Nghệ nhân Ưu tú Phương Hồng (giữa) biểu diễn ca trù tại đình Đắc Sở, thành phố Hà Nội. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Nghệ nhân Ưu tú Phương Hồng (giữa) biểu diễn ca trù tại đình Đắc Sở, thành phố Hà Nội. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nữ chiến sĩ Trường Sơn hồi sinh ca trù

Ngoài 70 tuổi, thương binh, Nghệ nhân Ưu tú Phùng Thị Hồng (Phương Hồng) vẫn đều đặn đi xe bus đến các câu lạc bộ tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận để truyền dạy nghệ thuật ca trù. Bỏ qua những khó khăn về sức khỏe, đường xa, bà Hồng vẫn cần mẫn gieo tình yêu ca trù đến cộng đồng.

Bà Phùng Thị Hồng sinh năm 1952, tại xã Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Từ nhỏ, cô bé Hồng đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc, đặc biệt, Hồng rất thích hát chèo và ngâm thơ. 19 tuổi, khi đang công tác tại Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây (cũ), Phùng Thị Hồng đã xung phong lên đường ra mặt trận, mang lời ca tiếng hát để khích lệ tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ. Khi ấy bà được bổ sung vào Đoàn xung kích 2 Hà Tây đi chiến trường.

Tại mỗi binh trạm dừng chân, những buổi biểu diễn với các làn điệu dân ca truyền thống đã trở thành liều thuốc tinh thần quý giá giúp các chiến sĩ vượt qua khó khăn, hiểm nguy. Ngày 25/11/1971, khi đang biểu diễn tại Binh trạm 34 của Đoàn 559, bà Hồng bị thương. Khi ấy tôi đang múa thì bị đạn bắn thẳng vào cánh tay phải, bà Hồng nhớ lại.

Năm 1972, bà Hồng trở về quê hương sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Trường Sơn. Bà tiếp tục công tác tại cơ quan cũ, sau đó được chuyển về công tác tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ).

Năm 1990, bà Hồng tình cờ gặp và được nghe nghệ nhân Bạch Vân hát ca trù. Những làn điệu luyến láy cùng nhịp phách vang giòn đã lôi cuốn bà Hồng. Từ sự gặp gỡ đầy tình cờ ấy, bà Hồng bắt đầu tìm tòi các tài liệu, sách vở về ca trù. Bước ngoặt thật sự là vào năm 1994, khi ấy bà Hồng gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, được nghe ca nương “rút ruột nhả tơ” những làn điệu ca trù, bà Hồng đã ngỏ ý theo học.

Hành trình “tầm sư học đạo” của bà Hồng chính thức bắt đầu. Chủ nhật hằng tuần, bà về tận nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc để học. Cứ thế, trong suốt 4 năm (1994-1998) bà đã học được những kiến thức cơ bản về ca trù và tự tin biểu diễn. Với tinh thần cầu thị, bà còn tìm đến các nghệ nhân ở Câu lạc bộ Ca trù Thái Hà để học hỏi, tìm hiểu. Bà Hồng sưu tầm rất nhiều băng, đĩa của Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ cũng như của các nghệ nhân gạo cội khác trong làng ca trù để nghe và tự học.

Nặng lòng với nghệ thuật ca trù và mong muốn loại hình văn hóa dân gian này không ngừng lan tỏa, bà Hồng nghĩ đến việc sẽ truyền dạy cho nhiều người. Năm 1998, bà mạnh dạn tham mưu cho lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Hà Tây (cũ) mở các lớp dạy ca trù.

Bà cần mẫn đi học từ các nghệ nhân rồi mày mò tìm phương pháp sư phạm của riêng mình để truyền dạy được cho nhiều người, thuộc mọi lứa tuổi. Các lớp học ca trù ngày càng đông, những buổi biểu diễn văn nghệ tại các đơn vị của tỉnh Hà Tây (cũ) khi ấy đã có sự đóng góp của những chiếu ca trù.

Cùng với việc truyền dạy, bà Hồng còn mạnh dạn viết lời mới dựa trên các làn điệu cổ của ca trù như: Hát liễu, hát nói, bắc phản… Những ca từ tập trung phản ánh cuộc sống hiện tại đã khiến người nghe, nhất là người trẻ dễ dàng tiếp cận hơn rất nhiều. Đến nay, bà Hồng đã viết lời mới được hơn 100 bài với đủ các thể cách nhưng chủ yếu là hát nói.

Năm 2007, bà Hồng về hưu, trên cánh tay vẫn còn đầu đạn găm lại khiến cho sức khỏe giảm sút, nhưng tình yêu dành cho ca trù chưa khi nào vơi. Vì thế, thay vì nghỉ ngơi, tận hưởng niềm vui tuổi già, bà Hồng không quản ngại đi nhiều địa phương để trực tiếp giảng dạy nghệ thuật ca trù. Năm 2013, bà trở thành Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam).

Ông Vũ Đức Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam cho biết: Nghệ nhân Ưu tú Phương Hồng là cánh chim đầu đàn tại trung tâm. Bà là người đã khôi phục nghệ thuật ca trù tại trung tâm và thành lập câu lạc bộ ca trù. Không chỉ là một ca nương có tầm khi đạt được nhiều giải thưởng, bà còn đưa nghệ thuật ca trù đến với bạn bè quốc tế thông qua các buổi biểu diễn tại các nước châu Âu.

Hơn 30 năm bén duyên với ca trù, miệt mài trau dồi kiến thức rồi truyền dạy, đến nay số lượng học viên theo học nghệ nhân Phương Hồng đã lên tới vài trăm người, trong đó có nhiều người đã thành danh. Ở tuổi 72, lịch làm việc của bà luôn dày đặc với các lớp học, các buổi biểu diễn. Khi không có lịch lên lớp, bà Hồng lại tới gặp các nghệ nhân kỳ cựu để học hỏi, bởi với bà kiến thức về ca trù vô cùng rộng lớn, học bao nhiêu cũng không đủ.

Một trong những động lực thôi thúc bà Hồng kiên trì trên con đường mình đã chọn có lẽ chính là những năm tháng nơi chiến trường, là khoảng thời gian gắn bó với cuộc sống khắc nghiệt nơi mưa bom bão đạn, chứng kiến lằn ranh sinh tử và tinh thần chiến đấu quật cường của những người lính. Bà tâm sự: “Chiến tranh hy sinh gian khổ là thế mà các chiến sĩ còn vượt qua thì trên mặt trận văn hóa, bình yên không tiếng súng có lẽ nào người nghệ sĩ lại chịu thua”.

Xem thêm