Bốn năm trước, chị T.M (33 tuổi) tiêm chất làm đầy vùng mông tại một spa, loại chất không rõ nguồn gốc, người thực hiện không phải bác sĩ. Sau khi thấy vùng mông có dấu hiệu bất thường, chị hai lần tiêm tan filler tại cùng cơ sở, nhưng không có cải thiện rõ rệt.
Cuối năm 2024, chị tiếp tục thực hiện cấy mỡ tự thân vùng mông hai bên tại một bệnh viện tư nhân. Tuy nhiên, khoảng một tháng trước khi nhập viện, chị phát hiện một nốt sưng ở vùng mông phải, nghĩ là mụn nhọt do thời tiết nóng nên tự ý dùng thuốc kháng sinh tại nhà.
Tình trạng không cải thiện mà vết sưng ngày càng lan rộng, mưng mủ, đau nhức. Chị tới bệnh viện gần nhà được chích mủ, điều trị kháng sinh song vết thương không đỡ, chị tiếp tục tới Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám.
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Phương Lan, khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, vết mổ vùng mông phải bệnh nhân liên tục chảy mủ màu vàng nâu, sưng nóng đỏ lan rộng khoảng 20x15cm. Vùng mông trái tuy không nhiễm trùng nhưng lồi lõm, sờ thấy chất làm đầy lẫn mỡ cấy, mật độ không đều.
Các kết quả cận lâm sàng như siêu âm và MRI cho thấy rõ ổ áp xe hóa diện rộng phần mềm mông phải.
Trước nguy cơ nhiễm khuẩn lan rộng, hoại tử mô và biến dạng vùng mông, bác sĩ Lan chỉ định phẫu thuật chích tháo mủ và nạo vét toàn bộ chất làm đầy tại vùng tổn thương.
Việc phẫu thuật xử lý ổ áp xe khá phức tạp. Trong phẫu thuật, bác sĩ Lan hút ra khoảng 200ml dịch mủ màu vàng sậm, kèm mỡ hoại tử và dịch máu. Sau khi bơm rửa làm sạch, bác sĩ đặt dẫn lưu áp lực âm để kiểm soát ổ nhiễm trùng.
Tiếp đó, quá trình nạo vét chất làm đầy được thực hiện. Khoảng 150ml chất nhầy màu vàng sậm được loại bỏ khỏi khoang mông phải. Chất làm đầy đã tồn tại trong cơ thể nhiều năm, từng trải qua các can thiệp như tiêm tan filler, chích mủ, khiến mô viêm xơ mạn tính và lan rộng.
Nhờ hình ảnh MRI hỗ trợ định vị chính xác tổ chức viêm và ranh giới mô lành giúp hạn chế tổn thương lan sang mô lành trong quá trình phẫu thuật.
Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, vết mổ khô, huyết động ổn định, có thể đi lại và ăn uống bình thường. Tuy nhiên, một ống dẫn lưu vẫn cần duy trì trong vài ngày sau ra viện để kiểm soát dịch tồn lưu.
Dù đã xử lý ổ áp xe vùng mông phải, tình trạng mông trái của chị M. cũng tiềm ẩn rủi ro. Các bác sĩ ghi nhận chất làm đầy còn tồn tại trong mô với mật độ không đều, tiềm ẩn nguy cơ biến chứng, cần lên kế hoạch xử lý sớm.
Theo bác sĩ Lan, các chất làm đầy được Bộ Y tế cấp phép thường có khả năng tự tiêu trong khoảng 18 tháng. Việc tồn tại quá lâu trong cơ thể, đặc biệt là các chất không rõ nguồn gốc như trong trường hợp này, có thể gây ra các phản ứng viêm, nhiễm trùng, thậm chí ăn mòn mô mềm và tạo ổ áp xe.
Bệnh nhân được chỉ định theo dõi sát vùng mông trái, khám định kỳ mỗi tháng một lần. Trong thời gian hậu phẫu, thay băng hai ngày một lần, mặc quần định hình mông liên tục trong tháng đầu, hạn chế vận động mạnh và kiêng các thực phẩm dễ gây sẹo lồi, dị ứng như rau muống, hải sản, trứng, thịt bò…
"Trường hợp của bệnh nhân M. không hiếm gặp. Vài năm gần đây, tỷ lệ biến chứng sau tiêm chất làm đầy ngày càng gia tăng, đặc biệt với vùng tiêm nguy hiểm như mông, ngực, mặt", bác sĩ Lan cho hay.
Chuyên gia này khuyến cáo, tiêm chất làm đầy tại cơ sở không phép là đặt cược sức khỏe và tính mạng. Khi có nhu cầu làm đẹp vùng mông, ngực hoặc mặt cần thực hiện tại các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ được cấp phép, kiểm tra kỹ sản phẩm sẽ sử dụng (nguồn gốc, thành phần, khả năng tự tiêu…).
Chị em cần lưu ý kỹ khi sử dụng chất làm đầy khi được tư vấn. Chỉ tiêm các chất làm đầy được cấp phép, thời gian tồn tại dưới 18 tháng. Khi xuất hiện triệu chứng như sưng, nóng, đỏ, đau, chảy dịch cần đến cơ sở y tế uy tín càng sớm càng tốt.