Không để phát sinh điểm nóng về khiếu kiện, tố cáo

Triển khai hiệu lực, hiệu quả chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có vai trò quan trọng bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân; đồng thời giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không để phát sinh điểm nóng.

Nhiệm vụ này có vai trò quan trọng nhất là khi cả nước thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp và bước vào giai đoạn tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Vấn đề nêu trên được chứng minh rõ nét khi vừa qua, Thanh tra Chính phủ phối hợp thực hiện tốt kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Thông báo số 142-TB/VPTW ngày 20/3/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng về giải quyết khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp lên Trung ương trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo số liệu thống kê của Ban Tiếp công dân Trung ương, số công dân đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội giảm 30 đến 40% so với thời điểm trước khi thực hiện kết luận. Hầu hết các trường hợp trước đây khiếu kiện dài ngày tại Hà Nội nay đã trở về địa phương để được tiếp, giải quyết theo quy định.

Bài học quý rút ra ở đây, trước tiên là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của người đứng đầu các cấp, xác định đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, cấp bách.

Hầu hết các địa phương xảy ra vụ việc đều nghiêm túc, tích cực triển khai, thực hiện; sớm ban hành kế hoạch tổ chức rà soát, kiểm tra, xử lý, giải quyết từng vụ việc với cách làm bài bản, khoa học, kỹ lưỡng, căn cứ vào quy định của pháp luật và tình hình thực tế để thảo luận; mục tiêu là xử lý, giải quyết dứt điểm vụ việc, thấu tình, đạt lý, đưa ra những phương án xử lý, giải quyết có tính khả thi, phù hợp quy định pháp luật và thực tiễn, vận dụng chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện ổn định cuộc sống đối với trường hợp người khiếu nại, tố cáo có hoàn cảnh thật sự khó khăn.

Theo Thanh tra Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2025, tình hình số đoàn khiếu nại, tố cáo đông người nói chung vẫn tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền tăng 8,1%.

Trong khi đó, chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn ở một số địa phương chưa cao; số đoàn đông người ở một số địa phương tăng so với cùng kỳ năm 2024; việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, các kết luận, quyết định xử lý về tố cáo ở một số địa phương, đơn vị còn chậm; công tác chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác này có nơi chưa được quan tâm đúng mức.

Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần phát huy bài học kinh nghiệm, thực hiện có hiệu quả hơn nữa Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Kết luận số 107-KL/TW ngày 24/12/2024 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, nhất là các vụ việc đông người, các vụ việc liên quan nhân sự đại hội đảng bộ các cấp.

Trong bối cảnh vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, chuyển đổi số để thực hiện mô hình tiếp công dân trực tuyến cần được đẩy mạnh. Điều này không chỉ nhằm tiếp nhận, xử lý được nhiều kiến nghị của công dân mà quan trọng nữa là tạo ra kho dữ liệu số phục vụ công tác tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình, xem xét những nơi làm chưa tốt để chấn chỉnh ngay từ cơ sở… không để hình thành những điểm nóng về khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo đông người kéo dài, vượt cấp.

Bên cạnh đó, cần lưu ý nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các cơ quan Trung ương tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, làm sao mọi công dân đến đều được tiếp đón, hướng dẫn, xử lý kịp thời đơn, thư; phối hợp tốt với các địa phương để nắm tình hình khiếu kiện của công dân, tuyên truyền vận động công dân trở về địa phương; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan thông tấn báo chí, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để góp phần quan trọng bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong những thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước sắp tới.

Xem thêm