Họa sĩ Hoàng Thị Thu Hà miệt mài bên tác phẩm.
Họa sĩ Hoàng Thị Thu Hà miệt mài bên tác phẩm.

Triển lãm "Tranh tôi vẽ" - Vẻ đẹp từ trái tim yêu thương

Triển lãm "Tranh tôi vẽ" của họa sĩ Hoàng Thị Thu Hà khai mạc ngày 3/7 tại Phòng triển lãm Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội) mang đến 57 tác phẩm với những thông điệp đầy cảm hứng về hành trình nghệ thuật đặc biệt của một bác sĩ-họa sĩ.

Giữa những bộn bề của công việc ngành y - nghề luôn đòi hỏi sự tận tâm và chính xác cao độ - họa sĩ Hoàng Thị Thu Hà vẫn dành cho mình một thế giới riêng, lặng lẽ và bền bỉ: thế giới của ký họa, của nét bút kim giản dị mà đậm chiều sâu.

57 tác phẩm được trưng bày lần này phần lớn là ký họa, nhưng không đơn thuần là những bản vẽ ghi chép. Các tác phẩm mang trong mình một câu chuyện, một tâm thế khám phá và thử nghiệm: từ sự sống động của đời thường đến tính biểu cảm trừu tượng, từ khổ nhỏ tinh tế đến những tác phẩm khổ lớn giàu năng lượng thị giác.

Không phải ngẫu nhiên "ký họa thâm diễn" trở thành lựa chọn biểu đạt chủ đạo trong triển lãm lần này. Với họa sĩ Hoàng Thị Thu Hà, ký họa là lối đi sâu vào cảm nhận, nơi cái nhìn, xúc cảm và suy tư hòa quyện, tạo nên chiều sâu riêng cho từng nét vẽ.

z6691113823879-f8acf7280113fc7563c132f9393c53de-1629.jpg
Mỗi tác phẩm đều có sự tỉ mỉ, trau chuốt.

"Ký họa thâm diễn" thường được thực hiện bằng bút kim tưởng như đơn giản, mảnh mai, thậm chí có phần "yếu thế" nếu so với cọ vẽ hay màu sắc. Thế nhưng, chính sự đơn sắc, tinh tế ấy lại buộc người vẽ phải tinh luyện từng nét, từng chuyển động của tay, từng lựa chọn điểm nhìn.

Một bức "ký họa thâm diễn" không hẳn chỉ là vẽ lại cái ta thấy mà khắc họa cái ta "cảm". Bởi vậy, mỗi tác phẩm ngoài tái hiện hình ảnh, quan trọng hơn, còn hé lộ tâm lý nhân vật, không gian, tiết tấu và cả những khoảng lặng rất riêng.

z6691113867731-420c83a5cdf89ec25c693c6c476dd5b4-3843.jpg
Vẻ đẹp của "ký họa thâm diễn" luôn tạo sức hút với người xem.

Đến với triển lãm "Tranh tôi vẽ", người xem sẽ nhận ra ký họa không dừng lại ở chức năng phác thảo hay tiền kỳ cho sáng tác hội họa lớn hơn mà nó chính là tác phẩm hoàn chỉnh.

Một số tranh có bố cục phức hợp, gợi cảm hứng trừu tượng, một số lại được mở rộng trên khổ giấy lớn, đòi hỏi người vẽ vừa phải làm chủ không gian, vừa giữ được tinh thần mảnh mai, nhẫn nại của bút kim. Điều này cho thấy nghệ sĩ đã vượt khỏi định kiến "ký họa là phụ", để biến thể loại này thành ngôn ngữ biểu đạt chính, cá tính và đầy chiều sâu.

Với Hoàng Thị Thu Hà, "ký họa thâm diễn" là lựa chọn mang tính bản sắc, tạo nên một không gian để chị thỏa sức trong sự thận trọng để thể hiện nhịp sống của chính mình: thâm trầm, quan sát, nội lực.

z6764805803836-c00b9022033273858bfb35af1442c0c8-865.jpg
Họa sĩ-bác sĩ Hoàng Thị Thu Hà.

Chia sẻ về triển lãm cá nhân, họa sĩ Hoàng Thị Thu Hà bày tỏ: "Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ có ngày được tổ chức triển lãm tranh, lại là tại chính ngôi trường nghệ thuật danh giá như Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Tôi không học qua trường lớp, mọi thứ đều bắt đầu từ sự yêu thích thuần túy và niềm tin rằng: nếu mình thật sự nghiêm túc, đam mê sẽ dẫn đường".

