Nhà hát sau hợp nhất cũng cần có chính sách thu hút nhân tài và đãi ngộ xứng đáng, tạo điều kiện để nghệ sĩ yên tâm làm nghề. (Ảnh minh họa: NHÀ HÁT CHÈO VIỆT NAM)
Nhà hát sau hợp nhất cũng cần có chính sách thu hút nhân tài và đãi ngộ xứng đáng, tạo điều kiện để nghệ sĩ yên tâm làm nghề. (Ảnh minh họa: NHÀ HÁT CHÈO VIỆT NAM)

Sân khấu truyền thống trong dòng chảy hội nhập

Theo Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 24/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ, ba đơn vị nghệ thuật truyền thống gồm Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu Truyền thống Quốc gia Việt Nam, hoàn thành trước ngày 1/8/2025.

Việc hợp nhất ba nhà hát truyền thống được xem là bước đi chiến lược nhằm khẳng định vị thế và nâng cao chất lượng hoạt động của nghệ thuật sân khấu truyền thống trong bối cảnh hội nhập. Không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý, việc sáp nhập còn giúp tối ưu hóa nguồn lực về nhân sự, tài chính và cơ sở vật chất.

Nhà hát Sân khấu Truyền thống Quốc gia Việt Nam được kỳ vọng trở thành thiết chế văn hóa tầm quốc gia, đủ năng lực sản xuất và tổ chức các chương trình biểu diễn quy mô lớn, đa loại hình, kết hợp thế mạnh của từng loại hình nghệ thuật. Qua đó, đưa tinh hoa sân khấu truyền thống đến gần hơn với công chúng hiện đại, đồng thời mở rộng ảnh hưởng ra khu vực và quốc tế. Đây cũng là bước mở đường thúc đẩy cơ chế tự chủ, khơi dậy tính năng động, sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ trong phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, phát triển công nghiệp văn hóa và thu hút du lịch.

Tuy nhiên, song hành với cơ hội là không ít thách thức. Bên cạnh niềm tin và kỳ vọng vào bước chuyển mình của sân khấu truyền thống, nhiều người trong nghề bày tỏ lo ngại về nguy cơ mai một bản sắc riêng của từng loại hình tuồng, chèo, cải lương sau khi ba nhà hát hợp nhất.

Trong bối cảnh sân khấu truyền thống gặp nhiều khó khăn trước sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình giải trí hiện đại, không ít khán giả trẻ thậm chí chưa thể phân biệt rõ tuồng, chèo và cải lương. Việc ba đơn vị đầu tàu trong từng lĩnh vực “về chung một nhà” đặt ra câu hỏi liệu có làm phai nhạt các giá trị đặc trưng riêng biệt. Nỗi băn khoăn này không phải không có cơ sở, nhất là khi tại một số địa phương, việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật theo cách cơ học đã dẫn đến nguy cơ nghiệp dư hóa hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp.

Thêm vào đó là những khó khăn có thể phát sinh trong quá trình tái cơ cấu tổ chức, cạnh tranh vị trí việc làm, và xáo trộn tâm lý trong đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ. Vì vậy, việc hợp nhất ba nhà hát truyền thống cần được triển khai một cách khoa học, thận trọng và có trách nhiệm, với các giải pháp đồng bộ, khả thi cả về cơ chế, chính sách và định hướng phát triển nghệ thuật, để bảo tồn giá trị riêng của từng loại hình trong một cấu trúc chung hiệu quả và bền vững.

Để bản sắc riêng của từng loại hình nghệ thuật tiếp tục được nhận diện, bảo tồn và phát huy, nhiều chuyên gia cho rằng cần duy trì các đoàn biểu diễn chuyên biệt trực thuộc, bảo đảm tính đặc thù của từng loại hình. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy và xây dựng mô hình quản trị linh hoạt, hiệu quả sau hợp nhất.

Người đứng đầu thiết chế mới phải am hiểu chuyên môn, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và có khả năng kết nối đội ngũ nghệ sĩ từ các đơn vị khác nhau để tạo sức mạnh đoàn kết. Quan trọng hơn, cần giữ được sự công bằng, khách quan trong ứng xử với từng loại hình, để tuồng, chèo, cải lương khi đặt cạnh nhau vẫn tỏa sáng với vẻ đẹp riêng biệt.

Nhà hát sau hợp nhất cũng cần có chính sách thu hút nhân tài và đãi ngộ xứng đáng, tạo điều kiện để nghệ sĩ yên tâm làm nghề. Một thực tế tồn tại lâu nay tại nhiều đơn vị nghệ thuật công lập là tình trạng nghệ sĩ đã hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, trong khi lớp nghệ sĩ trẻ tài năng lại thiếu cơ hội, buộc phải ký hợp đồng ngắn hạn với thu nhập thấp.

Điều này khiến công tác tuyển sinh đầu vào cho sân khấu truyền thống nhiều năm qua gặp khó khăn. Đây là điểm nghẽn cần được nghiên cứu tháo gỡ trong quá trình hợp nhất, sao cho vừa bảo đảm quyền lợi cho các nghệ sĩ lớn tuổi nghỉ hưu trước hạn, vừa có cơ chế phát hiện, đào tạo và giữ chân nghệ sĩ trẻ tài năng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nhà hát mới.

Cùng với việc phát huy nguồn lực sáng tạo và đổi mới tư duy của từng nghệ sĩ, vai trò “bà đỡ” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là không thể thiếu trong quá trình phát triển sân khấu truyền thống. Điều này đòi hỏi sự quan tâm đồng bộ từ hoàn thiện hạ tầng biểu diễn, ươm mầm nhân lực trẻ, đến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhất là đặt hàng sáng tác các chương trình nghệ thuật truyền thống chất lượng cao, mang đậm bản sắc dân tộc và hơi thở thời đại. Đây chính là hướng đi quan trọng để sân khấu truyền thống phát huy nội lực, khẳng định vị thế trong dòng chảy văn hóa đương đại.

Xem thêm