Họa sĩ Quỳnh Thơm (bên phải) trực tiếp chia sẻ về tác phẩm tại không gian triển lãm.
Họa sĩ Quỳnh Thơm (bên phải) trực tiếp chia sẻ về tác phẩm tại không gian triển lãm.

Triển lãm "Sắc quê 6" - bản hòa sắc của ký ức và tình yêu quê hương

Nhiều người xem tranh đã chùng lại nhịp bước khi đặt chân vào không gian triển lãm "Sắc quê 6" của họa sĩ Quỳnh Thơm đang diễn ra tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền. Vẻ đẹp làng quê Việt Nam trở thành điểm hẹn ký ức trong tình cảm chân thành và sâu lắng.

Công chúng yêu tranh Quỳnh Thơm đều có phần ngỡ ngàng bởi triển lãm "Sắc quê 5" của họa sĩ vừa diễn ra cách đây chưa lâu, vẫn đọng lại nhiều dư âm tốt đẹp. Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, anh lại tiếp tục giới thiệu 79 bức tranh ấn tượng.

"Sắc quê" trong tranh Quỳnh Thơm không dừng lại ở không gian quê hương anh đã sinh ra và lớn lên (xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, nay là xã Thổ Tang, tỉnh Phú Thọ) mà còn là hình ảnh từ những miền đất thân thương trải dọc theo đất nước. Đó là quê hương rộng mở, được họa sĩ cảm nhận bằng tất cả sự quan sát tinh tế, bằng tình yêu lặng lẽ dành cho đất, cho người.

516997015-4113024225680238-7982598339692805467-n-4523.jpg
Họa sĩ vẽ mọi lúc, mọi nơi với sức sáng tạo dồi dào.

Trong từng bức vẽ, bên cạnh phong cảnh lũy tre, cánh đồng, mái nhà, ao chuôm, sông ngòi... là hơi thở đời sống với hình bóng con người đầy yêu thương, lam lũ bên ruộng đồng, mái ấm, lối nhỏ đi về...

Chia sẻ về triển lãm, họa sĩ Quỳnh Thơm, bày tỏ: "Mỗi bức tranh với tôi là cả vùng ký ức, là nhịp thở của tuổi thơ, là những khoảnh khắc mà tôi đã sống thật chậm rãi và đầy yêu thương. Tôi sinh ra và lớn lên giữa những lũy tre, bờ ruộng, ao bèo... Sắc màu thiên nhiên rất thật, rất gần. Và khi ta có rời xa hay không thì cái "sắc quê" ấy vẫn cứ lắng đọng trong lòng như nỗi nhớ da diết không nguôi".

"Hội họa là cách giúp tôi giữ lại hình ảnh của quê hương và của chính mình bằng cả tấm lòng, bằng ký ức thật thà và cả những tháng ngày lặng lẽ quan sát. Mỗi lần triển lãm, tôi lại thấy mình trưởng thành hơn, nhất là trong cảm xúc. Với tôi, chặng đường sáng tạo không bao giờ dừng lại nếu còn quê hương trong tim và con người để lắng nghe, thấu hiểu", họa sĩ chia sẻ.

519688571-4122877014694959-2438059309295411659-n.jpg
"Đầm Vạc" - một tác phẩm được yêu thích tại triển lãm.

Mỗi miền quê trong tranh vừa mang dấu ấn riêng, vừa quy tụ thành hình ảnh quê hương Việt Nam thống nhất trong tâm tưởng, đó là nơi lưu giữ những gì bình dị nhất, bền vững nhất của tâm hồn dân tộc.

Vẽ về quê hương, họa sĩ Quỳnh Thơm không tái hiện đơn thuần mà tạo nên hành trình nâng niu, gìn giữ cảm xúc, ký ức qua vẻ đẹp đời thường đang ngày một lùi xa giữa nhịp sống hiện đại. Nhờ lẽ đó, tranh của anh miên man, thấm đẫm hoài niệm, nhắc nhớ về nơi từng là điểm tựa, cội nguồn yêu thương.

z6832710035979-7eae68f0808c412b5fd5d2b9fd19d387-196.jpg
Nhà phê bình Mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam tham quan triển lãm trong ngày khai mạc.

Sinh năm 1971 tại vùng quê còn nguyên vẹn dấu ấn nông thôn Bắc bộ, họa sĩ Quỳnh Thơm mang trong mình mạch nguồn ký ức đầy sâu lắng. Quê hương như mạch nguồn chảy mãi trong tiềm thức, nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ từ thuở ấu thơ cho đến tận bây giờ.

Anh bắt đầu hành trình nghệ thuật của mình từ rất sớm. Từ năm 1988 đến 1991, anh theo học về đồ họa. Được khơi nguồn cảm hứng và bồi đắp những kỹ năng nền tảng, giúp anh bước vào thế giới hội họa đầy đam mê và kỷ luật. Sau đó, anh tiếp tục học tập tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, mở rộng tầm nhìn và định hình phong cách nghệ thuật.

