Mất cha từ năm 1985 khi anh mới 6 tuổi, những ký ức rời rạc về cha tưởng như sẽ mãi bị cuốn trôi theo năm tháng... cho đến khi việc nghiên cứu chủ đề khu phi quân sự-Vĩ tuyến 17 bất ngờ giúp anh biết được cha mình hóa ra là một cán bộ đi B năm 1971.
Đôi bờ giới tuyến
Giữa lòng châu Âu rực nắng mùa hè 1954, tại thành phố Geneve cổ kính bên hồ Leman, một hội nghị quốc tế được triệu tập. Cách đó hàng chục nghìn cây số, nơi dải đất hình chữ S, chiến sự vẫn chưa dứt. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân ta, tiếng súng chỉ tạm lắng để nhường chỗ cho một cuộc đấu trí dai dẳng trên bàn hội nghị. Đoàn đàm phán của ta đến Geneve với khát vọng thống nhất đất nước nhưng trên bàn cân lợi ích, không phải lúc nào lẽ phải cũng chiến thắng. Mỹ và Pháp tìm cách duy trì ảnh hưởng, không muốn để Việt Nam giành lấy toàn vẹn chủ quyền.
Trải qua 75 ngày thương lượng với 31 phiên họp, cùng với nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề hội nghị, rạng sáng 21/7/1954, ba hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia lần lượt được ký. Hội nghị đã họp phiên bế mạc và thông qua “Tuyên bố cuối cùng” về Hiệp định lập lại hòa bình ở Đông Dương; từ đây đã mở ra một cục diện mới, buộc Pháp phải rút quân về nước, chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương, mở ra giai đoạn sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ. Tuy vậy, từ năm 1954 cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền nam năm 1975, chúng ta cũng đã mất 21 năm nữa cho cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do. Nhìn lại lịch sử, liệu chúng ta có thể có một lựa chọn khác?
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, một phương án tốt hơn Hiệp định Geneve là không tưởng trong bối cảnh lúc ấy. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Ta phải phân biệt lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn thể… Có người thấy thắng luôn, muốn đánh bừa, đánh đến cùng. Họ chỉ thấy cây mà không thấy rừng; chỉ thấy Pháp rút mà không thấy âm mưu của chúng; chỉ thấy Pháp mà không thấy Mỹ” (Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15, tr.170). Đó không chỉ là lời chỉ đạo chiến lược, mà còn là cái nhìn vượt thời đại, một sự lựa chọn khó khăn nhưng đầy bản lĩnh của những người lãnh đạo cách mạng: Chớp thời cơ để chuẩn bị cho một cuộc trường chinh lớn hơn, lâu dài hơn vì lợi ích dân tộc. Hiệp định Geneve cũng tạo điều kiện để quân và dân ta củng cố thế và lực, tiếp tục sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Bằng chứng là không lâu sau đó, cuộc chiến đấu của nhân dân ta đứng trước những thử thách mới và lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được đăng trên tờ Nhân Dân ra số ngày 20/7/1965, nhân dịp ngày 21/7, ngày ký Hiệp định Geneve năm 1954, vang lên như một hồi kèn xung trận: “… Hiệp định Genève năm 1954 đã trịnh trọng công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam ta. Nhưng đế quốc Mỹ đã dùng đủ cách phá hoại Hiệp định Geneve. Hơn 10 năm nay, chúng đã tiến hành chiến tranh xâm lược miền nam nước ta… Đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu; dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn…”.
Từ bên này giới tuyến, triệu triệu trái tim hướng về bên kia, mang theo nỗi nhớ quê nhà, người thân, khát vọng đoàn tụ và niềm tin cháy bỏng vào một ngày đất nước liền một dải. Những suy nghĩ đấy, những cảm xúc đấy đều đã được nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương) và ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính-Viễn thông chia sẻ với chúng tôi sau những ngày họ tập kết ra bắc khi đó.
Và thật trùng hợp là trên tờ Nhân Dân ra số ngày 12/3/2025, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu, Phó Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế cũng đã có bài viết về vấn đề này.
Hành trình tìm cha
Năm 2000, chàng sinh viên Hoàng Chí Hiếu của Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế có lẽ không thể ngờ rằng, một gợi ý từ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Cung về đề tài khóa luận tốt nghiệp đại học, chủ đề khu phi quân sự-Vĩ tuyến 17 sẽ theo anh suốt hành trình học thuật.
Từ vị trí cử nhân, thạc sĩ đến Tiến sĩ Sử học, anh kiên trì theo đuổi chủ đề này, để rồi kết tinh thành cuốn Đôi bờ giới tuyến (1954-1975). Điều đáng nói là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu không chỉ làm sáng tỏ một hiện tượng lịch sử nổi bật diễn ra tại khu vực được xem là “hình ảnh thu nhỏ” của nước Việt Nam thời kỳ 1954-1975 mà thực tế bản thân anh, gia đình anh cũng là những người từng lâm vào cảnh “chồng bắc vợ nam”, “cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ”…
Vì thế, để hiểu rõ hơn quá trình hình thành nên bản lĩnh kiên cường, bất khuất của người Vĩnh Linh nói riêng và Quảng Trị nói chung tại Vĩ tuyến 17 trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc; nơi “Đánh cho giặc Mỹ tan tành,/Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng” - như hai câu thơ Bác Hồ gửi tặng cho mảnh đất này trên Báo Nhân Dân ra số ngày 11/8/1968, chúng tôi quyết định tìm về Huế, gặp Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu sinh ra ở quê nội Triệu Phong và lớn lên bên quê ngoại Vĩnh Linh - hai địa phương cùng thuộc tỉnh Quảng Trị, chỉ cách nhau chừng 40km. Vậy mà, ông bà nội và cha anh, sau khi tập kết ra bắc đã phải mất tới 21 năm mới có thể trở lại quê nhà. Một quãng thời gian dài dằng dặc chỉ vì bị ngăn cách bởi dòng sông Hiền Lương - giới tuyến quân sự tạm thời được các cường quốc xác lập tại Hội nghị Geneve 1954.
Biết bao cán bộ, chiến sĩ và đồng bào, trong đó có gia đình Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu, đã tập kết ra bắc với lời hẹn “hai năm sau sẽ trở về”. Nhưng rồi, với sự can thiệp sâu của Mỹ nhằm ngăn chặn làn sóng cách mạng lan rộng ở Đông Nam Á, dòng sông ấy đã biến thành nơi ngăn cách giữa hai miền.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu, lớn lên trong không gian đậm đặc tinh thần cách mạng của Vĩnh Linh, nơi mẹ là con út, còn các cậu, các anh chị họ đều từng là du kích, dân quân trong các cuộc kháng chiến, anh sớm được nghe những câu chuyện về Đảng, về Bác Hồ, về những hy sinh lặng thầm mà lớn lao.
Những ký ức tuổi thơ ấy gieo vào anh sự tò mò, thôi thúc muốn tìm hiểu về những điều đã xảy ra quanh mình, không chỉ là địa đạo, hố bom hay các dấu tích chiến tranh, mà còn là những nỗi đau chưa từng được gọi tên. Chính trong quá trình học tập và nghiên cứu sau này, anh đã hiểu nhiều hơn về gia đình và đặc biệt là cha.
Nói vậy vì cha mất sớm, năm 1985, khi anh mới 6 tuổi và gần như anh không có nhiều ký ức về ông ngoài thông tin ông từng bị thương ở Khâm Thiên (Hà Nội), theo như lời mẹ kể. Không hồ sơ, không giấy tờ, không một tấm ảnh còn sót lại. Nhưng rồi một lần, khi học cấp 3, cô giáo dạy môn Lịch sử nói với anh rằng, bà từng học cùng lớp với cha anh và ông học rất giỏi.
Từ đó, anh khao khát được hiểu thêm về cha mình. Năm 2005, khi đang học cao học tại Đại học Huế, một tờ giấy nhỏ ghi nhận việc gia đình từng nhận trợ cấp vào năm 1973 đã hé mở một chi tiết: Cha anh là cán bộ đi B. Từ đó, anh lần tìm tới Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tại Hà Nội, lần giở từng tập hồ sơ và cuối cùng, anh biết được cha mình là cán bộ đi B năm 1971. Điều đáng nói hơn là cha anh, dù đất nước đã thống nhất, chưa một lần trở lại quê nội. Ông cũng chưa từng gặp người anh cùng cha khác mẹ.
Thậm chí, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu cho biết, mãi đến khi ông nội, một cán bộ lão thành cách mạng qua đời năm 1995, anh mới biết nhiều hơn về ông. Có thể nói, gia đình của anh như một lát cắt của nỗi đau chia cắt, của thời kỳ hậu chiến, của những ký ức chẳng thể gọi thành lời. Chính vì lẽ đó, Đôi bờ giới tuyến (1954-1975) không chỉ là một công trình nghiên cứu mà còn là một hành trình tìm cha, tìm lại ký ức gia đình trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Ở đó, với tư cách người trong cuộc, anh vẫn nỗ lực giữ một khoảng cách cần thiết để tái hiện bức tranh lịch sử một cách khách quan, đầy đủ và chính xác nhất.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu cho biết, may mắn là anh có được nguồn tài liệu từ cả hai phía và có điều kiện thực địa tại vùng giới tuyến để đối chiếu và kiểm chứng. Hơn thế, nhiều nhân chứng mà anh gặp trong quá trình nghiên cứu lại chính là người thân, từ gia đình bên nội đến bên đằng vợ, tất cả đã giúp câu chuyện trở nên dày dặn và có chiều sâu cảm xúc. Cuốn Đôi bờ giới tuyến (1954-1975) qua đó đã góp phần làm rõ những diễn biến nổi bật tại vùng đất “nhỏ mà vĩ đại” - từ thời điểm thiết lập giới tuyến tạm thời và khu phi quân sự năm 1954, đến khi đường chia cắt bị xóa bỏ năm 1967, mở đường cho tiến trình thống nhất đất nước.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu, vượt lên sự chống phá quyết liệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, chính bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, thể hiện qua lực lượng bảo vệ giới tuyến cùng sự hậu thuẫn của nhân dân Vĩnh Linh, đồng bào cả nước và bè bạn quốc tế, chúng ta đã giành ưu thế trước chế độ thuộc địa kiểu mới ở bờ nam. Đến năm 1967, khu phi quân sự phía nam được giải phóng, đường giới tuyến tạm thời chính thức bị xóa bỏ, đánh dấu bước đầu trong hành trình hiện thực hóa giấc mơ thống nhất non sông.
Từ hành trình đi tìm người cha trong ký ức, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu đã nối lại những mảnh ghép lịch sử, nơi nỗi đau chia cắt đã hóa thành khát vọng đoàn viên, và dòng Hiền Lương không còn là ranh giới, mà là chứng tích nhắc nhớ chúng ta rằng, hòa bình hôm nay là thành quả của máu xương, của bao gia đình từng sống qua chia ly, từng mất mát mà vẫn luôn tin vào một ngày đất nước thống nhất.