Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè nhìn từ trên cao. (Ảnh THẾ ANH)
Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè nhìn từ trên cao. (Ảnh THẾ ANH)

Quyết tâm chỉnh trang nhà nơi kênh rạch

Nhiều năm qua, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh xác định việc chỉnh trang nhà ở trên và ven kênh rạch là một nhiệm vụ trọng tâm, nhằm cải tạo đô thị phát triển bền vững.

Đằng sau những công trình hạ tầng là bài toán hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; là quyết tâm thực hiện mục tiêu lâu dài về môi trường sống, diện mạo thành phố và an sinh xã hội.

Thành phố đang tiếp tục huy động mọi nguồn lực, phát huy vai trò của các thành phần kinh tế, đặc biệt là khối tư nhân để thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án chỉnh trang giai đoạn mới.

Nhiều thử thách trong mục tiêu lớn

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh qua các nhiệm kỳ, thành phố đang từng bước cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2030 cơ bản giải quyết dứt điểm tình trạng nhà ở lụp xụp, nhà xây dựng tạm bợ trên và ven sông, kênh, rạch. Đây không chỉ là yêu cầu cấp bách về môi trường, phòng chống ngập úng mà còn là đòi hỏi của quá trình phát triển đô thị bền vững, chuẩn bị các điều kiện cho tầm nhìn 2040–2060 theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 11/6/2025.

Bên cạnh các dự án hạ tầng quy mô lớn, công tác chỉnh trang khu vực ven kênh rạch được thành phố giao nhiệm vụ rõ ràng tại Đề án giai đoạn 2025–2030 (Quyết định số 2988/QĐ-UBND ngày 16/6/2025). Theo đó, việc di dời, bố trí lại dân cư phải thực hiện đúng tinh thần của Đảng: “Người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Đây là nguyên tắc không chỉ thể hiện tính nhân văn trong quản lý mà còn là yếu tố quyết định thành công của toàn bộ chương trình chỉnh trang.

Tuy nhiên, bên cạnh sự thống nhất về chủ trương và quyết tâm của hệ thống chính trị, công tác triển khai trên thực tế vẫn gặp không ít trở ngại. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, mỗi giai đoạn chỉnh trang đều mang những đặc thù riêng, từ khó khăn về nguồn lực đến các vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Giai đoạn hiện nay, nguồn vốn ngân sách phải chia sẻ cho nhiều dự án trọng điểm khác nhau, trong khi việc huy động đầu tư tư nhân gặp trở ngại do khả năng thu hồi vốn thấp, thủ tục pháp lý còn phức tạp.

Ngoài ra, tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng tại một số địa phương vẫn còn chậm do nhiều vướng mắc về nguồn gốc nhà, đất; quỹ nhà tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu; tâm lý muốn tái định cư tại chỗ của người dân chưa được giải quyết thỏa đáng. Những vấn đề này đòi hỏi phải có các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ hơn từ khâu lập quy hoạch đến huy động vốn và tổ chức lại không gian sống mới.

Đồng bộ, hài hòa lợi ích các bên

Nhằm tháo gỡ các nút thắt nêu trên, thành phố đang chủ động xây dựng các cơ chế đặc thù để tạo đột phá. Theo ông Bùi Xuân Cường, một mặt, thành phố sẽ rà soát, khai thác quỹ đất công sử dụng chưa hiệu quả để đấu giá thu ngân sách; mặt khác, điều chỉnh quy hoạch nhằm tăng chỉ tiêu xây dựng đối với các dự án nhà ở xã hội, tái định cư, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế và sức hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Về công tác bồi thường, tái định cư, thành phố đang triển khai kế hoạch xây dựng mới quỹ nhà tái định cư, nhà ở xã hội bằng nhiều nguồn lực, từ ngân sách đến việc hợp tác công-tư. Đồng thời, chú trọng tổ chức lại cuộc sống cho người dân sau di dời: Hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, bố trí việc làm, chăm lo y tế, giáo dục, giúp người dân không chỉ có chỗ ở mới mà còn thật sự ổn định cuộc sống.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố thiết kế đô thị trong các dự án chỉnh trang, Tiến sĩ Võ Kim Cương, chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, việc cải tạo kênh rạch nếu được tích hợp với cải tạo lưu vực chung quanh sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Cần triển khai phương châm “chậm mà chắc”, mỗi dự án phải được khảo sát kỹ lưỡng, điều tra xã hội học đầy đủ để tránh đội vốn và phát sinh ngoài dự kiến.

Kiến trúc sư Châu Mỹ Anh, Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ: Công tác quy hoạch chỉnh trang cần gắn với tầm nhìn lâu dài, đặc biệt tại các khu vực có người dân bị di dời. Theo đó, phải lồng ghép các giải pháp tạo việc làm, bảo đảm an sinh; đồng thời quy hoạch không gian có điểm nhấn kiến trúc, công trình công cộng có giá trị nghệ thuật nhằm tạo nên bản sắc đô thị. Khu nhà tái định cư cần đa chức năng, tiện nghi, gắn kết cộng đồng thay vì đơn thuần chỉ là “có chỗ ở”.

Những tuyến kênh rạch vốn là “huyết mạch xanh” của đô thị, mang trong mình giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái to lớn. Việc “hồi sinh” không chỉ nhằm mục đích xử lý ô nhiễm, thoát nước mà còn là cơ hội để tái cấu trúc lại các không gian đô thị lộn xộn, tự phát. Từ một nơi từng bị lãng quên, nay trở thành “mặt tiền” của thành phố hiện đại, là minh chứng sống động cho quyết tâm cải tạo của chính quyền và sự đồng hành của nhân dân.

Chính quyền thành phố đang nỗ lực biến những cam kết chính trị thành hành động cụ thể; biến mỗi công trình chỉnh trang thành biểu tượng của sự đổi thay tích cực. Trong hành trình ấy, không thể thiếu sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, giới chuyên gia, các nhà khoa học và đặc biệt là người dân, đối tượng trực tiếp chịu tác động và đồng thời cũng là chủ thể của quá trình đổi mới.

Việc chỉnh trang đô thị nói chung và cải tạo nhà ven kênh rạch nói riêng là một tiến trình dài hơi, không thể “làm nhanh cho xong” mà đòi hỏi tư duy tích hợp, từ quy hoạch, thiết kế đến tổ chức thực hiện và đánh giá sau dự án. Thành phố Hồ Chí Minh với tinh thần tiên phong, sáng tạo đang bước từng bước chắc chắn để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình; một thành phố mang đậm bản sắc nhưng vẫn hội nhập, phát triển đúng tầm vóc của một đô thị toàn cầu trong tương lai.

Xem thêm