Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa sử dụng phương pháp đốt sóng cao tần (Radiofrequency Ablation–RFA) điều trị thành công ca bệnh cường tuyến cận giáp thứ phát trên nền suy thận mạn cho nữ bệnh nhân N.T.M, 52 tuổi.
Bệnh nhân N.T.M có tiền sử suy thận mạn suốt 16 năm, đã chạy thận nhân tạo chu kỳ 11 năm và từng phẫu thuật cắt tuyến cận giáp cách đây một năm. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, bệnh nhân lại xuất hiện các dấu hiệu điển hình của cường cận giáp tái phát như đau nhức xương nghiêm trọng, đi lại khó khăn, chỉ số hormone tuyến cận giáp (PTH) tăng gấp 40 lần giá trị bình thường.
Hình ảnh siêu âm và xạ hình ghi nhận khối tổn thương tuyến cận giáp dưới phải – dấu hiệu cho thấy sự tăng hoạt động quá mức và nguy cơ tiếp tục mất xương, gãy xương bệnh lý và các biến chứng tim mạch nếu không được xử lý kịp thời.
Đáng chú ý, đây là một trường hợp cường tuyến cận giáp thứ phát trên nền suy thận mạn, đã được can thiệp phẫu thuật trước đó nhưng nay tái phát mạnh với biểu hiện rầm rộ trên lâm sàng và sinh hóa. Sự gia tăng PTH quá mức kéo dài dẫn đến loãng xương nặng, gây đau và hạn chế vận động, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gãy xương bệnh lý, vôi hóa mô mềm, tổn thương tim mạch và calciphylaxis – một biến chứng nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao.
Mặt khác, bệnh nhân đã mổ cũ vùng cổ, có bệnh nền tim mạch, bệnh thận nặng, thể trạng yếu, chống chỉ định tương đối với gây mê toàn thân và phẫu thuật lại. Nguy cơ biến chứng khi tái phẫu thuật tuyến cận giáp rất cao do dính mô, chảy máu, tổn thương dây thần kinh thanh quản quặt ngược và rối loạn điều hòa calci sau mổ.

Trước tình hình đó, sau khi hội chẩn chuyên môn, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tuyến giáp đã chỉ định điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp đốt sóng cao tần. Đây là một thủ thuật ít xâm lấn, sử dụng năng lượng sóng cao tần để tiêu hủy mô tuyến cận giáp tăng sinh. Thủ thuật được thực hiện dưới hướng dẫn siêu âm, chỉ cần gây tê tại chỗ, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình thực hiện (khoảng 30 phút).
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ánh Ngọc - Khoa Phẫu thuật tuyến giáp (Bệnh viện Nội tiết Trung ương), chỉ sau 2 giờ thực hiện thủ thuật, nồng độ PTH của bệnh nhân đã giảm còn 1/4 so với trước đó. Người bệnh tỉnh táo, không xuất hiện biến chứng và có thể ra viện sớm.
“Kết quả điều trị cho thấy, RFA là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân cường cận giáp tái phát trên nền suy thận mạn, đặc biệt với các trường hợp không còn phù hợp phẫu thuật truyền thống”, bác sĩ Ngọc chia sẻ.
Bác sĩ Ngọc cho biết, so với phương pháp mổ mở, RFA có những ưu điểm nổi bật như: Không cần gây mê toàn thân, ít xâm lấn, giảm thiểu rủi ro ở người suy thận giai đoạn cuối, bệnh lý tim mạch hoặc hô hấp; Giảm nhanh PTH, cải thiện triệu chứng đau xương, yếu cơ, tăng canxi máu – giúp bệnh nhân vận động dễ hơn, giảm dùng thuốc hỗ trợ; Tránh tái phẫu thuật cổ, đặc biệt khi đã có tiền sử mổ – nguy cơ dính mô, chảy máu và tổn thương dây thần kinh tăng cao.
Đặc biệt, trong bối cảnh chi phí y tế ngày càng cần được kiểm soát hiệu quả, phương pháp này cũng góp phần tiết kiệm chi phí điều trị, giảm số ngày nằm viện và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
“Không chỉ là giải pháp thay thế hiệu quả cho phẫu thuật trong cường cận giáp nguyên phát, RFA đang mở ra hướng điều trị an toàn và ít xâm lấn hơn cho cường cận giáp thứ phát và tam phát, đặc biệt ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn lọc máu. Ứng dụng RFA đúng chỉ định, đúng thời điểm có thể ngăn biến chứng nặng, giảm nhập viện và cải thiện tiên lượng lâu dài cho người bệnh”, bác sĩ Ngọc nhận định.