Trung tâm hành chính xã Nam Trà My, thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao.
Trung tâm hành chính xã Nam Trà My, thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao.

Rút ngắn khoảng cách phát triển giữa miền núi với đồng bằng

Trong số 94 xã, phường và đặc khu, thành phố Đà Nẵng có đến 31 xã miền núi với phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật còn nhiều khó khăn.

Dẫu vậy, nơi đây vẫn giàu tiềm năng để phát triển kinh tế-xã hội; bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc phong phú là dư địa, nền tảng nội sinh để thành phố khai phá.

Để vừa tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên, vừa rút ngắn khoảng cách phát triển giữa khu vực miền núi với đồng bằng, thành phố Đà Nẵng cần có chính sách đặc thù, đầu tư khoa học-kỹ thuật đồng bộ.

Nhiều trở ngại

Xã Nam Trà My, thành phố Đà Nẵng được thành lập trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của hai xã Trà Don và Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cũ. Tuy nhiên, từ trung tâm xã Nam Trà My đến trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng cách hơn 180 km.

Sau sáp nhập, xã Nam Trà My có diện tích 178,31 km2, dân số 7.395 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số là 6.195 người, chiếm tỷ lệ 82,99%. Tổng số hộ nghèo là 185 hộ chiếm 9,7%; hộ cận nghèo là 154 hộ chiếm 8,07%.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Trà My Trần Văn Mẫn cho biết, bước đầu vận hành chính quyền địa phương hai cấp có nhiều nội dung mới được triển khai thực hiện, trong khi yêu cầu công việc ngày càng cao, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. “Khối lượng công việc phát sinh lớn, quy định mới và nhiều văn bản chỉ đạo khiến công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện tại cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, cán bộ, công chức, viên chức không có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin, cho nên việc tiếp cận và ứng dụng các hệ thống thông tin phục vụ công tác chuyên môn còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng thông tin tại Trung tâm phục vụ hành chính công hầu hết đã cũ, cần đầu tư, bổ sung”, đồng chí Mẫn cho hay.

Xã Trà Leng, thành phố Đà Nẵng sau khi thành lập có năm thôn, trong đó có hai thôn chưa có đường giao thông và điện lưới quốc gia. Ông Lê Đình Lực, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công xã Trà Leng cho biết: “Theo quy định, tất cả các hồ sơ thủ tục hành chính trả trong ngày phải trả trước 15 giờ. Tuy nhiên tại xã miền núi, hệ thống điện lưới quốc gia chập chờn, khi có mưa lớn gây mất điện, xã không thể giải quyết hồ sơ cho người dân trong ngày”.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trà Leng Châu Minh Nghĩa cho hay: “Các xã miền núi khó khăn đề nghị thành phố tiếp tục tập huấn chuyên sâu cho các cán bộ tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp xã, nâng cấp hạ tầng viễn thông, đầu tư phòng họp trực tuyến… để hạn chế đi lại tốn kém, đồng thời bố trí cán bộ có chuyên môn về công nghệ thông tin phục vụ chính quyền số ở vùng khó khăn”.

mien-nui-2.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kiểm tra hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công xã Nam Trà My, thành phố Đà Nẵng.

Cần chính sách đặc thù cho miền núi

Theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội, Nghị quyết số 1659/NQ-UBTVQH15 ngày 16/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố Đà Nẵng mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cũ, với 94 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 23 phường, 70 xã và một đặc khu. Trong đó có 31 xã miền núi cao với dân tộc thiểu số chiếm đa số, đời sống còn nhiều khó khăn và thường xuyên chịu tác động của thiên tai.

Sau hơn 10 ngày triển khai chính quyền địa phương hai cấp tại miền núi của Đà Nẵng, thực tế cho thấy, hạ tầng viễn thông không đủ năng lực vận hành chính quyền số và thiếu cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin.

Đối với việc thực hiện hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công, đồng chí Trần Nam Hưng đề nghị xã kết hợp giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng và văn bản giấy nhằm bảo đảm giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp thông suốt; tổ chức tốt tập huấn, nâng cao chất lượng cán bộ xã về công nghệ thông tin.

Tại buổi tiếp xúc cử tri với hai xã miền núi Nam Trà My và Trà My mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhìn nhận, việc vận hành chính quyền địa phương hai cấp trong giai đoạn đầu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Cần đầu tư nhiều hơn về hạ tầng khoa học-công nghệ, công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại khu vực miền núi.

Đồng chí Nguyễn Đức Hải đề nghị thành phố Đà Nẵng cần quan tâm đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến phát triển kinh tế-xã hội ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong thời gian tới, khi Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2026 và chuẩn bị đại hội đảng các cấp, vấn đề phát triển miền núi cần thể hiện rõ nét. Đây phải là phần quan trọng trong tinh thần đổi mới, hành động quyết liệt để tăng tốc phát triển trong giai đoạn mới.

“Vận hành chính quyền địa phương hai cấp cần có hạ tầng bảo đảm. Cần đầu tư kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, chuyển đổi số, hệ thống mạng và nâng cao năng lực cán bộ… để rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng”, đồng chí Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Xem thêm