Cùng dự có các nhà ngoại giao nữ Việt Nam; bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam; các nữ Đại sứ, Đại biện,Trưởng Đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng bày tỏ, được trở thành một nhà ngoại giao nữ, được cống hiến cho sự nghiệp đối ngoại thực sự là niềm tự hào và có ý nghĩa rất thiêng liêng.
"Hành trang để mỗi nhà ngoại giao nữ chúng ta khi bước ra chính trường quốc tế chính là truyền thống lịch sử, là cốt cách văn hóa, là lợi ích của mỗi quốc gia dân tộc. Và trọng trách của chúng ta là phát huy những truyền thống, cốt cách đó, hài hòa lợi ích dân tộc mình với những lợi ích chung để cùng nhau kiến tạo hòa bình, kiến tạo phát triển, kiến tạo tình đoàn kết và hợp tác quốc tế, kiến tạo tình cảm chân thành, gắn bó giữa các quốc gia, dân tộc, vì một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển cho tất cả mọi người", Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết.

Là những nhà ngoại giao nữ, có lẽ ngoài hành trang đó, ngoài kiến thức và trí tuệ, thì sự khéo léo, tinh tế, lòng nhân hậu, bao dung, đức hy sinh, sự mềm mỏng, lo toan, nhưng cũng bản lĩnh, cương quyết của người phụ nữ, cũng tạo nên những thế mạnh riêng, những sức mạnh mềm để các nhà ngoại giao nữ có thể có những đóng góp giá trị và ý nghĩa cho hòa bình, hợp tác và phát triển của thế giới. Có lẽ, chính vì ý nghĩa đó mà Liên hợp quốc đã chọn một ngày để dành riêng cho những người phụ nữ trong lĩnh vực Ngoại giao.
Ngoại giao Việt Nam tự hào với với những nhà ngoại giao nữ đã đi vào lịch sử dân tộc, đặc biệt là bà Nguyễn Thị Bình, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, Trưởng đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris, các thế hệ tiếp theo như bà Hồ Thể Lan, nữ phát ngôn đầu tiên của Bộ Ngoại giao, bà Phan Thị Phúc, nữ Tổng Thư ký UNESCO đầu tiên của Việt Nam, các Đại sứ Nguyễn Thị Hồi, Nguyễn Thị Huyền, Phan Thúy Thanh, Nguyễn Phương Nga, Nguyễn Nguyệt Nga và các thế hệ Đại sứ nữ, những người đã cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp đối ngoại, góp phần vào những thành tựu đáng tự hào của ngành ngoại giao, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thế hệ các nhà ngoại giao nữ hôm nay hết sức tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành, tự hào về những tấm gương của các bà, các cô, các chị, các thế hệ nữ ngoại giao đi trước; sẽ tiếp tục nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê và lý tưởng phụng sự; không ngừng nỗ lực học hỏi, đổi mới để góp phần viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành, đóng góp đưa đất nước phát triển đột phá trong kỷ nguyên phát triển mới, đóng góp cho sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của quan hệ giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, bà Pauline Tamesis nhấn mạnh vai trò tiên phong của các nhà ngoại giao nữ Việt Nam trong ngành Ngoại giao Việt Nam, đặc biệt là của bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao, đã tham gia ký kết Hiệp định Hòa bình Paris về Việt Nam, chấm dứt chiến tranh.
Bà nhấn mạnh, phụ nữ Việt Nam có những đóng góp đáng kể trong nhiều lĩnh vực, nhất là đóng góp để Việt Nam là một điểm sáng về hoà bình và tiến bộ. Chỉ trong một thập kỷ, Việt Nam đã tăng đáng kể thứ hạng về chỉ số bình đẳng giới toàn cầu; Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ chương trình nghị sự về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ của Liên hợp quốc.
Trong lĩnh vực quản trị quốc gia, Việt Nam có tỷ lệ hơn 30% đại biểu Quốc hội là nữ, là nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao trong khu vực. Bà tin tưởng và hy vọng ngày càng có nhiều cán bộ nữ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo chính quyền các cấp nói chung, trong ngành Ngoại giao nói riêng của Việt Nam để hướng tới sự phát triển công bằng, bình đẳng và bền vững.

Đại sứ Romania tại Việt Nam Cristina Romila phát biểu nhấn mạnh sự kiện ngày Phụ nữ quốc tế trong ngành Ngoại giao này không chỉ tôn vinh nghề nghiệp mà còn là sự lựa chọn trở thành những người phụ nữ dũng cảm, đầy nội lực, trở thành nguồn cảm hứng cho những thế hệ ngoại giao tương lai. Bà bày tỏ vinh dự là nữ Đại sứ đầu tiên của Romania được cử tới công tác tại Việt Nam từ năm 2021; đã từng trải qua thời kỳ đầy khó khăn của đại dịch Covid-19, được chứng kiến tận mắt tinh thần mạnh mẽ của người dân Việt Nam đầy tận tụy, luôn quan tâm tới những người khó khăn, sống hết mình, tràn đầy đam mê.
Bà nhận ra rằng Việt Nam là quốc gia hết sức thân thiện, luôn khuyến khích phụ nữ tham gia mọi lĩnh vực, ngành nghề. Sau 4 năm công tác, bà tràn đầy ký ức sâu sắc không thể quên, sự chân thành đối với Việt Nam, và bà gọi Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của mình, cảm thấy mình là một phần của đất nước được chào đón bởi những người bạn thân tình bất chấp khoảng cách về địa lý và khác biệt về văn hóa.
Bà khẳng định mạnh mẽ rằng, Việt Nam không chỉ là một đất nước xinh đẹp, đáng khám phá mà còn là một xã hội cực kỳ thân thiện, cởi mở, tiến bộ đối với phụ nữ. Điều này giúp bà tin tưởng bà có tiếng nói mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam và Romania…

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi, lời chúc sức khỏe, lời chúc mừng tốt đẹp nhất của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đến các nhà ngoại giao nữ.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong văn hóa Việt Nam, trong gia đình, người phụ nữ có vai trò trụ cột, quan trọng nhất. Phụ nữ Việt Nam luôn được coi trọng, được tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng với tất cả các công việc của xã hội.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh, 80 năm Ngày truyền thống ngành ngoại giao, và đang kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ trong ngành ngoại giao (24/6) của Liên hợp quốc để ôn lại truyền thống hào hùng của ngành ngoại giao Việt Nam nói chung, những người phụ nữ làm ngoại giao nói riêng.

Thủ tướng chia sẻ, 80 năm qua, Việt Nam là nước hy sinh, mất mát nhiều nhất. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, đổ nát sau chiến tranh, đến nay vẫn còn nhiều hậu quả nặng nề.
Với sự nỗ lực không mệt mỏi, đến nay, Việt Nam đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Trong sự hy sinh đó, sự nỗ lực đó có sự đóng góp rất quan trọng của phụ nữ Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng 8 chữ vàng: “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” cho phụ nữ Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không có mục tiêu nào khác là nỗ lực đem lại độc lập dân tộc, tự do cho đất nước, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Trong quá trình đó, phụ nữ Việt Nam có đóng góp rất quan trọng.
Thủ tướng cũng bày tỏ, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV hiện nay của Việt Nam là 30,26%, cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện ASEAN.
Việt Nam cũng là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình với tỷ lệ 16%.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có 2 ngày trong năm để tôn vinh phụ nữ - ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam rất coi trọng sự đóng góp của phụ nữ và có nhiều nữ anh hùng trong lao động, chiến đấu, sản xuất, trong đó có các nhà ngoại giao nữ, trong đó đặc biệt nổi bật là nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình, cũng như một số nhà ngoại giao nữ xuất sắc khác.
Thủ tướng vui mừng được đón tiếp các nhà ngoại giao nữ tại buổi gặp mặt này; luôn luôn mong các nhà ngoại giao nữ mạnh khỏe, tiếp tục cống hiến cho đất nước, cho sự nghiệp ngoại giao của thế giới, tiếp tục đóng góp quan trọng vào gìn giữ môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển, đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi đoàn kết quốc tế, để chúng ta đối phó tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi phải có cách tiếp cận toàn dân, toàn diện, toàn cầu, bao trùm mới giải quyết được.
Thủ tướng cũng mong các nhà ngoại giao nữ tiếp tục đóng góp vào mục tiêu chung của Liên hợp quốc, mục tiêu của mỗi quốc gia. Thủ tướng lưu ý Bộ Ngoại giao luôn tạo mọi điều kiện để các nhà ngoại giao nữ thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, được cống hiến hết sức mình cho ngành Ngoại giao Việt Nam.
Thủ tướng bày tỏ xúc động và một lần nữa dành lời cảm ơn tốt đẹp nhất đến các nhà ngoại giao nữ; nêu rõ, cuộc gặp này giúp chúng ta chia sẻ, lắng nghe, càng thấu hiểu hơn tình cảm của người phụ nữ đối với quốc gia, dân tộc, gia đình; càng thấu hiểu hơn tình cảm của các nhà ngoại giao nữ mang lại, góp phần bảo vệ Trái đất an lành, tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển, để tất cả mọi người được hưởng ấm no, hạnh phúc, không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái.