Du khách trải nghiệm nghề truyền thống vẽ sáp ong tại điểm du lịch cộng đồng bản Sưng, xã Cao Sơn.
Du khách trải nghiệm nghề truyền thống vẽ sáp ong tại điểm du lịch cộng đồng bản Sưng, xã Cao Sơn.

Đổi thay nhờ du lịch cộng đồng

Những vùng đồng bào các dân tộc Mường, Thái, H’Mông, Dao thuộc tỉnh Phú Thọ đang nỗ lực phát triển mô hình du lịch cộng đồng, coi đây là một hướng đi mới để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, xây dựng cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc.

Nằm ở vùng lõi hồ Hòa Bình, trước đây, ngoài đánh bắt thủy sản và trồng rừng, người dân bản Ngòi, xã Mường Hoa không có nguồn thu nào khác. Chỉ khi có doanh nghiệp vào theo chính sách thu hút đầu tư hỗ trợ, đồng hành, người dân bản địa mới bắt tay làm du lịch, cùng khơi dậy tiềm năng, thế mạnh vùng hồ.

Bản Ngòi là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mường với hơn 100 hộ. Ngoài vẻ đẹp cảnh quan hoang sơ, người dân nơi đây còn giữ được gần như nguyên vẹn nếp nhà sàn cổ, nhiều nét văn hóa truyền thống dân tộc Mường. Anh Bùi Văn Hiện, chủ cơ sở homestay Chuông Gió tại bản tâm sự: Nhờ có sự giúp đỡ của Công ty cổ phần Du lịch Hòa Bình, cộng đồng bản Ngòi đã có sự thay đổi về tư duy, nhận thức. Một số hộ mạnh dạn cải tạo cơ sở vật chất, đầu tư homestay đón khách và cung cấp các dịch vụ ăn, nghỉ, trải nghiệm đa dạng. Đến thăm bản, du khách có thể thưởng ngoạn cảnh quan sơn thủy hữu tình của hồ Hòa Bình, vịnh Ngòi Hoa, tìm hiểu văn hóa người Mường, tham gia các hoạt động chèo thuyền, câu cá, đánh bắt thủy sản…

So với các điểm du lịch cộng đồng khác trong tỉnh Phú Thọ, địa danh Hang Kia, Pà Cò còn khá mới nhưng lại có sức hấp dẫn riêng đối với du khách trong nước, quốc tế. Sở dĩ Hang Kia, Pà Cò trở thành “thỏi nam châm” hút khách là bởi bên cạnh yếu tố cảnh quan thiên nhiên, nơi đây bảo tồn nét văn hóa bản địa đặc sắc qua lời ăn tiếng nói, trang phục, phong tục tập quán sinh hoạt hằng ngày.

Các hộ làm du lịch cộng đồng tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng, làm mới các sản phẩm trải nghiệm, như: Chợ đêm văn hóa dân tộc H’Mông ở Pà Cò; trải nghiệm dệt vải, nhuộm vải thổ cẩm, hái chè… và thưởng thức những món ăn đặc sản mang đậm hương vị núi rừng Tây Bắc.

Đến nay, du lịch cộng đồng khu vực tỉnh Hòa Bình (trước đây) có bước phát triển mạnh theo hướng khai thác văn hóa các dân tộc thiểu số, tập trung ở khu vực các xã Mai Châu, Đà Bắc, Mường Bi, Thung Nai. Trong đó, khu vực xã Mai Châu có tám điểm du lịch cộng đồng, gồm sáu điểm của dân tộc Thái, hai điểm của dân tộc H’Mông; khu vực Đà Bắc có bốn điểm của dân tộc Mường, một điểm của dân tộc Dao; khu vực Tân Lạc có bốn điểm và Cao Phong có ba điểm của dân tộc Mường…

Theo đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, đây là nơi tập trung sinh sống của nhiều dân tộc, trong đó dân tộc Mường chiếm khoảng 64%, còn lại là các dân tộc Kinh, Thái, Dao, Tày, H’Mông. Những năm gần đây, du lịch cộng đồng được tỉnh khuyến khích phát triển.

Bên cạnh chính sách của Đảng, Nhà nước, một số tổ chức phi chính phủ cũng quan tâm, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng mô hình này. Hiện khu vực có hơn 20 điểm du lịch cộng đồng, với gần 200 homestay hoạt động kinh doanh lưu trú và các dịch vụ du lịch khác, thu hút khoảng 1.000 lao động nghèo, người dân tộc thiểu số tham gia.

Không chỉ góp phần bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa, du lịch cộng đồng còn tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho du khách tham quan, như: Lưu trú, ăn uống, trải nghiệm văn hóa bản địa, quà lưu niệm địa phương. Đáng chú ý, nhiều điểm du lịch đã xây dựng được thương hiệu, uy tín, được du khách trong nước, quốc tế yêu thích như bản Lác-Mai Châu, bản Mỗ-Thung Nai, xóm Đá Bia-Tiền Phong, bản Sưng-Cao Sơn… Những nơi này đều xây dựng được các sản phẩm du lịch không trùng lặp, mang bản sắc, trải nghiệm ấn tượng.

Trên nền tảng tiềm năng, thế mạnh từ cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc, du lịch cộng đồng đang tạo hướng đi bền vững, từng bước thay đổi tư duy phát triển kinh tế của người dân. Tỉnh định hướng phát triển mô hình này gắn với nông nghiệp bền vững, bảo vệ tốt cảnh quan, môi trường sinh thái và lưu giữ những giá trị đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ được đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất như hạ tầng giao thông, điện, thiết chế văn hóa… mà còn thường xuyên được tham gia tập huấn nâng cao kỹ năng làm du lịch cộng đồng.

Hiện nay, các điểm du lịch cộng đồng góp phần lớn trong đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo, nguồn thu của các hộ làm dịch vụ du lịch cũng cao gấp nhiều lần so với hộ khác. Các ngành nghề thủ công truyền thống có bước phát triển, tạo nhiều việc làm cho người dân. Du lịch cộng đồng phát triển đang mang đến diện mạo mới cho nông thôn. Các địa phương thuộc tỉnh Hòa Bình (trước đây) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho 290 hộ làm du lịch cộng đồng, đón hơn 1,6 triệu lượt khách.

Trên cơ sở các mục tiêu đặt ra, tỉnh Phú Thọ xác định du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, điểm đến hấp dẫn trong khu vực Tây Bắc, thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, tỉnh mong muốn các nhà đầu tư tiếp tục phối hợp, liên doanh, hợp tác để khai thác tiềm năng trong khu vực cũng như các xã. Việc đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm thay đổi diện mạo và cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Xem thêm