Mỗi bức tranh với tôi là cả một vùng ký ức, là nhịp thở của tuổi thơ, là những khoảnh khắc mà tôi đã sống thật chậm rãi và đầy yêu thương. Tôi sinh ra và lớn lên giữa những lũy tre, bờ ruộng, ao bèo... Sắc màu thiên nhiên rất thật, rất gần. Và khi ta có rời xa hay không thì cái "sắc quê" ấy vẫn cứ lắng đọng trong lòng như nỗi nhớ da diết không nguôi". - họa sĩ Quỳnh Thơm.

Phần lớn các tác phẩm trong "Sắc quê 6" có khổ 76cm x 96cm, đủ để mở ra không gian thị giác rộng rãi mà vẫn giữ được sự gần gũi, tinh tế. Đặc biệt, có những tác phẩm được họa sĩ thể hiện với kích thước 1,2m x 1,5m như những khung cửa lớn đưa người xem bước thẳng vào thế giới làng quê yên ả, nơi ký ức và cảm xúc giao hòa trong từng mảng màu, đường nét.

522549250-4122809911368336-2049059459475807947-n.jpg
"Trung du tím", kích thước 60cm x 80cm.

Sự trở lại của họa sĩ Quỳnh Thơm lần này vừa mang ý nghĩa tiếp nối, đồng thời cũng đánh dấu bước tiến mới trong hành trình nghệ thuật đầy tâm huyết của anh. Nếu ở các triển lãm trước đó, tác phẩm khiến người xem thổn thức bởi vẻ đẹp mộc mạc của làng quê thì "Sắc quê 6" cho thấy độ chín trong tư duy tạo hình, sự lắng đọng sâu sắc hơn về mặt cảm xúc và cách thể hiện.

Trong đánh giá của các nhà sưu tập và du khách quốc tế, tranh của Quỳnh Thơm mang đến trải nghiệm văn hóa độc đáo. Vẻ đẹp của nông thôn Việt Nam không bị trình bày như một "cảnh sắc ngoại lai" mà là thế giới có linh hồn, sống động, thấm đượm chiều sâu thời gian và cảm xúc.

Trong cuộc họp của hội đồng nghệ thuật trước thềm triển lãm, các họa sĩ tên tuổi đánh giá, "Sắc quê 6" là bước tiến đầy bản lĩnh và tinh tế, cho thấy Quỳnh Thơm đã không ngừng làm mới chính mình, không hoàn toàn chỉ gắn với lối biểu hiện gần hiện thực, nương theo cảnh sắc quê hương để khơi dậy cảm xúc mà tạo ra sự chuyển động về mặt ngôn ngữ tạo hình, đưa yếu tố trừu tượng vào tác phẩm một cách có kiểm soát.

Bởi thế, không gian trong tranh không còn là những vùng quê được mô tả tường minh mà được chắt lọc, cô đọng, nhiều khi chỉ còn là vài khối hình, vài mảng màu gợi nhắc. Điều đó tạo nên thứ "sắc quê" cần được cảm nhận bằng tâm hồn, lơ lửng giữa thực và mơ, giữa tư duy và cảm xúc.

513976509-4122759944706666-4911550708698732198-n.jpg
"Đồi chè Thu Cúc" (Phú Thọ).

Họa sĩ đã có tiết chế cần thiết, đồng thời, ở những góc độ quan trọng, đã mạnh dạn, linh hoạt hơn. Bảng màu ấm áp truyền thống: nâu đất, vàng rơm, xanh lúa... nay được pha trộn với những mảng sáng rực hoặc lặng trầm, tạo nên nhịp điệu thị giác mới mẻ, hiện đại.

Điều đó cho thấy nghệ sĩ không đứng yên, hài lòng trong thế giới riêng mình mà biết lắng nghe đời sống, chuyển hóa quan sát thành tác phẩm có tính khái quát cao hơn về "hồn quê" Việt Nam.

z6832647307723-3280f21ced0b45c2b342db281dbb7435-6471.jpg
Họa sĩ Vũ Ngọc Long - Giám đốc Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền Hà Nội trao đổi nghiệp vụ với họa sĩ Quỳnh Thơm.

Qua những đổi mới, hiện lên một Quỳnh Thơm khác: Dám thay đổi để tìm đến sự sâu sắc hơn trong khi giá trị cốt lõi từ thuở ban đầu chạm ngõ hội họa vẫn được anh gìn giữ bằng sự tận tụy như là lẽ sống. Các nghệ sĩ thành danh, bạn bè đồng nghiệp và công chúng luôn trân trọng bởi anh là người khiêm nhường, luôn hướng tới giá trị nhân văn, nhân ái.

Không phải ngẫu nhiên mà tranh của họa sĩ Quỳnh Thơm ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà sưu tập trong nước và quốc tế. Giá trị khiến tác phẩm của anh có sức hút bền bỉ không nằm ở sự cầu kỳ về kỹ thuật hay sự hào nhoáng thị giác, mà đến từ chất quê rất riêng, đầy nhân bản.

522598569-4122901381359189-2146637523190176785-n.jpg
"Mèo Vạc nắng" - tác phẩm thể hiện rõ sự rộng mở trong không gian sáng tạo.

Với các nhà sưu tập trong nước, tranh Quỳnh Thơm gợi lại miền quê bình dị, gần gũi, nơi tuổi thơ từng lội ruộng, chạy nhảy trên bờ đê, nghe tiếng gà gáy sớm hay mùi rơm rạ ẩm lên sau chiều mưa...

Không mô tả quê hương theo lối hoài cổ, đóng khung, Quỳnh Thơm theo cách biểu đạt mở, kết hợp giữa trừu tượng, biểu cảm và ký ức khiến mỗi người xem có thể nhìn thấy một phần quê mình trong đó, dù quê ấy ở bắc, trung hay nam.

513048549-4100272963622031-3815983728715188218-n-1685.jpg
Khách quốc tế sưu tập tranh của họa sĩ Quỳnh Thơm.

Trong đánh giá của các nhà sưu tập và du khách quốc tế, tranh của Quỳnh Thơm mang đến trải nghiệm văn hóa độc đáo. Vẻ đẹp của nông thôn Việt Nam không bị trình bày như một "cảnh sắc ngoại lai" mà là thế giới có linh hồn, sống động, thấm đượm chiều sâu thời gian và cảm xúc.

Chính sự dung dị, không gò bó, không phô diễn mà gợi mở theo cách rất tự nhiên ấy khiến tranh của anh trở nên khác biệt giữa một thị trường nghệ thuật đương đại.

520553114-4123677614614899-1700842379503810812-n.jpg
Phong cảnh "Đèo Đá Trắng" trong tranh Quỳnh Thơm.

Quan trọng hơn cả, nhiều nhà sưu tập tìm đến tranh Quỳnh Thơm không đơn thuần chỉ vì giá trị thẩm mỹ, mà bởi họ cảm nhận được sự mộc mạc, tình cảm trong từng tác phẩm. Họ tin vào một người họa sĩ sống và vẽ bằng tất cả tình yêu với quê hương, và cũng tin rằng những gì bắt nguồn từ sự chân thành thì sẽ bền vững.

Mỗi bức tranh đến tay nhà sưu tập không dừng lại ở giao dịch mà đó là sự cộng hưởng về tâm hồn, là cách cùng nhau gìn giữ ký ức quê hương, đất nước qua nét cọ và cũng là sự khẳng định cá tính, niềm yêu thương, tự hào của Quỳnh Thơm trong dòng chảy mỹ thuật đương đại.

518081170-4117372745245386-1270091824613598479-n-1-9058.jpg
Họa sĩ Quỳnh Thơm dành nhiều thời gian trò chuyện, sưu tập.

Giữa nhịp sống ngày càng ồn ã, xô bồ, điều đáng quý là Quỳnh Thơm vẫn âm thầm chọn cho mình lối đi riêng: lặng lẽ, bền bỉ và đầy nhân hậu. Phía sau những bức tranh đậm hồn quê ấy là tấm lòng rộng mở với cộng đồng.

Trong nhiều năm qua, anh âm thầm tham gia các hoạt động thiện nguyện, không bao giờ nhắc đến những điều mình đã làm... nhưng những ai từng sát cánh đều cảm nhận trong anh luôn có một trái tim ấm áp, rung động.

"Trao đi là để thấy mình còn có thể sống đẹp hơn và bình yên trong lòng", anh từng tâm sự giản dị như thế khi từ chối chia sẻ về những hoạt động thiện nguyện. Họa sĩ cũng lặng lẽ gìn giữ ký ức quý giá của mỹ thuật nước nhà bằng hoạt động sưu tập các tác phẩm của những họa sĩ thế hệ đi trước.

Trong căn phòng nhỏ, những bức tranh nhuốm màu thời gian ghi dấu bao tên tuổi đã lùi vào dĩ vãng. Anh coi đó là "tài sản" vô cùng quý giá vẫn đang đối thoại cùng mình mỗi ngày. Họa sĩ xúc động bộc bạch: "Đó là cách tôi tri ân, tưởng nhớ về các bậc tiền bối. Họ đã vẽ bằng cả tâm can trong những giai đoạn khó khăn nhất của đời mình, của dân tộc..."

Xem thêm