Tác phẩm "Biển của lòng người".
Tác phẩm "Biển của lòng người".

Phát hành sách ảnh "Biển của lòng người" của nhiếp ảnh gia Trần Thành

Cuốn sách ảnh "Biển của lòng người" của kỹ sư-nhiếp ảnh gia Trần Thành vừa được Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông chính thức ra mắt bạn đọc cả nước. Đây cũng là tập 1 của bộ sách quy mô mang tên "Biển, đảo Việt Nam". 

"Biển của lòng người" đưa người đọc bước vào hành trình xúc cảm sâu lắng về Trường Sa - nơi đầu sóng ngọn gió nhưng ngập tràn tình người và lòng yêu nước thiết tha. Kỹ sư-nhiếp ảnh gia Trần Thành, Chủ tịch Hội Biển đảo Việt Nam đã có 12 chuyến công tác tại Trường Sa. Anh mang trong mình trái tim, tâm huyết của nhà khoa học và con mắt của nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Trần Thành gắn bó sâu sắc với những dự án trọng điểm, mang tính nhân văn và cấp thiết cho cuộc sống quân dân Trường Sa. Anh chế tạo ra máy lọc nước biển thành nước ngọt, giúp cải thiện sinh hoạt của các cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa. Cùng với đó là các máy ép rác giải quyết bài toán môi trường khắc nghiệt trên đảo nhỏ giữa bốn bề sóng gió. Những sáng kiến bắt nguồn từ tình yêu và sự thấu hiểu sâu sắc về đời sống nơi đầu sóng ngọn gió.

z6764126515079-76f5a885623c4ec9c9c4c913c9ba61f5-3412.jpg
Đây là một tác phẩm có bố cục chặt chẽ, bắt nhịp công nghệ.

Mỗi chuyến đi Trường Sa đều để lại trong Trần Thành những "chấn động" tâm hồn, thôi thúc anh cầm máy ảnh, ghi lại bằng ống kính và trái tim mình những ánh nhìn, nụ cười, giấc ngủ và cả nỗi nhớ của đảo. Là đồng tác giả bộ sách "Nơi đầu sóng - Mắt trùng khơi", tác giả đã khiến người đọc xúc động trước vẻ đẹp giản dị, kiêu hùng mà chân thực của Trường Sa.

Tôi vốn không phải là nhà văn, cũng không theo đuổi nghề nhiếp ảnh một cách chuyên nghiệp, nhưng những hành trình đến với Trường Sa, tôi hiểu rằng: Cần lưu giữ những hình ảnh bằng ký ức và trái tim theo cách của riêng mình. - Kỹ sư-nhiếp ảnh gia Trần Thành

"Biển của lòng người" có bố cục bốn phần như bốn chương trong bản giao hưởng thiêng liêng của biển đảo Tổ quốc. Phần 1 - "Nơi bình minh bắt đầu" mở đầu cho cuốn sách với ánh sáng đầy cung bậc, khí phách của bình minh nơi đầu sóng.

Trường Sa hiện lên trong buổi sớm tinh khôi, khi mặt trời thức dậy đầu tiên trên bản đồ Tổ quốc. Những bức ảnh như mở toang cánh cửa của đất trời, cho người đọc cảm nhận được hơi thở của đại dương và sức sống bất diệt nơi tiền tiêu. Không gian ngập ánh sáng ấy vừa mang đến vẻ đẹp thị giác, đồng thời ẩn dụ cho tinh thần kiên cường, cho sự bắt đầu mới mẻ của lòng yêu nước giữa đại dương lộng gió.

z6725690089601-99de0a5e73ce2ba9ed28f9ebb1b88efd-4454.jpg
Lời tự sự chân thành mà xúc động của tác giả.

Phần 2 - "Đi về phía mặt trời" là hành trình đi về phía mặt trời - hành trình của những người lính trẻ mang theo tuổi thanh xuân, lý tưởng và trái tim rực cháy đến với đảo xa.

Ở đây, mỗi bức ảnh là một khúc ca tráng lệ về lòng dũng cảm, về cuộc sống bình dị nhưng đầy tự hào của những người lính biển. Từng ánh mắt, nụ cười, bước chân vững chãi giữa nắng gió… đã viết nên hiện thực sống động của những con người đã chọn biển đảo làm nơi gửi gắm tuổi trẻ.

z6725690199420-a4772da1fe2fb07e302d406c349c558c.jpg
Nhiều nội dung xúc động được chuyển tải trong tác phẩm.

Phần 3 - "Những mùa hoa trên sóng" tựa bản hòa sắc dịu dàng của vẻ đẹp muôn hình vạn trạng nơi đảo xa. Từ đóa bàng vuông tím biếc, cây phong ba rắn rỏi, đến nụ cười mặn mòi của những người giữ đảo, đàn cá tung tăng dưới cầu tàu, ánh mắt trẻ thơ trên đảo… Phần này đem đến cho người đọc sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp sinh sôi, căng tràn sức sống của thiên nhiên và con người ngay trong điều kiện khắc nghiệt nhất.

