Hình ảnh kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè trước và sau cải tạo. (Ảnh TRUNG ANH)
Hình ảnh kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè trước và sau cải tạo. (Ảnh TRUNG ANH)

Bài 1: Biểu tượng của quyết tâm cải tạo môi trường sống

Bài toán an sinh trong các dự án chỉnh trang kênh, rạch

Di dời nhà ở ven, trên kênh rạch là chủ trương lớn, xuyên suốt của Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình phát triển đô thị bền vững. Các dự án không chỉ hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp, mà quan trọng hơn là cải thiện điều kiện sống cho người dân tại khu vực bị ô nhiễm kéo dài.

Đằng sau mỗi công trình là những vấn đề lớn về an sinh xã hội, đòi hỏi sự quyết tâm chính trị cao, cách làm đột phá, khả năng huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Trong hành trình xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị văn minh, hiện đại, việc cải tạo, chỉnh trang các tuyến kênh, rạch từng bị ô nhiễm nghiêm trọng đã mang lại những chuyển biến tích cực không chỉ về diện mạo đô thị mà còn cải thiện rõ nét chất lượng sống cho người dân. Những dòng kênh từng bị gọi là “kênh chết” dần được hồi sinh, trở thành minh chứng sống động cho sự quyết tâm, đồng lòng giữa chính quyền và nhân dân thành phố.

HỒI SINH NHỮNG DÒNG KÊNH “CHẾT”

Hơn 20 năm trước, chị Trương Thị Kim Thủy (ngụ tầng 5, chung cư Miếu Nổi, phường Gia Định) vẫn nhớ rõ những năm tháng sống ven kênh Nhiêu Lộc. Khi nghe tin thành phố sẽ chỉnh trang tuyến kênh và bố trí tái định cư trong các chung cư cao tầng, gia đình chị từng rất đắn đo. “Ở ven kênh tuy môi trường không tốt nhưng buôn bán thuận lợi. Chuyển lên chung cư, tôi lo không biết sẽ làm gì để sống”, chị kể. Nhưng sau thời gian ổn định, chị nhận ra chủ trương của thành phố là đúng đắn: Môi trường sống cải thiện rõ rệt, con cái có điều kiện học hành, trưởng thành hơn, gia đình cũng chăm chỉ làm ăn hơn.

Không riêng chị Thủy, ký ức về dòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè ô nhiễm vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người. Khi tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, việc quản lý còn hạn chế khiến dòng kênh xanh mát bị rác thải, nước thải sinh hoạt xâm lấn. Người dân ven kênh phải sống trong môi trường ô nhiễm, đối mặt với các bệnh hô hấp, da liễu, tiêu hóa… suốt nhiều thập kỷ. Khi dòng kênh đổi màu xanh cũng là lúc chất lượng sống hai bên bờ thay đổi.

Kênh Tàu Hũ-Bến Nghé cũng từng rơi vào tình cảnh tương tự. Từng là thủy lộ huyết mạch nối Sài Gòn xưa với các tỉnh Tây Nam Bộ, nơi đây từng tấp nập tàu thuyền tại các bến Chương Dương, Hàm Tử, Lê Quang Liêm, Bình Đông… tuy nhiên, mặt trái của đô thị hóa đã khiến dòng kênh bị lấn chiếm, ô nhiễm nghiêm trọng.

Năm 1999, thành phố khởi động Dự án Môi trường nước tại lưu vực kênh Tàu Hũ-Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẻ-một trong những dự án xây dựng có quy mô lớn nhất thời điểm bấy giờ. Suốt hơn 12 năm triển khai qua hai giai đoạn, thành phố nỗ lực huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước để thực hiện. Thành quả là dòng kênh dần được hồi sinh với diện mạo hoàn toàn mới, đồng bộ cùng tuyến Đại lộ Võ Văn Kiệt dài gần 22 km chạy dọc theo kênh. Không chỉ là công trình giao thông trọng điểm, tuyến đại lộ này còn trở thành biểu tượng cho quyết tâm cải tạo môi trường sống và chỉnh trang đô thị một cách căn cơ, bài bản của thành phố.

ĐỘT PHÁ, SÁNG TẠO TRONG TRIỂN KHAI DỰ ÁN

Trong thời gian gần đây, dự án cải tạo bờ bắc kênh Đôi tiếp tục là một bước đi mạnh mẽ trong tiến trình hồi sinh các dòng kênh của thành phố. Ông Nguyễn Hồng Thuận, Trưởng ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng Quận 8 cho biết, việc triển khai dự án thuận lợi hơn nhờ áp dụng chính sách bồi thường, tái định cư theo cơ chế đặc thù. Theo đó, thành phố chỉ đạo Viện Nghiên cứu Phát triển tổ chức khảo sát thực tế, lắng nghe và nắm bắt nhu cầu người dân, từ đó xây dựng phương án phù hợp, như bố trí tái định cư tại chỗ hoặc gần nơi ở cũ, đồng thời kèm theo các giải pháp hỗ trợ sinh kế để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Ông Ngô Văn Tài, một trong những hộ dân nằm trong diện giải tỏa tại phường Phú Định, chia sẻ: “Gia đình tôi đã ở đây hơn 20 năm. Khi nhận được hơn 3 tỷ đồng tiền bồi thường và được chọn suất tái định cư gần nơi cũ, tôi thấy rất hài lòng”. Việc địa phương tổ chức cho người dân đi khảo sát thực tế các vị trí tái định cư đã giúp họ yên tâm hơn khi rời nơi ở cũ.

Dự án cải tạo bờ bắc kênh Đôi có quy mô hơn 5,85 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7.300 tỷ đồng, dự kiến sẽ cải thiện hạ tầng, môi trường và đời sống cho hơn 1.600 hộ dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Được đã nhiều lần làm việc với các địa phương, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đồng thời đề xuất điều chuyển nguồn vốn đầu tư công chưa sử dụng hết từ các dự án khác để ưu tiên cho dự án này trong giai đoạn đầu.

Cách làm sáng tạo, đột phá này đang mang lại chuyển biến tích cực cho tiến độ dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm. Trước đây, việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do người dân không đồng thuận với mức đền bù. Tuy nhiên, khi các địa phương vận dụng Quyết định 5516/QĐ-UBND ngày 2/12/2024 của UBND thành phố, cho phép thí điểm ủy quyền quyết định biện pháp, mức hỗ trợ bổ sung phù hợp từng dự án thì sự đồng thuận của người dân đã tăng rõ rệt. Nhờ đó, công tác giải phóng mặt bằng dự kiến sẽ thuận lợi hơn ở các gói thầu tiếp theo.

Việc thực hiện bồi thường không dựa trên công thức sẵn có, mà chủ yếu là vận động, giải thích, thuyết phục người dân đồng hành. Hơn 1 triệu người dân được hưởng lợi từ dự án, không chỉ trong môi trường sống, mà cả cơ hội giáo dục, việc làm, sinh kế được cải thiện rõ rệt. Nhiều gia đình từng sống trong điều kiện tạm bợ ven kênh, nay đã có cuộc sống ổn định hơn, an cư trong các khu tái định cư văn minh, hiện đại.

Câu chuyện hồi sinh các dòng kênh “chết” là minh chứng thuyết phục về năng lực quản lý đô thị, về cách làm bài bản, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm trong các chính sách cải tạo. Đó cũng là nền tảng để thành phố tiếp tục triển khai các dự án chỉnh trang kênh, rạch khác trong tương lai, hướng đến không gian sống chất lượng, đô thị xanh, hiện đại và nhân văn hơn.

(Còn nữa)

Xem thêm