Quyền lựa chọn sinh con: Khi chính sách tôn trọng cá nhân

Trong một thế giới không ngừng biến động, nơi con người đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế, môi trường và xã hội, quyền được quyết định việc sinh con: khi nào và như thế nào, không chỉ là quyền cá nhân mà còn là nền tảng cho một xã hội phát triển bền vững.

Việt Nam trước thực trạng chuyển đổi nhân khẩu học

Trên toàn thế giới, cứ năm cặp vợ chồng thì có một cặp gặp khó khăn trong việc đạt được quy mô gia đình mong muốn. Những rào cản này có thể đến từ việc thiếu tiếp cận các biện pháp tránh thai, dịch vụ sức khỏe sinh sản, hoặc do tác động của bất ổn kinh tế-xã hội và môi trường.

ndo_bl_z6795202301708-5f706d0aac32f16a09caf45bfd3edb8d.jpg
Đối thoại về quyền tự quyết trong sinh sản, với nhiều ý kiến từ nhiều góc độ xã hội.

Việt Nam hiện đang trải qua những thay đổi lớn về nhân khẩu học, với lực lượng dân số trẻ lớn nhất từ trước đến nay, đồng thời chuẩn bị đối mặt với một xã hội già hóa khi dự kiến đến năm 2036, hơn 20% dân số sẽ trên 60 tuổi. Những biến động này đòi hỏi các chính sách thích ứng, phù hợp và lấy quyền sinh sản làm nền tảng để hỗ trợ người dân trong các giai đoạn cuộc đời.

Kết quả điều tra biến động dân số

Năm 2022: 2,01 con/phụ nữ

Năm 2023: giảm xuống 1,96 con/phụ nữ

Năm 2024: tiếp tục giảm xuống 1,91 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử nhân khẩu học của Việt Nam.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ tầm quan trọng của việc xây dựng và ban hành Luật Dân số trong bối cảnh mới, đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan cần nỗ lực cao nhất, phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội và Chính phủ cho ý kiến trong thời gian tới.

“Luật Dân số sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các chính sách dân số, nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh. Đây không chỉ là vấn đề y tế mà còn là câu chuyện về quyền, công bằng và tự do cá nhân.

screenshot-2025-07-11-at-210507.png

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Nổi bật là việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc sửa đổi Pháp lệnh Dân số, trong đó có việc bãi bỏ quy định giới hạn sinh hai con.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc sửa đổi Pháp lệnh Dân số bãi bỏ quy định giới hạn sinh hai con.

Quyết định này giúp tiến gần hơn đến việc đảm bảo quyền tự do lựa chọn số con và thời điểm sinh con của các cặp vợ chồng, đồng thời đưa luật pháp quốc gia tiệm cận hơn với Chương trình Hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) cũng như các chuẩn mực quốc tế về quyền con người.

Đẩy mạnh cải cách chính sách dân số, hướng tới quyền lựa chọn sinh sản toàn diện

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 2025 và công bố Báo cáo Tình hình dân số thế giới của UNFPA tại Nhà Xanh Liên hợp quốc tại Việt Nam, việc đặt vấn đề dân số và phát triển vào trung tâm của các chiến lược quốc gia lại tiếp tục được chú trọng.

Báo cáo Dân số thế giới 2025 của UNFPA công bố tập trung vào vấn đề khủng hoảng về quyền sinh sản, hay quyền tự do lựa chọn trong sinh sản.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan thông tin, Pháp lệnh Dân số sửa đổi năm 2025 được thông qua. Trong đó, quyền tự quyết về sinh sản của cá nhân và cặp vợ chồng được tôn trọng, phù hợp với sức khỏe, điều kiện và hoàn toàn tự nguyện. Tinh thần này phù hợp với thông điệp của Ngày Dân số thế giới năm 2025 là “Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi".

ndo_bl_z6795202295330-33801de40a801ac5fdb1a6c6f8e3fdcf.jpg
Việt Nam tiếp tục thể hiện cam kết cải thiện hệ thống y tế, mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản, thúc đẩy bình đẳng giới.

Thời gian qua, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), đã đồng hành hiệu quả cùng Việt Nam trong công tác dân số và phát triển.

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc khẳng định, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ trong các lĩnh vực then chốt như: mở rộng tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản chất lượng, hỗ trợ xây dựng chính sách dân số toàn diện, giáo dục giới tính toàn diện phù hợp với độ tuổi, và tăng cường hệ thống dữ liệu để phục vụ công tác quy hoạch và đầu tư.

Đồng thời, các đối tác quốc tế cũng góp phần quan trọng trong việc đưa các cam kết quốc tế về quyền con người và sức khỏe sinh sản vào thực tiễn tại Việt Nam.

ndo_bl_img-3773.jpg
Quyền tự quyết về sinh sản của cá nhân và cặp vợ chồng được tôn trọng, phù hợp với sức khỏe, điều kiện và tự nguyện.

Việc xây dựng Luật Dân số và Chương trình Mục tiêu quốc gia về Dân số và Phát triển giai đoạn 2026–2035 là những bước đi chiến lược, mang tính tiên phong trong việc xây dựng chính sách dân số dựa trên quyền con người, tầm nhìn dài hạn và sự phát triển bền vững.

Trong giai đoạn sắp tới, khi Luật Dân số mới được ban hành và đi vào thực thi, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế.

Đây là thời điểm quan trọng để thúc đẩy một chương trình dân số hiện đại, toàn diện và dựa trên quyền, phù hợp với bối cảnh biến đổi nhanh chóng về nhân khẩu học và nhu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Xem thêm