Ngư dân Quảng Ngãi vươn khơi bám biển, thực hiện nghiêm quy định chống khai thác IUU. (Ảnh: LƯU HƯƠNG)
Ngư dân Quảng Ngãi vươn khơi bám biển, thực hiện nghiêm quy định chống khai thác IUU. (Ảnh: LƯU HƯƠNG)

Quyết liệt gỡ “thẻ vàng” IUU

Sớm gỡ “thẻ vàng” IUU (Illegal, Unreported and Unregulated Fishing: Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) là bước đi quan trọng để thủy sản Việt Nam cùng toàn ngành nông nghiệp góp phần bảo vệ, nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia, đồng thời phát triển sinh kế bền vững cho hàng triệu ngư dân.

Đợt thanh tra thứ 5 của Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến vào tháng 10 tới là “cơ hội vàng” để Việt Nam chứng minh cam kết mạnh mẽ trong việc triển khai nghiêm túc các giải pháp chống đánh bắt IUU.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ

Sau gần 8 năm thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có biển đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, mang lại những kết quả tích cực.

Cục trưởng Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Trần Đình Luân cho biết, Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng đồng bộ các văn bản đáp ứng yêu cầu thực tế và phù hợp khuyến nghị của EC. Đến nay đã có hơn 82.000 tàu cá đăng ký, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) để theo dõi, kiểm tra.

Trong 5 tháng đầu năm nay, còn 154 tàu cá xảy ra vi phạm mất kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) hơn 6 giờ mà không báo cáo vị trí , giảm 82% so với cùng kỳ năm 2024; mất kết nối VMS hơn 10 ngày còn 19 tàu (giảm 71%). Việc ngăn chặn tàu cá khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, một trong những điều kiện tiên quyết để EC gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, cũng từng bước có kết quả. Từ đầu năm tới nay, chỉ còn 11 tàu vi phạm, giảm hơn 76% so với cùng kỳ.

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kết quả này minh chứng việc siết chặt kiểm soát, tăng cường xử lý vi phạm hành chính là công cụ hiệu quả, góp phần khắc phục khuyến nghị của EC và tiến gần hơn tới mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU. Việt Nam đã cơ bản khắc phục các nội dung theo khuyến nghị của EC; các địa phương đã cơ bản xử lý xong tình trạng tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác).

Để đáp ứng nhu cầu “số hóa” công tác chống khai thác IUU, trong tháng 6/2025, Cục Thủy sản và Kiểm ngư đã thí điểm hệ thống Nhật ký khai thác thủy sản, thu mua và chuyển tải điện tử (Nhật ký điện tử) trên tàu cá. Hệ thống này không chỉ hiện đại hóa hoạt động quản lý, mà còn nâng cao tính minh bạch, hỗ trợ ngư dân và các cơ quan chức năng truy xuất nguồn gốc thủy sản, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Việc chung sức, đồng lòng gỡ “thẻ vàng” IUU đã trở thành quyết tâm của nhiều địa phương. Tại Hải Phòng, nhiệm vụ này được triển khai đồng bộ. Đến nay, Hải Phòng không còn tàu cá “3 không”; toàn bộ tàu cá đã đăng ký, đánh dấu, cập nhật dữ liệu trên hệ thống VNFishbase, VMS gắn với dữ liệu dân cư trên VNeID. Tỷ lệ tàu còn hạn đăng kiểm đạt hơn 98%, còn hạn giấy phép khai thác đạt hơn 90%, cao hơn mức trung bình cả nước.

Quảng Ninh cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giám sát tàu cá như flycam và hệ thống VMS với mục tiêu bảo đảm toàn bộ tàu hoạt động trên biển kết nối, cập cảng và bốc dỡ đúng quy định, nâng cao tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Qua bốn lần thanh tra thực tế, Đoàn EC luôn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam, nhất là quyết tâm chính trị, sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Thời gian tới là giai đoạn then chốt để ngành thủy sản hoàn thành mục tiêu gỡ “thẻ vàng” IUU.

Thời điểm quyết định

Là tỉnh có đội tàu cá lớn (hơn 3.000 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên), Quảng Ngãi đã cơ bản hoàn tất việc lắp đặt thiết bị VMS với các tàu đang hoạt động, đạt tỷ lệ hơn 97%.

Phó Chi cục trưởng Thủy sản-Biển đảo tỉnh Tạ Ngọc Thi cho biết, tàu đã đăng ký nhưng hết hạn đăng kiểm, chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản, chưa lắp đặt thiết bị VMS, hằng tuần Chi cục đều lập danh sách gửi tới từng địa bàn để giao lực lượng chức năng theo dõi, giám sát vị trí neo đậu, bảo đảm tàu cá không đủ điều kiện thì không xuất bến khai thác trái phép.

Dự kiến tháng 10/2025, Đoàn công tác EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra thực tế công tác chống khai thác IUU. Từ nay đến tháng 10 là thời điểm quyết định để ngành thủy sản cùng các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm khuyến nghị từ EC, hoàn thành mục tiêu gỡ “thẻ vàng” ngay trong năm nay.

Cục trưởng Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân nhấn mạnh, cần tập trung tuyên truyền cho ngư dân tuân thủ quy định pháp luật, đồng thời xử lý triệt để, nghiêm khắc hành vi vi phạm ngắt kết nối VMS; ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vụ vi phạm vùng biển nước ngoài; bảo đảm không phát sinh vụ việc mới.

Đơn cử, ngày 24/2, vụ việc tàu cá KG-95441-TS của Kiên Giang (nay là An Giang) bị lực lượng thực thi pháp luật Thái Lan bắt giữ khi xảy ra va chạm với tàu cá và lực lượng chức năng của nước này, là một trong những lý do khiến EC quyết định tạm lùi thời hạn thanh tra tại Việt Nam lần thứ 5 sang tháng 10 (dự kiến ban đầu vào tháng 3/2025).

Để chuẩn bị cho đợt thanh tra sắp tới của EC, Cục Thủy sản và Kiểm ngư đang dồn lực triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm, như hoàn tất định danh tàu cá trên VNeID, đồng bộ dữ liệu với VNFishbase và VMS, cập nhật đầy đủ thông tin chủ tàu và siết chặt việc chuyển nhượng tàu cá.

Những tàu không còn đủ điều kiện hoạt động sẽ tiến hành giải bản, có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp cho ngư dân. Lực lượng kiểm ngư tăng cường tuần tra, nhất là ở các vùng biển nhạy cảm, lập danh sách và theo dõi sát tàu có nguy cơ cao khai thác IUU.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các biện pháp cấp bách chống khai thác IUU ngày 19/6 vừa qua, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương và cơ quan chức năng tiếp tục tập trung nguồn lực, thực hiện tốt các giải pháp trọng tâm, ngăn chặn hiệu quả để giảm đến mức thấp nhất tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

“Cần xác định rõ, nỗ lực chống khai thác IUU không chỉ là mục tiêu gỡ thẻ vàng của EC, mà còn bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, bảo đảm sinh kế cho ngư dân Việt Nam”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Xem thêm