Chi bộ, cấp ủy thôn tại các xã vùng cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tích cực vận động người dân thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Chi bộ, cấp ủy thôn tại các xã vùng cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tích cực vận động người dân thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Lan tỏa sức mạnh của tổ chức Đảng

Những năm gần đây, công tác phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Tuyên Quang đã có chuyển biến rõ nét cả về nhận thức và hành động.

Nhiều xã, thôn trước kia từng là “vùng trắng” đảng viên hoặc phải sinh hoạt chi bộ ghép, nay đã thành lập được chi bộ trực tiếp tham gia lãnh đạo, điều hành các phong trào ở cơ sở.

Đáng chú ý, đội ngũ đảng viên mới ngày càng được trẻ hóa, có trình độ, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới trong cách tiếp cận và giải quyết vấn đề. Họ không chỉ là lực lượng kế cận tin cậy của Đảng, mà còn là những người truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng khối đại đoàn kết ở các địa phương vùng khó.

Bí thư Chi bộ thôn Ngòi Nghìn, xã Trung Sơn, tỉnh Tuyên Quang Ngô Trường Lộc sinh năm 1994, là một đảng viên trẻ năng động, nhiệt huyết, luôn tận tâm với công việc, đã khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở. Đồng chí cho biết: Thôn Ngòi Nghìn có 80 hộ dân với 452 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc H’Mông. Từ năm 2015 đến năm 2022, thôn chỉ có một đảng viên cao tuổi và đã được miễn sinh hoạt. Cho đến năm 2023 mới kết nạp được đảng viên đầu tiên sau nhiều năm gián đoạn.

Từ mốc khởi đầu ấy, công tác phát triển đảng tại Ngòi Nghìn từng bước khởi sắc, liên tục phát hiện, bồi dưỡng và kết nạp những quần chúng ưu tú vào hàng ngũ của Đảng. Đến nay, Chi bộ thôn đã có chín đảng viên, trong đó có hai đảng viên trẻ vừa được kết nạp vào tháng 9 và tháng 11/2024, góp phần tạo thêm nguồn lực mới cho tổ chức cơ sở đảng.

Theo số liệu thống kê trước ngày 1/7/2025, tỉnh Tuyên Quang (cũ) có 60.250 đảng viên, trong đó có hơn 27.000 đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ hơn 44%.

Phát huy vai trò của đảng viên ở cơ sở, Chi bộ thôn Ngòi Nghìn đã trở thành điểm sáng trong công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn mới, từng bước thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2023, tuyến đường liên xã nối thôn Ngòi Nghìn sang thôn Khau Làng, xã Kiến Thiết và tuyến đường đi Làng Doàng, xã Tân Long được đầu tư xây dựng với hơn 2 km. Đây là công trình có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống người dân tại các thôn.

Ngay từ khi triển khai, Chi bộ thôn Ngòi Nghìn đã phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đảng viên phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể trong thôn và cán bộ xã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia. Theo đó, đã có 12 hộ người H’Mông tự nguyện hiến hơn 5.000 m² đất và di dời sáu ngôi nhà để nhường mặt bằng cho việc thi công tuyến đường. Nhờ sự đồng thuận cao trong nhân dân, cả hai tuyến đường đã được hoàn thành, mở ra hướng phát triển mới cho thôn, giúp người dân đi lại thuận tiện, giao thương buôn bán dễ dàng, từng bước cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bí thư Chi bộ thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi Lầu Văn Thào là một tấm gương trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là địa bàn có đông đồng bào dân tộc H’Mông, Dao sinh sống. Có thời điểm, cả thôn chỉ có duy nhất một đảng viên là đồng chí Lầu Văn Thào; vừa là Trưởng thôn kiêm công an viên, đồng thời là người có uy tín trong cộng đồng.

Đồng chí Lầu Văn Thào chia sẻ, để khơi dậy niềm tin với người dân, ông không chỉ tích cực trong phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm mà còn tìm kiếm, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú, những “hạt giống đỏ” tại địa bàn. Với tâm huyết và nỗ lực không ngừng nghỉ, Bí thư Thào đã góp phần quan trọng trong việc bồi dưỡng và giới thiệu nhiều quần chúng tích cực vào Đảng. Đến nay, thôn Nà Tang đã thành lập được chi bộ với 12 đảng viên chính thức.

“Các đảng viên đều là người địa phương, tiêu biểu, gương mẫu, sẵn sàng gánh vác việc chung của thôn, bản, từng bước khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở. Nhờ vậy, ở Nà Tang giờ đây không còn cảnh ruộng, nương bị bỏ hoang. Dân bản đã không còn tin vào tà đạo và những lời tuyên truyền phi lý. Người dân tộc H’Mông, Dao ở thôn cùng nhau trồng ngô, bí, nuôi lợn, trâu, bò, đi lao động tại các khu công nghiệp để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và thoát nghèo. Một số thanh niên còn mạnh dạn đầu tư máy móc, mở xưởng dệt thổ cẩm, dệt vải, may trang phục, tạo việc làm cho lao động địa phương. Trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường đầy đủ. Từ nhiều năm nay, thôn không còn tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống”, đồng chí Lầu Văn Thào khẳng định.

Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang Phạm Kiên Cường cho biết, trong công tác phát triển tổ chức đảng, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy cơ sở cần coi trọng việc tạo động lực để quần chúng phấn đấu vào Đảng; trong đó vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy và từng đảng viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Theo đó, các đồng chí đảng viên phải thật sự gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống, tận tụy trong công việc, gần dân, hiểu dân, góp phần xây dựng niềm tin và sức hút chính trị của Đảng trong cộng đồng. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao nhận thức của quần chúng về Đảng và lý tưởng cộng sản; tạo điều kiện để mỗi người dân có cơ hội rèn luyện, trưởng thành thông qua các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động xã hội thiết thực.

Một trong những giải pháp quan trọng là phát hiện, bồi dưỡng và phát triển đảng viên mới từ lực lượng đoàn viên, thanh niên, những người trẻ tuổi có tri thức, tinh thần cống hiến, khát vọng vươn lên, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng và đất nước. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức Đảng tại cơ sở, gắn bó chặt chẽ với đời sống của nhân dân sẽ tạo tiền đề quan trọng để phát triển Đảng bền vững ở vùng đặc biệt khó khăn.

Xem thêm