Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) nay trở thành hai phường Vĩnh Phúc và Vĩnh Yên thuộc tỉnh Phú Thọ là nơi phát triển các khu công nghiệp đa ngành, thu hút các lĩnh vực sản xuất, điện tử, thiết bị, điện, điện lạnh, sản xuất phụ tùng ô-tô, xe máy, kim loại... Ảnh: Anh Quân
Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) nay trở thành hai phường Vĩnh Phúc và Vĩnh Yên thuộc tỉnh Phú Thọ là nơi phát triển các khu công nghiệp đa ngành, thu hút các lĩnh vực sản xuất, điện tử, thiết bị, điện, điện lạnh, sản xuất phụ tùng ô-tô, xe máy, kim loại... Ảnh: Anh Quân

Tạo bứt phá kinh tế từ công nghiệp

Trung du và miền núi phía bắc đang từng bước chuyển mình khi công nghiệp vươn lên trở thành động lực tăng trưởng chính. Nhưng để bứt phá, vùng cần đẩy nhanh phát triển công nghiệp chế biến sâu, gắn với liên kết vùng và hạ tầng hiện đại.

Sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, các tỉnh thuộc khu vực đều có điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các ngành kinh tế. Một số thế mạnh thể hiện rõ nét trong: khai thác và chế biến khoáng sản; phát triển thủy điện; nông nghiệp đặc thù theo khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới...

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng…

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính), năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của cơn bão số 3, tình hình kinh tế - xã hội của vùng vẫn ghi nhận sự phục hồi rõ nét. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) toàn vùng đạt hơn 9% - mức cao nhất cả nước.

Đáng chú ý, cơ cấu GRDP khá tích cực khi công nghiệp chiếm tỷ trọng 44,15%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 16,59%; Dịch vụ chiếm 34,82%... Việc công nghiệp vươn lên chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GRDP cho thấy hiệu quả bước đầu của chiến lược phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng và khai thác có kiểm soát các lợi thế tài nguyên của vùng.

Cũng trong năm này, thu ngân sách nhà nước toàn vùng khoảng 89,243 nghìn tỷ đồng (tăng 13% so với dự toán Trung ương giao), trong đó thu cân đối ngân sách địa phương đạt 73,846 nghìn tỷ đồng, vượt 11% dự toán. Kim ngạch xuất khẩu (tính đến hết tháng 11/2024) đạt hơn 72 tỷ USD. Toàn vùng có 37 khu công nghiệp, trong đó 26 khu đã đi vào hoạt động, chiếm khoảng 70%. Ngoài ra, vùng thu hút được khoảng 90 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký khoảng 1,8 tỷ USD.

…Nhưng cần nhanh hơn

Bức tranh kinh tế - xã hội đang có sự chuyển mình rõ rệt. Tuy nhiên, vùng trung du và miền núi phía bắc vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết, hệ thống hạ tầng yếu kém là một điểm nghẽn lớn khi chưa kết nối được với Vùng Thủ đô, ra các cảng biển, đường sắt chưa kết nối được với Trung Quốc và ra quốc tế…

Bên cạnh đó, sự thiếu vắng các nhà máy chế biến quy mô, công nghệ cao dẫn đến tình trạng nông sản chủ lực như chè, quế, hồi, dược liệu… chủ yếu được bán thô hoặc sơ chế đơn giản. Không ít sản phẩm đặc sản phải “gửi thương hiệu” cho doanh nghiệp miền xuôi để xuất khẩu.

Với diện tích rừng và sản lượng gỗ rừng trồng lớn thứ 2 cả nước, công nghiệp chế biến gỗ tại trung du và miền núi phía bắc phát triển khá nhanh. Tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị tăng thêm (VA) giai đoạn (2015 - 2023) đạt 18,7%/năm, cao hơn tăng trưởng chung của cả nước. Dù vậy, VA ngành công nghiệp chế biến gỗ của vùng vẫn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu cả nước.

Quyết định số 369/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 4/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được xem là dấu mốc quan trọng định hình lại chiến lược phát triển vùng. Quy hoạch này không chỉ là sự sắp xếp lại không gian kinh tế theo hướng tối ưu, mà còn mang tư duy kiến tạo - chủ động xác định và xử lý các điểm nghẽn mang tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh. Tư duy phát triển không còn dựa vào khai thác tài nguyên, mà hướng tới tổ chức lại các trụ cột tăng trưởng, nâng cao chất lượng thể chế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực - từ ngân sách nhà nước, FDI cho đến nguồn lực trong dân.

Trung du và miền núi phía bắc là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Để giúp vùng bước khỏi vòng luẩn quẩn của nền kinh tế nông nghiệp quy mô nhỏ, việc chuyển dịch cơ cấu sang công nghiệp là tất yếu. Tuy nhiên, điều này không thể đột ngột mà cần chiến lược đầu tư hạ tầng, nâng cấp kỹ năng lao động, áp dụng công nghệ và cải cách chính sách theo hướng thu hút đầu tư chế biến, logistics chất lượng cao. Chỉ khi đó, vùng mới có thể tăng trưởng bền vững và nâng tầm cạnh tranh.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng trung du và miền núi phía bắc cần thực hiện một cú chuyển mình chiến lược, chuyển dịch mạnh mẽ sang công nghiệp chế biến sâu, đặc biệt là chế biến nông - lâm sản và khoáng sản có chọn lọc.

Xem thêm