Cùng dự có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Mai Văn Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội.
Hội nghị đã tập trung rà soát các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2025).
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 5/9/2024, chỉ đạo toàn diện Đảng ủy Ủy ban nhân dân thành phố, các tổ chức Đảng trực thuộc và hệ thống chính trị các cấp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và các ngày lễ lớn trong năm 2025.
Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND, chỉ đạo các sở, ngành thực hiện nghiêm túc 3 nhiệm vụ chủ trì, 8 nhiệm vụ phối hợp và 21 nhiệm vụ do thành phố chủ động triển khai.
Về các hoạt động đã triển khai, đối với Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành, dự kiến tổ chức tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/2025 với 28.000 chỗ ngồi, có đầy đủ phương án trang trí lễ đài, huy động quần chúng, bảo đảm hậu cần, y tế, an ninh, và vệ sinh môi trường.
Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt kế hoạch và đang hoàn thiện các hạng mục cụ thể như khán đài, màn hình led, phương tiện truyền thông, quà tặng đại biểu.

Hà Nội xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Đối với Triển lãm và sự kiện đồng hành, Hà Nội sẽ tổ chức không gian trưng bày tại Trung tâm Triển lãm Quốc gia (từ ngày 28/8-5/9), triển lãm tại di tích 48 Hàng Ngang; giới thiệu sản phẩm OCOP, di sản văn hóa và du lịch Thủ đô.
Đối với công tác tuyên truyền và cổ động trực quan, thành phố tổ chức treo cờ, khẩu hiệu, chiếu sáng nghệ thuật, dựng maket tuyên truyền từ tháng 8/2025; sử dụng 127 màn hình LED xã hội hóa và 136 màn hình tại cơ sở để người dân theo dõi sự kiện; tuyên truyền trên báo chí, mạng xã hội, hệ thống phát thanh và các nền tảng số được triển khai đồng bộ.
Các hoạt động tri ân gồm thăm hỏi, tặng quà cho người có công, tổ chức hội nghị gặp mặt cán bộ lão thành và thân nhân liệt sĩ, hỗ trợ xây, sửa nhà tình nghĩa và trao quà cho đối tượng chính sách khó khăn.
Về văn hóa-nghệ thuật, thành phố tổ chức hai chương trình nghệ thuật đặc biệt tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám và Trung tâm Triển lãm Quốc gia. Các chương trình nghệ thuật địa phương, chiếu phim vùng xa cũng được triển khai. Thành phố bắn pháo hoa tại 5 điểm lớn vào tối 2/9.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương đã nêu nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện các phương án tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính đánh giá, Thành phố Hà Nội đã rất chủ động, tích cực triển khai các công việc liên quan đến lễ kỷ niệm. Đến nay, Hà Nội bảo đảm tiến độ thực hiện các nội dung về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo kế hoạch đề ra.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Hà Nội và các đơn vị liên quan phải chủ động triển khai các công việc thật kỹ để bảo đảm ý nghĩa, tiến độ, mục đích và yêu cầu đã đề ra. “Đây là một đại lễ mang tính lịch sử, mang tầm vóc quốc gia và có quy mô lớn nên việc tổ chức cần phải bảo đảm trang trọng, an toàn và an ninh tuyệt đối”, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, nhấn mạnh: Thủ đô Hà Nội với vinh dự và trọng trách được giao ba nhiệm vụ chính đã ý thức sâu sắc đây là trách nhiệm hết sức nặng nề, song cũng là niềm tự hào lớn lao. Chính vì vậy, ngay sau khi có sự phân công và thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị, kế hoạch tổng thể, phân công rõ người, rõ việc, xác định tiến độ cụ thể, bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương để thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Đề xuất một số nội dung quan trọng cần có sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành, đồng chí mong muốn các bộ, ngành, nhất là Bộ Quốc phòng sẽ hỗ trợ kỹ thuật để bảo đảm an ninh an toàn tuyệt đối việc thi công một số hạng mục; sớm có phương án bố trí tuyến đường diễu hành để thành phố Hà Nội làm công tác chuẩn bị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của Thủ đô Hà Nội, các bộ, ngành, lực lượng Quân đội, Công an đã làm tốt công tác chuẩn bị và đạt kết quả tốt, bám sát đề án được Ban Bí thư phê duyệt. Thành phố Hà Nội cần rà soát kỹ từng khâu, nhất là việc tổ chức lễ diễu binh, diễu hành; cần rà soát toàn bộ kịch bản, lời thuyết minh, sử dụng ngôn ngữ chính luận trang trọng, chuẩn xác.

Lưu ý lễ kỷ niệm không chỉ là ngày hội của Hà Nội mà của 54 dân tộc anh em, là hình ảnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị nội dung chương trình văn hóa nghệ thuật tại sự kiện phải thật sự phong phú, gắn với những nét văn hóa đặc sắc của Thủ đô.
Đồng chí yêu cầu, ngay sau hội nghị, các đơn vị rà soát chuẩn bị để có cuộc họp chốt toàn bộ các nội dung lần cuối; tiến hành kiểm tra thực địa, bảo đảm sự kiện thành công, qua đó, góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tạo xung lực mới cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.