Họa sĩ chia sẻ thêm, chị vốn là bác sĩ, thời gian cho riêng mình vô cùng ít ỏi. Nhưng chính những lúc được cầm cọ, cầm bút, chị như được trở lại với nội tâm mình theo cách lặng lẽ, rõ ràng mà đầy sống động. Chị muốn cho mọi người thấy rằng ký họa dù là nét bút đơn sơ vẫn có thể chạm đến trái tim, kể lại những câu chuyện đầy chiều sâu.

z6691113798821-dd1dae89f4c8b1b6efaff7afed4a47c0-3495.jpg
Các tác phẩm đều gợi lên vẻ đẹp tiềm tàng của cuộc sống.

"Tôi vẫn đang học và tôi biết mình cần được học một cách bài bản hơn. Bởi đã đến lúc tôi muốn không chỉ vẽ cho riêng mình nữa, mà còn vẽ một cách có trách nhiệm với nghệ thuật, với những người yêu tranh và với chính hành trình mà tôi chọn. Không bao giờ là muộn nếu bạn thực sự nghiêm túc với giấc mơ của mình", chị nói.

Có lẽ, điều khiến người xem xúc động hơn cả, chính là hành trình mà chị đang kể: một người phụ nữ không qua đào tạo chính quy về mỹ thuật, nhưng vẫn bền bỉ học hỏi, luyện tập bằng tất cả đam mê và tinh thần tự học nghiêm túc.

Sự "tay ngang" ấy không khiến chị chùn bước, ngược lại, như một lời khẳng định: nghệ thuật không khép cánh cửa với bất kỳ ai, nếu bạn thực sự đến với nghệ thuật bằng trái tim thành thực và niềm tin không ngơi nghỉ.

z6691113780392-ba2f8f228cdd972f5bb422c0cd59fe37-5890.jpg
Những bức tranh kích thước nhỏ bé nhưng là cả hành trình rất công phu, nghiêm túc.

Không ồn ào, không màu mè, lặng lẽ bước vào thế giới bằng những nét bút kim tinh tế, nhỏ bé như sợi chỉ mà dệt nên cả một cõi nội tâm phong phú. Mỗi tác phẩm "ký họa thâm diễn" của chị đã mở ra hành trình khám phá và thấu cảm, nơi thế giới hiện thực và tinh thần hòa quyện, nơi ánh sáng và bóng tối tương giao trong sự tiết chế đến độ gần như thiền định.

Ở chị, người xem cảm nhận được vẻ đẹp của một tâm hồn biết lắng nghe, biết chắt lọc, biết ẩn mình để tôn vinh cái đẹp mong manh nhất của đời sống dù đó chỉ là một nhành cây, một ô cửa, một mái nhà cổ nghiêng bóng, một dáng người đi xa... hay đơn giản là sự rung động trước thời gian đang trôi lặng lẽ. Tâm hồn người họa sĩ ấy, cũng như "ký họa thâm diễn", khiêm nhường mà sâu thẳm, giản dị mà kiêu hãnh.

z6691113819787-1ac1666fd1fce43b532445aa462853e3-3488.jpg
Một tác phẩm ấn tượng của Hoàng Thị Thu Hà.

Hoàng Thị Thu Hà chia sẻ rằng chị sẽ tiếp tục theo đuổi một hành trình được đào tạo bài bản trong thời gian tới. Đó không chỉ là sự đầu tư cho kỹ năng, mà còn là một lựa chọn sống: sống với đam mê một cách có trách nhiệm, đầy trân trọng. Triển lãm không quá rầm rộ, nhưng lại khơi dậy nhiều cảm xúc âm thầm, như chính những nét bút kim của chị: nhỏ nhẹ mà sắc nét, dung dị mà chứa đựng nhiều tầng lớp cảm xúc.

"Tranh tôi vẽ" là câu chuyện dung dị của nghệ thuật, cũng là lời khích lệ cho tất cả những ai còn ngập ngừng trước giấc mơ sáng tạo: không bao giờ là quá muộn, nếu bạn thực sự nghiêm túc. Và dù bạn là ai, bác sĩ, kỹ sư, giáo viên hay một người nội trợ... nếu có niềm yêu tha thiết, hãy để đam mê của mình lên tiếng. Triển lãm "Tranh tôi vẽ" kéo dài đến hết ngày 7/7.

Xem thêm