùng, yếu tố di truyền, môi trường ô nhiễm, tiếp xúc hóa chất độc hại và thói quen hút thuốc lá… có thể làm nặng thêm tình trạng viêm đường hô hấp và góp phần kích hoạt đáp ứng miễn dịch bất thường.
Theo bác sĩ Ngọc, điều trị EGPA là một quá trình phức tạp, đòi hỏi phối hợp đa chuyên khoa và theo dõi chặt chẽ. Không chỉ dừng ở kiểm soát triệu chứng mà còn là quá trình quản lý lâu dài, cá thể hóa theo từng người bệnh nhằm hạn chế biến chứng và nâng cao chất lượng sống.
Sau khi xuất viện, người bệnh tiếp tục được theo dõi sát sao tại nhà. Việc tái khám định kỳ là cần thiết để đánh giá đáp ứng điều trị, điều chỉnh thuốc phù hợp và phòng ngừa tái phát.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo, u hạt tăng bạch cầu ái toan kèm viêm đa mạch là một bệnh lý nguy hiểm, hiếm gặp, gây tổn thương đa cơ quan, có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như tim, thận, phổi và hệ thần kinh, có thể dẫn đến suy chức năng các cơ quan, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.
Do triệu chứng của bệnh u hạt tăng bạch cầu ái toan kèm viêm đa mạch có thể dễ dàng nhầm lẫn với các bệnh lý khác, đặc biệt là ung thư, nên việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng. Khi xuất hiện dấu hiệu như đau nhức cơ khớp, sốt kéo dài, mệt mỏi, sút cân, tê bì tay chân, khó thở hoặc đau ngực… cần tới ngay cơ sở y tế.