Phần 4 - "Dư âm" mang đến khoảng lặng đầy xúc cảm, chất chứa tâm trạng của những người ra đi và người ở lại. Đó là những bức chân dung trầm tư, là ánh mắt hướng về đất liền, là nén nhang trước bia tưởng niệm liệt sĩ, là bàn tay mẹ run run trên lá thư người con đã hy sinh không kịp gửi. Dư âm như hồi chuông đánh thức trong lòng mỗi người đọc về sự hy sinh lặng lẽ mà thiêng liêng, về hậu phương vững chãi và lòng biết ơn không bao giờ vơi cạn.

Kỹ sư-nhiếp ảnh gia Trần Thành đã có 12 chuyến công tác tại Trường Sa. Anh mang trong mình trái tim, tâm huyết của nhà khoa học và con mắt của nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Bốn phần - bốn nhịp cảm xúc - như thủy triều dâng lên trong lòng bạn đọc "Biển của lòng người" vừa mở ra khung cảnh Trường Sa đầy sống động cũng làm nổi bật ý chí, khát vọng của con người Việt Nam - những tâm hồn biết yêu thương, sẵn sàng hy sinh và luôn giữ niềm tin vững bền cho Tổ quốc.

Nhiều bạn đọc xúc động cho rằng, đây là tác phẩm kể chuyện bằng cả hình ảnh, âm thanh và cảm xúc với sự sống động, đa tầng. Mỗi trang sách, bên cạnh hình ảnh, lời thơ chú thích còn tích hợp phiên bản sách điện tử và mỗi trang đều tích hợp mã QR, khi quét vào, bạn đọc sẽ được dẫn tới các dữ liệu như video, chuyện kể, clip... giàu chiều sâu, lay động tận đáy lòng.

35769697-1688172724631248-6408502732218433536-n-2645.jpg
Kỹ sư-nhiếp ảnh gia Trần Thành đã 12 lần đến với Trường Sa.

Những đoạn phim không được dàn dựng theo lối kịch bản truyền hình, mà là ghi chép thô mộc, chân thực, không trau chuốt vì thế càng lắng đọng về cảm xúc. Có những video khiến người xem rơi nước mắt như cuộc trò chuyện lặng lẽ với mẹ của một liệt sĩ Gạc Ma. Giọng mẹ nhỏ, chậm rãi, chất chứa bao nỗi nhớ thương, kỷ niệm về người con mãi mãi không trở về.

Hay những video ghi lại khoảnh khắc chia tay nơi cầu cảng, người lính trẻ ôm mẹ thật lâu, rồi dứt áo bước lên tàu trong khi mẹ quay mặt giấu nước mắt; người vợ dắt theo các con tiễn chồng lên đường làm nhiệm vụ. Không lời thoại, chỉ tiếng sóng vỗ và còi tàu xa dần nhưng chính sự im lặng đó lại khắc họa rõ nhất sự hy sinh lặng thầm của cả người đi và người ở lại.

Tất cả nguồn dữ liệu đều do chính tác giả thực hiện trong suốt nhiều năm, nhiều đợt công tác Trường Sa và tạo nên những thước phim ký ức để ai bước vào cũng lặng đi, rồi ngẩng lên mà thấy biển đảo không còn xa xôi.

503622855-23893818583640011-3277038688473001126-n-866.jpg
Tác giả "Biển của lòng người" hiện đã có kế hoạch cho các tập tiếp theo của sách.

Trong thời đại mà công nghệ số đang thay đổi cách con người tiếp cận tri thức và cảm xúc, "Biển của lòng người" là một trong những ấn phẩm tiêu biểu trong cách kể chuyện đa phương tiện, nơi ảnh, thơ, video và công nghệ hòa quyện làm một, tạo nên trải nghiệm đọc-xem-cảm đầy sống động.

Chia sẻ về tác phẩm, kỹ sư-nhiếp ảnh gia Trần Thành, bày tỏ: "Tôi vốn không phải là nhà văn, cũng không theo đuổi nghề nhiếp ảnh một cách chuyên nghiệp, nhưng những hành trình đến với Trường Sa, tôi hiểu rằng: Cần lưu giữ những hình ảnh bằng ký ức và trái tim theo cách của riêng mình. Tôi đã ghi lại một cách trung thực và lặng lẽ những điều mình đã thấy, đã nghe, đã xúc động. Đó là những hình ảnh, tiếng nói mạnh mẽ nhất về lòng yêu nước, về hy sinh, về sự sống tiếp nối giữa các thế hệ".

Theo đại diện Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, cuốn sách là nỗ lực nhằm lan tỏa tình cảm với biển đảo đến công chúng, nhất là thế hệ trẻ. Dự kiến, sau "Biển của lòng người", các tập tiếp theo trong bộ sách sẽ tiếp tục được ra mắt, mở rộng góc nhìn về biển đảo Việt Nam ở nhiều khía cạnh: từ lịch sử, văn hóa, đến bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững.

Xem thêm