Sản phẩm mật ong của Công ty TNHH Một thành viên Ong mật Bảo An Tây Ninh được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. (Ảnh CTV)
Sản phẩm mật ong của Công ty TNHH Một thành viên Ong mật Bảo An Tây Ninh được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. (Ảnh CTV)

Tạo cơ hội hỗ trợ, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Tây Ninh đang triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Nhờ đó, nhiều nghề và làng nghề truyền thống có thêm cơ hội mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường.

Phước Lý, Long Thượng, Phước Hậu được biết đếnlà các xã chuyên canh rau nổi tiếng của tỉnh Tây Ninh với tổng diện tích 1.800 ha, sản lượng ước hơn 125.000 tấn/năm. Nhờ vậy, các loại rau má, cải xà-lách xoong, rau quế... được xây dựng thành sản phẩm OCOP từ đầu thập niên 2000.

Hợp tác xã Phước Thịnh cung ứng nguồn rau an toàn đến các bếp ăn cao cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng sản phẩm OCOP nước mát của hợp tác xã này mỗi ngày “ngốn” 8 tấn rau (mía lau, mã đề, thuốc dồi, rễ tranh, râu bắp, lá dứa, ngò rí…) cho nên có thể nói, sản phẩm OCOP ngoài quảng bá thương hiệu địa phương còn là nơi “bao tiêu” nông sản cho nông dân.

Hưởng dòng phù sa từ sông Vàm Cỏ Đông và nền văn hóa Nam Bộ hàng trăm năm qua, không khó để các sản phẩm OCOP, như: cốm ngò, lạp xưởng tôm, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, rau ăn lá, rau mùi các loại, nước mát, dưa lưới,… được người tiêu dùng tin tưởng. Đó là rượu đế Gò Đen khi tham gia OCOP và nêu bật thông tin “chưng cất thủ công và loại bỏ tối đa chất Aldehyde” đã được thị trường đón nhận tích cực.

Tuy nhiên, cũng có các sản phẩm OCOP mới, như mật ong, rượu chanh, nấm rơm…khá thành công nhờ cách tiếp cận và quảng bá của “chính chủ”. Điển hình như, mật ong Thạnh Hóa “ong hút mật hoa nhãn, tràm, chôm chôm theo mùa; áp dụng công nghệ đóng chai mới”... đã kích thích trí tò mò, sau là chinh phục khách hàng bằng chất lượng.Tây Ninh có dòng sông Vàm Cỏ Đông chảy qua, có 22 nghề và 8 làng nghề truyền thống được công nhận.

Trong đó, nhiều nghề và làng nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm, trở thành nét văn hóa đặc trưng trong đời sống người dân lưu vực sông Vàm Cỏ Đông. Từ khi chương trình OCOP được triển khai, các nghề và làng nghề truyền thống có thêm nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tiếp cận thị trường, với 391 sản phẩm như nhang (hương), bánh tráng, muối ớt, mật ong, tôm, thanh long sấy, tổ yến, lạp xưởng, rượu, gạo thơm, nếp… Điển hình là bánh tráng Tân Nhiên nhờ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao đã xuất khẩu sang thị Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; nhang thơm Vạn Linh Hương nhờ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao đã mở rộng thị trường toàn miền nam; dưa lê, dưa lưới Hoàng Xuân đạt chuẩn OCOP 4 sao đã có mặt tạicác chợ đầu mối; mật ong Bảo An đạt chuẩn OCOP 4 sao đã vào hệ thống siêu thị trên toàn quốc…

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh, việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu, cấp mã số vùng nuôi trồng, tập trung xúc tiến thương mại là rất thiết thực. Sáu tháng đầu năm 2025, tỉnh Tây Ninh triển khai 29 kế hoạch xúc tiến thương mại với tổng kinh phí giải ngân gần 2,7 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, tỉnh hỗ trợ 322 lượt doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm. Ngoài ra, Tây Ninh phê duyệt hỗ trợ ba đơn vị xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng…

Các sản phẩm đặc sản của Tây Ninh được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao gồm rượu mãng cầu của Công ty TNHH Vương Ngọc Vegan; nước ép mãng cầu của Công ty TNHH Đông dược Vĩnh Xuân; trà túi lọc của Công ty TNHH Một thành viên Trà Tâm Lan; muối ớt của Cơ sở chế biến kỹ nghệ thực phẩm Phú Gia Bảo… đã khẳng định niềm tin với người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm gắn liền với thương hiệu.

Tỉnh không chạy theo số lượng mà tập trung chọn sản phẩm nổi bật, đặc thù, gắn với điều kiện địa lý, tập quán, nét sinh hoạt của cộng đồng cư dân, nhất là từ lợi thế, thế mạnh từng địa phương.Một tín hiệu tích cực từ chính quyền mới đây cho thấy, các hợp tác xã, doanh nghiệp, trang trại, hộ sản xuất có nhu cầu đăng ký mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP sẽ được hỗ trợ kinh phí. Các đơn vị được hỗ trợ 50% tổng kinh phí xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, các đơn vị đăng ký kinh doanh có sản phẩm được đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP 3 sao và còn thời hạn cũng được chi hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh với mức hỗ trợ 35 triệu đồng/nhãn hiệu/sản phẩm cùng loại. Các tổ chức, cá nhân có sản phẩm được đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao được hỗ trợ chi phí thiết kế, in ấn bao bì, tem theo mức từ 10-30 triệu đồng.

Hiện các hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, logistics, cũng như các giải pháp phát triển thương mại, dịch vụ của tỉnh Tây Ninh đang được chú trọng. Phần mềm truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc trưng cũng được tỉnh xây dựng nhằm xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm OCOP qua thương mại điện tử, tiến tới chuyển đổi số hoạt động thương mại. Bên cạnh đó, việc phát huy tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm OCOP gắn với du lịch cũng đang tạo ra sự liên kết trong chuỗi kinh doanh sản phẩm kết hợp tìm hiểu làng nghề.

Xem thêm