Sáng 10/7, tại Phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Nguồn nhân lực hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, giai đoạn 2021-2024, Đảng đã rất quan tâm, ban hành nhiều văn bản định hướng, chủ trương phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong thời gian gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết chiến lược, trong đó đều xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, là yếu tố then chốt để triển khai thành công các nghị quyết.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành văn bản pháp luật, chương trình, đề án, tập trung chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực. Trong giai đoạn giám sát, Chính phủ đã ban hành 69 văn bản. Công tác tuyên truyền, quán triệt, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm.

Đoàn Giám sát cho rằng, trong thời điểm hiện nay, nguồn nhân lực của nước ta cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Quy mô nguồn nhân lực có bước phát triển, cơ cấu ngày càng phù hợp hơn; trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động được nâng lên; năng suất lao động, việc làm, thu nhập của người lao động có chuyển biến tích cực.
Đối với khu vực công lập, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chiếm tỷ lệ không nhiều trong tổng số lực lượng lao động toàn xã hội, phần lớn có trình độ từ đại học trở lên; công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý và phát triển nguồn nhân lực được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định, do vậy, chất lượng, trình độ đội ngũ nhìn chung đáp ứng tốt yêu cầu.
Đối với khu vực ngoài công lập, số lượng lao động có sự gia tăng (tốc độ tăng bình quân khoảng 0,65%/năm trong giai đoạn 2021-2024), nhất là trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2024, cả nước có gần 47,3 triệu người lao động làm việc ở khu vực ngoài nhà nước, chiếm 89,3% tổng lực lượng lao động và chiếm trên 91% tổng số lao động có việc làm của nền kinh tế.
Chất lượng giáo dục, đào tạo ở nước ta ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Các chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao của các bộ, ngành địa phương bước đầu đã phát huy hiệu quả. Từ năm 2018 đến tháng 10/2024, có 706 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút, tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức. Một bộ phận nhân lực chất lượng cao có năng lực, trình độ tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Một số địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện thi tuyển công khai một số vị trí lãnh đạo, cho phép nhân sự ngoài hệ thống được thi tuyển, thí điểm trả lương cao cho giảng viên, bác sĩ giỏi, có cơ chế nội bộ linh hoạt về lương, môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ khác để giữ người tài.
Cả nước còn khoảng 38 triệu lao động chưa qua đào tạo
Tuy nhiên, báo cáo giám sát cũng chỉ rõ, Chính phủ, một số bộ, ngành và hầu hết các địa phương chưa ban hành văn bản tổng thể, định hướng chiến lược dài hạn về phát triển nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao.
Trong bối cảnh bước vào kỷ nguyên mới, yêu cầu về nhân lực cao hơn, đất nước ta đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia đầu ngành, “tổng công trình sư” trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, lĩnh vực kinh tế mới, nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực quan trọng khác như luật, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, khí tượng thủy văn,...
Bên cạnh đó, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa thực sự hợp lý, chưa gắn kết chặt chẽ và theo kịp nhu cầu của thực tiễn. Một bộ phận không nhỏ sinh viên tốt nghiệp đại học chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, nhất là về kỹ năng, độ thích ứng và tính chuyên nghiệp. Ước tính 30% sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong lĩnh vực được đào tạo.

Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực, song còn chậm. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức còn khá cao, chiếm 64,6% lực lượng lao động, đa số thu nhập thấp, thời gian làm việc kéo dài, điều kiện lao động không bảo đảm. Cả nước còn khoảng 38 triệu lao động chưa qua đào tạo.
Việc tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực ở khu vực công, nhất là trong đơn vị sự nghiệp công lập còn có một số bất cập. Cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài chậm đổi mới.
Kiên quyết xử lý các cơ sở đào tạo không bảo đảm chất lượng
Từ thực tế trên, đoàn giám sát kiến nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng, thể chế hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả 4 Nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị, trong đó tập trung thể chế hóa các nội dung liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, chủ trương, đường lối của Đảng về hiện đại hóa giáo dục, chăm lo sức khỏe nhân dân, dân số và phát triển.
Ngoài ra, Chính phủ nghiên cứu, ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và bố trí đầy đủ nguồn lực bảo đảm để thực hiện, nâng cao năng lực sáng tạo của nhân lực gắn với sử dụng hợp lý trí tuệ nhân tạo và các công cụ khoa học công nghệ mới; xây dựng và trình Quốc hội xem xét, sửa đổi bổ sung một số luật về giáo dục, dân số, viên chức...
Cùng với đó, ban hành quy định về nhân lực chất lượng cao theo hướng quy định rõ về khái niệm, tiêu chí, thẩm quyền xác định nhân lực chất lượng cao trong tổng thể nguồn nhân lực (qua các tiêu chí về kết quả đào tạo, bồi dưỡng, kết quả thực hành nghề nghiệp, kinh nghiệm, uy tín, thành tựu trong công tác)...
Về phát triển nguồn nhân lực, đoàn giám sát kiến nghị tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trọng điểm, gắn với các nhóm ngành nghề được ưu tiên, những lĩnh vực mới, lĩnh vực quan trọng.
Kiên quyết xử lý các cơ sở đào tạo không bảo đảm chất lượng; hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Xây dựng Quỹ học bổng từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ sinh viên xuất sắc, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đào tạo bậc đại học trở lên ở trong nước và nước ngoài, ưu tiên các lĩnh vực khoa học cơ bản, ngành nghề trọng điểm.
Đồng thời, bố trí đủ ngân sách để thực hiện các chương trình, đề án đã ban hành về phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao. Bố trí đủ tối thiểu 20% chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo...