Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP 26) và tái khẳng định tại COP 27 và COP 28. Cam kết đó không chỉ là trách nhiệm quốc tế mà còn là động lực để chúng ta đổi mới căn bản phương thức phát triển, hướng đến nền kinh tế xanh, tuần hoàn, ít phát thải carbon.
Trong hành trình đó, tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm điện là giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, để giảm áp lực cung ứng năng lượng, giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân và bảo vệ môi trường.
Theo khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng của nước ta còn rất lớn, đặc biệt lĩnh vực công nghiệp đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia, tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt 20-30%.
Hiện nay, cả nước có trên 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, với tổng mức tiêu thụ điện trên 80 tỷ kWh/năm. Nếu các doanh nghiệp này cùng chung tay thực hiện tiết kiệm ít nhất 2% lượng điện tiêu thụ/năm thì trung bình sẽ tiết kiệm khoảng 1,6 tỷ kWh/năm, tương đương tiết kiệm hơn 3.200 tỷ đồng tiền điện mỗi năm.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Hải Dũng, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, Bộ Công thương nhấn mạnh: Tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm điện là những giải pháp cấp thiết, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn, giúp giảm áp lực cung ứng năng lượng, bảo vệ môi trường và tăng cường an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung năng lượng toàn cầu tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Ngày 18/6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện chính sách, thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp tiết kiệm, quản lý nhu cầu điện, phát triển công nghệ xanh và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng.
Trong quá trình triển khai các chủ trương lớn ấy, công tác truyền thông giữ vai trò hết sức quan trọng. Những thông tin chính xác, kịp thời, gần gũi và có chiều sâu về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả chính là “chìa khóa” để lan tỏa nhận thức, khơi dậy trách nhiệm cộng đồng và thúc đẩy thay đổi hành vi trong toàn xã hội.

TS Trần Bá Dung, nguyên Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cũng khẳng định: Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông chính sách, tuyên truyền giám sát và phản biện lại chính sách để từ đó có thể điều chỉnh kịp thời.
Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đòi hỏi người làm báo không chỉ nắm chắc chuyên môn, kiến thức kỹ thuật mà còn cần có kỹ năng kể chuyện, xây dựng góc nhìn sáng tạo, dễ hiểu và truyền cảm hứng.
Trong khuôn khổ tập huấn, các phóng viên, biên tập viên được: Cập nhật các thông tin chính sách, pháp luật mới về tiết kiệm năng lượng; Tổng quan kết quả triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019–2030 (VNEEP 3) thời gian qua; Trao đổi kỹ năng tác nghiệp báo chí trong lĩnh vực năng lượng vốn “khô-khó-khổ”, bao gồm cách khai thác, sử dụng thuật ngữ kỹ thuật, xây dựng câu chuyện và góc nhìn mới để tiếp cận bạn đọc.
Thông qua chương trình, Bộ Công thương kỳ vọng đội ngũ phóng viên, biên tập viên sẽ trở thành những cầu nối truyền thông mạnh mẽ, đưa thông tin chính thống, khoa học và gần gũi về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các tổ chức chính trị-xã hội, góp phần thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.