Thông qua hàng loạt chương trình, hoạt động thiết thực, việc nâng cao nhận thức chính trị, pháp luật cho người lao động góp phần xây dựng môi trường làm việc ổn định, tăng cường an ninh trật tự tại cơ sở và thúc đẩy hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Đảng và Công đoàn
Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố, trong 5 năm gần đây, các cấp Công đoàn thành phố tổ chức hơn 12.800 cuộc tuyên truyền, hội nghị, tập huấn, hội thi,... thu hút hơn 3,2 triệu lượt công nhân, viên chức, người lao động tham gia. Các nội dung tập trung vào phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kỹ năng nghề nghiệp, an toàn lao động và nâng cao trình độ học vấn, tay nghề. Nhờ đó, công nhân hiểu rõ hơn quyền lợi và nghĩa vụ của mình, chủ động tuân thủ quy định của pháp luật, tránh xa các hành vi vi phạm, tệ nạn xã hội hay các luận điệu sai trái. Không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoạt động này còn giúp giảm thiểu các tranh chấp lao động tập thể, đình công tự phát và củng cố mối quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp.
Là doanh nghiệp luôn quan tâm tới các hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị, pháp luật cho công nhân, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng cho biết, các nội dung tuyên truyền được lồng ghép linh hoạt qua nhiều kênh như Facebook, Zalo, các buổi sinh hoạt đầu tuần, chương trình hội nhập cho lao động mới hay trực tiếp tại các buổi đào tạo công đoàn. Nhờ đó, người lao động không chỉ nắm được các quy định pháp luật mà còn hiểu rõ hơn về quyền, trách nhiệm của bản thân trong công việc và cuộc sống. “Chúng tôi xác định, muốn công tác tuyên truyền hiệu quả, phải làm sao để công nhân thấy được chính trị, pháp luật không phải là những khái niệm xa vời, mà là vấn đề gắn chặt với quyền lợi, đời sống của họ. Khi người lao động nhận thức rõ ràng điều đó, họ sẽ tự giác tham gia, học tập và tuân thủ”, ông Hùng nhấn mạnh.
Thành quả đáng ghi nhận từ nỗ lực tuyên truyền tại công ty là đội ngũ đảng viên ngày càng lớn mạnh. Hiện nay, công ty có 44 đảng viên và hơn 30 quần chúng ưu tú đang làm hồ sơ kết nạp. Theo ông Hùng, đây là minh chứng sinh động cho hiệu quả của công tác giáo dục chính trị trong doanh nghiệp, đồng thời cho thấy vai trò trung tâm của tổ chức Đảng, Công đoàn trong việc dẫn dắt tư tưởng, hành động của người lao động.
Linh hoạt hình thức tuyên truyền, phù hợp thực tiễn
Không chỉ đơn thuần tổ chức các lớp học truyền thống, nhiều doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực đổi mới phương thức tuyên truyền để phù hợp với trình độ và thói quen tiếp nhận thông tin của công nhân hiện nay.
Tại Công ty Pouyuen Việt Nam, nơi có hàng chục nghìn lao động, Chủ tịch Công đoàn Củ Phát Nghiệp cho biết: “Công tác giáo dục chính trị, pháp luật được thực hiện thường xuyên, dưới nhiều hình thức đa dạng. Bên cạnh phối hợp các cơ sở đào tạo mở lớp tại chỗ, công ty còn quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tuyên truyền. Chúng tôi luôn trăn trở làm sao để mỗi thông tin tuyên truyền phải thật sự thiết thực, dễ hiểu, dễ áp dụng. Khi người lao động nhận thức tốt thì không chỉ họ được hưởng lợi mà chính doanh nghiệp cũng phát triển ổn định, bền vững”. Ông Nghiệp nhấn mạnh, vai trò của công đoàn cấp trên trong việc cung cấp tài liệu, chia sẻ kinh nghiệm và tổ chức giao lưu, hội thảo giữa các công đoàn cơ sở là hết sức cần thiết. Thông qua đó, các mô hình hiệu quả, cách làm hay sẽ được lan tỏa, giúp nhiều doanh nghiệp cải thiện chất lượng tuyên truyền, nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động.
Theo bà Nguyễn Kim Loan, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, để công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, pháp luật cho công nhân đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, cần xác định rõ hai yếu tố then chốt: Một là nội dung phải gắn liền với đời sống, lợi ích cụ thể của người lao động; hai là hình thức tuyên truyền cần được đổi mới, sáng tạo, linh hoạt theo đặc điểm của từng nhóm đối tượng. “Chúng tôi khuyến khích cán bộ công đoàn chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các nền tảng số, trí tuệ nhân tạo để truyền tải thông tin nhanh chóng, hấp dẫn. Đồng thời, phải biết tận dụng các hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động như hội thi, sân khấu hóa, diễn đàn, tọa đàm... để tạo sự hứng thú và dễ tiếp cận”, bà Loan chia sẻ.
Liên đoàn Lao động thành phố cũng xác định việc nhân rộng các mô hình hiệu quả từ cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm. Nhất là những đơn vị làm tốt công tác này sẽ được giới thiệu, biểu dương để tạo động lực lan tỏa trong hệ thống công đoàn toàn thành phố.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và chuyển đổi số mạnh mẽ, công nhân không chỉ là lực lượng lao động đơn thuần, mà là chủ thể trung tâm trong mọi chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, nâng cao nhận thức chính trị, hiểu biết pháp luật và kỹ năng sống cho công nhân chính là đang đầu tư cho tương lai của doanh nghiệp và quốc gia.