Bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình lập pháp năm 2025

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình lập pháp năm 2025, gồm các dự án: Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Thương mại điện tử; Luật Giám định tư pháp (sửa đổi).

Sáng 10/7, tại Phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025.

Theo đó, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung 4 dự án luật, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

Cụ thể là các dự án: Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế); Luật An ninh mạng; Luật Thương mại điện tử; Luật Giám định tư pháp (thay thế).

202507101011417852-gen-h-z678949.jpg
Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025.

Về trình tự, thủ tục xây dựng, Chính phủ đề xuất xây dựng 2 dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế) và Luật Thương mại điện tử theo trình tự, thủ tục thông thường; đề xuất xây dựng 2 dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế) và Luật An ninh mạng theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Cho ý kiến về đề nghị của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp và các cơ quan tán thành với sự cần thiết bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình lập pháp năm 2025, đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình xây dựng dự án cần chú trọng chất lượng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Liên quan đến từng dự án, đối với dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế), các cơ quan đề nghị trong quá trình xây dựng Luật, cần lưu ý không quy định về hoạt động thanh tra chuyên ngành, thanh tra hành chính, không quy định cụ thể về nội dung kiểm tra tiết kiệm, chống lãng phí để phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội cũng như quy định của Luật Thanh tra vừa được Quốc hội thông qua.

Đồng thời, nghiên cứu quy định rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể có hành vi gây lãng phí, mức độ xử lý kỷ luật, hành chính, hình sự và trách nhiệm hoàn trả, bồi thường thiệt hại cho Nhà nước tương ứng với từng hành vi lãng phí gây ra, bảo đảm tính răn đe.

Nghiên cứu hoàn thiện quy định về giám sát và báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ sở kiểm tra, đánh giá và phát hiện sớm các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư công, đất đai, tài nguyên khoáng sản…

Về dự án Luật An ninh mạng, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị, nếu dự án Luật này thay thế cả Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng thì cần chỉnh lý tên gọi để bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh; đồng thời, hợp nhất phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng hiện hành, loại bỏ các nội dung trùng lặp.

Về dự án Luật Thương mại điện tử, các cơ quan nhận thấy, các quan hệ pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử hiện đang chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên Tờ trình chưa làm rõ mối quan hệ giữa Luật Thương mại điện tử với các luật liên quan, chưa chỉ rõ các bất cập, chồng chéo hay khoảng trống pháp lý cần được khắc phục.

Do đó, đề nghị cần rà soát kỹ, làm rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung của dự thảo Luật, tránh trùng lặp, mâu thuẫn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.

Bên cạnh đó, do thương mại điện tử có bản chất xuyên biên giới, với sự tham gia của nhiều chủ thể trong và ngoài nước thông qua các hình thức hoạt động đa dạng như đầu tư, xuất nhập khẩu, cung ứng dịch vụ, giao dịch và hỗ trợ thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài..., quá trình xây dựng Luật cần tiếp tục rà soát kỹ, bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

202507101011418008-gen-h-z678949.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025.

Về dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế), Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị trong quá trình soạn thảo Luật, cần rà soát kỹ các điều luật bảo đảm tuân thủ nguyên tắc phân cấp, phân quyền; tiếp tục rà soát quy định của Luật hiện hành để khắc phục triệt để vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo do quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đặc biệt, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người tiến hành tố tụng được quy định trong các luật về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, thủ tục tố tụng hình sự vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm là khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế có nguyên nhân từ hoạt động giám định tư pháp kéo dài, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi thực hiện giám định tư pháp.

Đồng thời, tăng cường cơ chế kiểm soát nhằm phòng ngừa, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong giám định tư pháp.

Về một số vấn đề khác, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp lưu ý cần tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc quy trình xây dựng pháp luật, chỉ đề xuất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp thực sự cần thiết và đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định tại Điều 50 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Liên quan việc xác định luật “sửa đổi” hay “thay thế”, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục áp dụng như thông lệ từ trước đến nay, đối với các dự án luật sửa đổi toàn diện để thay thế luật hiện hành thì gọi là luật (sửa đổi), đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều thì tên luật cũng phản ánh đúng phạm vi sửa đổi, bổ sung.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; tán thành bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình lập pháp năm 2025 như đề nghị của Chính phủ và nhất trí với trình tự, thủ tục xây dựng dự án luật như Chính phủ trình.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, chỉ còn Kỳ họp thứ 10 là kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Do đó, tất cả những dự án luật trình nên gói gọn và quyết định tại Kỳ họp thứ 10. Nếu cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị thật kỹ, thật tốt, có chất lượng thì sẽ trình các dự án Luật theo quy trình, thủ tục rút gọn.

Liên quan đến xác định luật “sửa đổi” hay “thay thế”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, về pháp lý là hoàn toàn khác nhau, không thể coi là tương đồng với nhau. Sửa đổi một số điều hoặc sửa toàn diện thì cũng là sửa đổi, do đó, giữ nguyên văn bản gốc, chỉ bổ sung, điều chỉnh một phần nội dung của luật đó. Sau khi sửa đổi, luật gốc vẫn còn hiệu lực, chỉ thay đổi các điều khoản cụ thể. Còn luật thay thế nghĩa là ban hành một luật mới hoàn toàn, chấm dứt hiệu lực của luật cũ và luật cũ không còn giá trị pháp lý, nội dung được thay thế bằng luật mới.

Xem thêm