Các cơ sở y tế trực cấp cứu 24/24, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh mùa mưa bão. (Ảnh: THÚY QUỲNH)
Các cơ sở y tế trực cấp cứu 24/24, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh mùa mưa bão. (Ảnh: THÚY QUỲNH)

Ngành y tế chủ động các phương án ứng phó với mưa bão, bảo đảm trực cấp cứu 24/24

Trước tình hình mưa bão, lũ lụt, sạt lở diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, ngành y tế đã và đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương các tỉnh, thành sẵn sàng mọi nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc men để kịp thời ứng phó với thiên tai, bảo đảm trực cấp cứu 24/24.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 có tên gọi Wipha, tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, khó lường. Bộ Y tế đã có công văn đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ bố trí lãnh đạo sở trực chỉ huy 24/24; chỉ đạo và chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra các bệnh viện trực thuộc để chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng cho các tình huống khẩn cấp trước, trong và sau bão; tuyệt đối bảo đảm công tác cấp cứu, kịp thời có mặt phối hợp với chính quyền địa phương để hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

Ghi nhận của phóng viên, tại những tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, ngành y tế đã có sự chuẩn bị ngay khi có dự báo thiên tai nên không để xảy ra tình trạng bị động. Như Lào Cai, địa phương thường xảy ra sạt lở, lũ quét trong mùa mưa bão, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh đã yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn không được chủ quan dù bão số 3 không ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương này.

Ông Vũ Trọng Thưởng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai, cho biết: "Chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra, đi từng cơ sở y tế, quán triệt tinh thần sẵn sàng ứng phó với thiên tai cho toàn bộ nhân viên y tế. Đường dây nóng trực cấp cứu bảo đảm hoạt động 24/24h, bảo đảm đủ giường bệnh, thuốc men, nhất là hoạt động cấp cứu ngoại viện phải luôn trong tư thế lúc nào cũng có thể lên đường hỗ trợ nhân dân".

Các cơ sở y tế tại những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hưng Yên, Hà Nội… đã kích hoạt mọi phương án ứng phó với bão, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, thuốc, áp dụng phương châm bốn tại chỗ, linh động điều phối nhân lực, lên đường bất cứ lúc nào khi có yêu cầu ứng cứu người bị nạn, thiết lập trạm cấp cứu dã chiến tại các khu vực có địa hình cao, tránh được ngập lụt khi cần thiết.

Tại Hà Nội, những cơ sở y tế, bệnh viện đầu ngành luôn trong tư thế sẵn sàng, chuyên gia y tế có thể lên đường hỗ trợ các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão khi có lệnh điều động. Trong trường hợp cần thiết có thể kích hoạt công tác khám chữa bệnh từ xa, hội chẩn liên viện.

Rút kinh nghiệm từ những lần chịu ảnh hưởng của mưa bão, một số trạm y tế có thể chịu cảnh ngập lụt, gây thiệt hại về cơ sở vật chất, nhiều trạm y tế đã chủ động sửa chữa, nâng cấp ngay từ khi nhận tin có bão. Thuốc men, máy móc, thiết bị y tế được bảo quản kỹ lưỡng, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh.

Mặc dù mới được thành lập chưa đầy tháng, nhưng Trạm y tế xã Sóc Sơn (Hà Nội) đã chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, trang thiết bị y tế để phục vụ người dân. Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền, trạm trưởng Trạm y tế xã Sóc Sơn cho biết: "Nhiều khu vực ở Sóc Sơn thường xuyên bị ngập lụt, nhất là khi có mưa bão, chính vì vậy ngay khi nhận được thông tin bão Wipha đổ bộ vào đất liền và có thể ảnh hưởng đến Hà Nội, chúng tôi đã cử cán bộ đi tuyên truyền cho người dân trong vùng về việc phòng tránh, không được chủ quan. Nhân viên y tế thay phiên nhau trực 24/24 giờ để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh, trực cấp cứu".

