Đường ven sông Sài Gòn, nếu hình thành sẽ mở ra một không gian đô thị mới dọc bờ sông.
Đường ven sông Sài Gòn, nếu hình thành sẽ mở ra một không gian đô thị mới dọc bờ sông.

Phát triển bền vững không gian đô thị xanh

Đường ven sông Sài Gòn, nếu hình thành sẽ mở ra một không gian đô thị mới dọc bờ sông nhờ gắn kết tiềm năng tự nhiên và cơ sở hạ tầng từ các địa phương cận kề với Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này sẽ tạo đà cho thương mại, dịch vụ, du lịch, kinh tế địa phương có cơ hội phát triển hơn nữa.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch và đầu tư xây dựngtuyến đường này cần sớm có các giải pháp cụ thể và quyết liệt hơn để hình hài của tuyến đường ven sông sớm lộ diện.Theo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến đường ven sông Sài Gòn thuộc Thành phố Hồ Chí Minh (mới) hiện nay có hai hướng tuyến: Tuyến 1, thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (trước sáp nhập) được quy hoạch với quy mô 4-8 làn xe với tổng chiều dài 78,2 km, phạm vi từ ranh giới tỉnh Tây Ninh đến xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ cũ); tuyến 2, thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương (trước sáp nhập) có tổng chiều dài khoảng 98,2 km, được quy hoạch với nền đường rộng 32 m, kéo dài từ huyện Dầu Tiếng (cũ) đến thành phố Thủ Đức (cũ) Tuyến 2, cũng là một trong những tuyến hạ tầng trọng điểm mà Thành phố Hồ Chí Minh định hướng đầu tư trong giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn sau năm 2030.

Theo phòng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng, tuyến 1 là một trong các tuyến trục chính đô thị theo hướng bắcnam được phê duyệt trong Quyết định số 1711/QĐ-TTg ngày31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ2021-2030, tầm nhìn sau năm 2050 và Quyết định số 1125/QĐ- TTg ngày 11/6/2025 của Thủtướng Chính phủ về phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Mục tiêu quy hoạch tuyến giao thông ven sông Sài Gòn để tạo một hành lang xuyên suốt từ phía bắc qua khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh đến phía nam qua cầu Cần Giờ kết nối Cần Giờ sẽ chia sẻ áp lực giao thông với các trục giao thông cửa ngõ bắc-nam. Cũng từ tuyến đường này sẽ kết nối giao thông với các tuyến vành đai 2, vành đai 3 và vành đai 4, cao tốc Bến Lức-Long Thành tạo nên một trục hướng tâm.

Ngoài ra, cùng với các tuyến Quốc lộ 22, Quốc lộ 13, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành, tuyến đường sông sẽ kết nối các trục ngang liên kết với tỉnh Bình Dương (cũ) qua cầu Phú Long, cầu Phú Cường, cầu Bến Súc...; từ đó, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch. Đối với tuyến 1, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai các thủ tục để đầu tư xây dựng dự án đường ven sông Sài Gòn (từ cầu Ba Son đến cầu Sài Gòn) từ đường Tôn Đức Thắng đến khu Tân Cảng với quy mô 31- 33m, chiều dài 1,95 km.

Kinh phí dự kiến khoảng 1.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh có 110 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài gần 1.000 km. Trong đó, sông Sài Gòn nối liền với khu vực Bình Dương, Tây Ninh (cũ) như một “dải lụa” uốn lượn đẹp mắt. Song, do công tác quy hoạch và đầu tư còn cắt khúc cho nên chậm hình thành một trục giao thông ven sông kết nối liên vùng, khai thác xuyên suốt.

Thực tế hiện nay phần lớn tuyến ven sông bị “khóa” bởi các khu dân cư, bờ bao, hàng rào bê-tông cho nên kỳ vọng kết nối “bờ và sông” để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cần sự quyết tâm cao hơn của chính quyền thành phố.Chia sẻ giải pháp “mở cửa” cho đường ven sông, Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Cứ nhìn hình ảnh hiện nay ở Thảo Điền, Bình Quới-Thanh Đa, nơi bờ sông bị khoanh kín sẽ thấy sự lãng phí rất lớn. Mở cửa dòng sông chính là đặt ưu tiên cho lợi ích công cộng, kích thích du lịch, thương mại, dịch vụ.

Do đó, làm đường ven sông phải có cây xanh, lối đi bộ, gắn kết với hoạt động dân sinh, tuân thủ việc giữ hành lang thoát nước, sinh thái, từ đó bảo đảm phát triển hài hòa với cảnh quan, sinh thái tự nhiên”. Cùng với tuyến 1, ở tuyến đường ven sông thứ 2, thành phố xác định đối với các đoạn đã đầu tư trước đây sẽ giữ nguyên hiện trạng để phù hợp với thực tế và bảo đảm tiết kiệm nguồn lực. Riêng đoạn từ cảng An Sơn đến đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, do có nhu cầu kết nối giao thông lớn và phục vụ vận chuyển hàng hóa, cho nên được điều chỉnh mở rộng nền đường lên 42m nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu tổ chức giao thông và khai thác hiệu quả hạ tầng trong khu vực. Đây là khu vực đang được các nhà đầu tư mong muốn tham gia phát triển hạ tầng ven sông.

Mới đây, Sun Group đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng tuyến đường ven sông Sài Gòn (khu vực địa bàn huyệnCủ Chi (cũ) với quy mô từ 8 đến 10 làn xe, chiều dài khoảng 40 km, theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao). Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sun Group chia sẻ: Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra nhiều cơ hội đầu tư tại 17 khu vực phát triển trọng điểm; trong đó, có phát triển tuyến đường ven sông. Đây cũng là tiền đề để phát triển giao thông tích hợp ven sông giữa đường bộ và đường sắt đô thị, mở rộng kết nối với các tỉnh lân cận và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, chính quyền thành phố cần xác định phát triển không gian đô thị ven sông Sài Gòn thành trục cảnh quan-giao thông mới để làm tiền đề cho công tác quy hoạch và kêu gọi nhà đầu tư. Trong đó, nội dung quy hoạch nhất thiết phải có tuyến đường ven sông, các công viên, bến thuyền, không gian mở phục vụ người dân... Thành phố nên lập cơ chế giao cho tư nhân làm công tác quy hoạch, cơ quan chức năng thẩm định thì mới “kích hoạt” đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

Nếu được triển khai nghiêm túc, tuyến đường ven sông Sài Gòn không chỉ là công trình hạ tầng mà còn xác định tầm nhìn đô thị hướng đến con người, thiên nhiên và phát triển bền vững, góp phần cải thiện chất lượng sống và tạo bản sắc đô thị độc đáo cho thành phố.

Xem thêm