Nhà thầu tập trung máy móc thi công đoạn cuối tuyến ở phường Bắc Kạn, tỉnh Thái Nguyên.
Nhà thầu tập trung máy móc thi công đoạn cuối tuyến ở phường Bắc Kạn, tỉnh Thái Nguyên.

Đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc Chợ Mới-Bắc Kạn

Đường cao tốc Chợ Mới-Bắc Kạn là dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển 37 xã vùng phía bắc của tỉnh Thái Nguyên, kết nối với tỉnh Cao Bằng. Trong quá trình triển khai, dự án gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, thời tiết mưa nhiều.

Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án 2 (Bộ Xây dựng) và chính quyền địa phương đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ.

Dư án đường cao tốc Chợ Mới-Bắc Kạn có tổng mức đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng. Dự án có chiều dài gần 30 km, điểm đầu kết nối với đường Thái Nguyên-Chợ Mới (xã Chợ Mới), điểm cuối kết nối với đường Bắc Kạn đi hồ Ba Bể tại phường Bắc Kạn. Tuyến đường có vận tốc thiết kế 80 km/giờ.

Ngay khi bắt tay vào triển khai, giải phóng mặt bằng được xác định sẽ khó khăn, do tuyến mở mới hoàn toàn đi qua nhiều diện tích đất của người dân. Dự án cần thu hồi, sử dụng hơn 255 ha đất các loại. Ngoài ra, địa hình phức tạp cũng tạo nên nhiều thách thức cho quá trình thi công với 18 cây cầu; bốn nút giao liên thông; 30 hầm chui dân sinh…

Thực tế thời gian đầu, tiến độ giải phóng mặt bằng diễn ra rất chậm do vướng mắc về thủ tục, định giá tài sản, chính sách hỗ trợ tái định cư. Để tháo gỡ, chính quyền tỉnh Bắc Kạn (cũ) đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách linh hoạt để hỗ trợ hiệu quả cho công tác giải ngân vốn xây dựng cơ bản, như các quyết định quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cho phép bồi thường 80% giá trị tài sản hiện có, kể cả khi không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, áp dụng quyết định về giá trị bồi thường cây trồng, vật nuôi, thủy sản giúp rút ngắn thời gian thẩm định và chi trả. Tỉnh đồng thời nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho các hộ dân phải di dời trong thời gian tìm, bố trí nơi ở mới.

Xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu chính đáng của người dân, đầu tháng 6, tỉnh Bắc Kạn (trước đây) ban hành chính sách cho phép áp dụng các biện pháp hỗ trợ khác theo khoản 2, Điều 108, Luật Đất đai 2024. Theo đó, đối với mồ mả (có chủ hay vô chủ) nằm trong phạm vi 10m, tính từ chỉ giới thu hồi, nếu được ghi nhận trong biên bản kiểm đếm sẽ được hỗ trợ như đối với đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình theo Điều 106, Luật Đất đai và Điều 18, Nghị định số 88/2024/NĐ-CP của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Chính sách này đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của người dân.

Theo đại diện Ban quản lý dự án 2, trong tháng 6, các địa phương đã ban hành các quyết định thu hồi được hơn 175 ha đất, đạt gần 70% tổng số diện tích phải thu hồi và Ban quản lý đã nhận bàn giao gần 16 km. Công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đáp ứng so với kế hoạch. Hiện nay, vẫn còn một số vị trí mặt bằng “xôi đỗ” do người dân chưa nhận tiền đền bù. Chủ đầu tư và địa phương đang nỗ lực phối hợp, giải quyết.

Ông Mạc Văn Nghiệp, Giám đốc quản lý dự án (Ban quản lý dự án 2) cho biết: “Thời tiết mưa nhiều đã ảnh hưởng tới tiến độ thi công. Chúng tôi đã chỉ đạo các nhà thầu khắc phục khó khăn, tập trung chuẩn bị tốt việc khảo sát địa hình, địa chất, nhất là tập kết máy móc và chuẩn bị vật liệu để bước vào thi công gấp rút ngay khi thời tiết nắng ráo”.

Hiện tại, liên danh nhà thầu Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành-Công ty cổ phần xây dựng Đèo Cả-Tổng công ty xây dựng Trường Sơn-Công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả huy động 15 mũi thi công, trong đó có chín mũi thi công đường và sáu mũi thi công cầu với 65 đầu máy, thiết bị. Các đơn vị đã thực hiện xong khảo sát địa hình; thực hiện 75 lỗ khảo sát địa chất; lập bản vẽ thi công nền đường, cống, hầm chui dân sinh, cầu. Nhà thầu thi công đã thực hiện xong việc cấp quyền khai thác mỏ vật liệu đắp thông thường theo cơ chế đặc thù đối với mỏ đất tại Cụm công nghiệp Thanh Thịnh có trữ lượng 400.000 m3. Chính quyền địa phương đã bổ sung sáu bãi tập kết vật liệu đào thừa theo đề xuất của nhà thầu.

Theo số liệu sơ bộ, tính đến hết tháng 6, đoạn tuyến từ Km2+00-Km8+625, nhà thầu đang dọn dẹp, phát quang mặt bằng, mở đường công vụ tiếp cận công trường; đoạn Km8+600-Km13+00, dọn dẹp, phát quang mặt bằng nhánh 1, nút giao Quốc lộ 3, xây dựng đường công vụ chuẩn bị thi công cọc khoan nhồi cầu Khuổi Quận; riêng mũi thi công đoạn tuyến Km21+00-Km24+840, 48 đang phát quang tuyến, đào bóc hữu cơ, thực hiện các công tác chuẩn bị cho thi công cống hộp đổ tại chỗ, hầm chui dân sinh, khoan cọc nhồi cầu Thanh Vận.

Mũi thi công đường Km26+912,39 -Km28+829 đang tiến hành dọn dẹp phát quang, làm đường công vụ, đào bóc hữu cơ, vật liệu không thích hợp, chuẩn bị thi công đào hố móng cống hộp và hầm chui dân sinh. Còn tại mũi thi công các cầu Thanh Mai, Phiêng Luông 1,Phiêng Luông 2, nhà thầu đã làm xong đường công vụ, bãi đúc dầm, chuẩn bị thi công cọc khoan nhồi cầu Thanh Mai…

Ông Trần Bá Luân, Giám đốc điều hành dự án Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành cho biết: “Công ty đảm nhận thi công hơn 21 km, chiếm tới 69% chiều dài tuyến của cả dự án. Hiện tại, chúng tôi tập trung vận động giải phóng mặt bằng nốt tại những điểm còn vướng mắc; phát quang, dọn dẹp, chuẩn bị hiện trường. Khó khăn lớn nhất do mưa nhiều nên đơn vị đang theo dõi sát tình hình thời tiết để triển khai ngay các mũi thi công, nhất là tại các vị trí thi công cầu khi trời khô ráo”.

Từ ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức vận hành, tỉnh Bắc Kạn hợp nhất với tỉnh Thái Nguyên cũ thành tỉnh Thái Nguyên. Để bảo đảm dự án vận hành thông suốt, Ban quản lý dự án 2 đề nghị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phía bắc (tỉnh Thái Nguyên) đẩy nhanh công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, tạo mặt bằng sạch phục vụ thi công; đồng thời tiếp tục rà soát nhu cầu vốn liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư, di chuyển công trình công cộng để báo cáo.

Ngoài ra, cũng đề nghị tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các đơn vị cấp xã chủ động tiếp nhận phạm vi công việc đã và đang thực hiện; kiến nghị lãnh đạo Bộ Xây dựng sớm làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên mới để thống nhất đầu mối phối hợp, bảo đảm tính liên tục; chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng trong giai đoạn chuyển giao; trao đổi, tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn sau hợp nhất.

Xem thêm