Cùng dự có đại diện các cơ quan của Quốc hội: Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, Ủy ban Văn hóa và Xã hội, Văn phòng Quốc hội.
Về phía Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam có: Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội; ông Nguyễn Hữu Oanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội; Đại tá Phan Sỹ Thao, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội; cùng lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn trực thuộc Văn phòng Trung ương Hội.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao những kết quả đạt được của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trong 15 năm qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Hội đã thực hiện rất tốt các tôn chỉ, mục đích hoạt động, trở thành cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước trong công tác tri ân liệt sĩ, là địa chỉ tin cậy cho thân nhân liệt sĩ và các nhà hảo tâm, góp phần làm dịu nỗi đau chiến tranh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ những trăn trở khi cả nước hiện còn khoảng 500.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính, trong đó 180.000 liệt sĩ vẫn còn nằm lại chiến trường, chưa được quy tập. Ông cho biết, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, Quốc hội cùng Chính phủ đang nghiên cứu tiếp tục sửa đổi hoặc nâng cấp thành luật, trong đó cần thiết làm rõ vai trò của các tổ chức xã hội hoạt động tự nguyện, như Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, việc chăm sóc người có công và thân nhân liệt sĩ không chỉ là trách nhiệm, tình cảm, mà còn là sự tiếp nối truyền thống đạo lý, tạo nên nguồn lực tinh thần to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của Hội, trong đó có việc đặt hoạt động của Hội trong tổng thể mối quan hệ với các tổ chức xã hội và với cơ quan quản lý Nhà nước. Ông kỳ vọng, với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là việc xây dựng ngân hàng gene liệt sĩ trong hệ thống dữ liệu quốc gia, việc xác định danh tính sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực hơn trong thời gian tới.

Báo cáo tại buổi làm việc, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, đã khái quát lại chặng đường 15 năm hình thành và phát triển.
Hội được thành lập theo Quyết định số 1081/QĐ-BNV ngày 17/9/2010 của Bộ trưởng Nội vụ, với sứ mệnh: Tôn vinh, tri ân các Anh hùng liệt sĩ và gia đình liệt sĩ; hỗ trợ thân nhân tiếp cận chính sách; thu thập thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn thất lạc; giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; tham gia nghiên cứu và đề xuất chính sách về người có công.
Đến nay, Hội đã xây dựng mạng lưới gồm 21 Hội và Chi hội cấp tỉnh, thành phố, trên 96 Chi hội cấp huyện và gần 7.000 hội viên hoạt động trên cả nước.
Ngay sau khi thành lập, Hội đã triển khai khảo sát thực trạng thân nhân liệt sĩ tại 3 miền bắc–trung–nam, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách liên quan.
Từ năm 2013, Hội đã trực tiếp lấy mẫu sinh phẩm hơn 1.750 hài cốt liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân ở tất cả các tỉnh, thành phố, phục vụ công tác giám định ADN, xác định được danh tính hơn 400 liệt sĩ.
Hội đã hỗ trợ xác minh thông tin bằng thực chứng, trả lại tên cho khoảng 1.250 liệt sĩ, di chuyển hơn 1.600 hài cốt liệt sĩ từ các nghĩa trang liệt sĩ về quê nhà theo nguyện vọng gia đình.

Hội đã vận động và trao tặng hơn 1.200 căn nhà tình nghĩa, gần 4.000 sổ tiết kiệm, hơn 60.000 suất quà cho thân nhân liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Đồng thời, Hội trao gần 900 suất học bổng cho con em gia đình chính sách, tặng hơn 500 xe lăn, xe đạp, phối hợp khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn người, cứu trợ đồng bào vùng thiên tai với hơn 70 tấn gạo, 36 tấn thực phẩm, xây dựng 6 cây cầu dân sinh tại các tỉnh miền tây nam bộ.
Trong công tác đối ngoại, Hội đã mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế như: Viện Hòa bình Hoa Kỳ, Đại học Công nghệ Texas (Mỹ), Thư viện Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, Hội Cựu chiến binh Mỹ...
Tháng 6/2024, Đoàn cựu chiến binh Mỹ đã bàn giao cho Hội 21 bộ hồ sơ vị trí mộ tập thể liệt sĩ, dự kiến có thể tìm thấy khoảng 3.000 hài cốt liệt sĩ. Từ nguồn tin này, tỉnh Bình Phước (trước khi sáp nhập) đã khai quật được 135 hài cốt liệt sĩ.
Cũng trong năm 2024, Hội phối hợp với cựu chiến binh Mỹ tổ chức trao trả kỷ vật liệt sĩ cho một gia đình tại Ninh Bình. Trong thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp với Đoàn đại diện Đại học Công nghệ Texas (Mỹ) trao trả di vật liệt sĩ cho thân nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng nhấn mạnh: Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã và đang là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước và các gia đình liệt sĩ; là nơi cung cấp, kết nối thông tin tìm kiếm hài cốt, xác định danh tính, hỗ trợ thực hiện chính sách tri ân; đồng thời là địa chỉ tin cậy cho các doanh nghiệp, doanh nhân nhà hảo tâm tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa.
Hội cũng không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhất là trong giới trẻ; hỗ trợ vật chất, tinh thần để các gia đình liệt sĩ vơi bớt khó khăn, tiếp thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.