Ngoài y tế cơ sở thì hoạt động cấp cứu ngoại viện là đơn vị cần phải bảo đảm hoạt động thông suốt, nhất là khi có mưa bão, thiên tai. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội: "Ngay khi cần cấp cứu, hỗ trợ nạn nhân, người dân cứ gọi vào tổng đài cấp cứu 115, chúng tôi sẽ điều động xe cứu thương và nhân viên y tế đến, kể cả ở khu vực xa xôi, hẻo lánh, tùy vào tình huống, nhân viên trực tổng đài sẽ tư vấn, điều phối và liên lạc với trạm vệ tinh gần nhất để kịp thời hỗ trợ người dân. Song song đó, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người dân tiến hành sơ cấp cứu trong lúc chờ vận chuyển, tránh được những diễn biến xấu đến sức khỏe".

cc.png
Cấp cứu ngoại viện bảo đảm hoạt động xuyên suốt, lên đường hỗ trợ nạn nhân kịp thời. (Ảnh:THÚY QUỲNH)

Trong mưa bão, vấn đề an toàn thực phẩm cũng cần được chú trọng. Hiện, nhiều nơi dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát, khi cơ quan chức năng đang dùng nhiều biện pháp để kiểm soát, không để tình hình dịch bệnh lây lan thì người dân cũng cần thận trọng hơn khi lựa chọn nguồn thực phẩm, không bán, không mua, không tiêu thụ lợn bệnh. Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.

Đáng chú ý, nguồn nước trong và sau mưa lũ sẽ có thể bị ô nhiễm. Ngành y tế cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tiến hành khử khuẩn, hỗ trợ người dân làm sạch nguồn nước sinh hoạt bằng các loại hóa chất chuyên dụng. Bên cạnh đó, cán bộ y tế cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh do mưa lũ gây ra.

mua-bao-1.png
Nhân viên y tế Trung tâm y tế xã Quốc Oai (Hà Nội) hướng dẫn người dân khử trùng nguồn nước ô nhiễm. (Ảnh: THÚY QUỲNH)

Một số dịch bệnh truyền nhiễm vẫn đang gia tăng nhưng sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi… Đây là những căn bệnh sẽ có xu hướng lây lan trong mùa mưa bão, lũ lụt. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết và đã có nhiều ca tử vong. Điều kiện thời tiết ẩm thấp, mưa bão là yếu tố thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết phát triển. Tương tự, tay chân miệng cũng là bệnh truyền nhiễm có tính lây lan nhanh, chủ yếu do vấn đề vệ sinh không bảo đảm. Ngoài ra, một số dịch bệnh cũng có thể mắc phải trong và sau mưa, lũ như: bệnh về đường hô hấp, bệnh về da, đau mắt, tiêu chảy cấp… người dân cũng cần đề phòng.

dau-mat.png
Đau mắt đỏ là bệnh thường gặp trong mưa bão, lũ lụt. (Ảnh: THÚY QUỲNH)

Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế cho biết: Vấn đề về bệnh truyền nhiễm hiện nay, việc quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng bệnh. Nguồn nước bẩn, rác thải tồn đọng, vệ sinh kém là dịch bệnh sẽ có thể bùng phát và lây lan ngay. Lưu ý, bệnh withmore là một trong những căn bệnh nguy hiểm rất hay gặp vào mùa mưa, lũ nhưng lại dễ bị chẩn đoán nhầm, khiến bệnh nhân không được xử trí kịp thời, gây nguy hiểm. Chính vì vậy, không chỉ cán bộ phòng bệnh cần phát huy vai trò mà năng lực điều trị cũng phải được chú trọng.

Trước đó, ngay khi bước vào mùa mưa bão, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh trong và sau lụt bão, mưa lũ. Bộ yêu cầu Sở Y tế các địa phương thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia và các văn bản liên quan về thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tuyệt đối không để gián đoạn công tác y tế.

Xem thêm