Là tỉnh miền núi, biên giới ở vùng tây bắc của Tổ quốc, Lai Châu có hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tỉnh ủy Lai Châu xác định, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở, củng cố khối đại đoàn kết, phát huy nội lực, phát triển bền vững.
Trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước, Đảng ta luôn xác định xây dựng đội ngũ cán bộ là then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 15/3/2021 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Hài hòa về cơ cấu, bảo đảm về chất lượng
Cán bộ là người dân tộc thiểu số trưởng thành từ bản làng, có mối quan hệ gắn bó mật thiết với đồng bào. Đó là những người am hiểu văn hóa, ngôn ngữ, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, có sức ảnh hưởng trong cộng đồng nên nói đồng bào tin và làm đồng bào sẽ hưởng ứng. Việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống vì thế cũng kịp thời, hiệu quả và sát thực tiễn hơn.
Cấp ủy các cấp ở Lai Châu xác định rõ: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nhanh và bền vững, những công việc đó đều nhất thiết phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.
Cùng với đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành quy định về quy hoạch cán bộ, quy định rõ tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Trong đó, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong quy hoạch cấp tỉnh là 37%, cấp xã là gần 80%.
Theo đồng chí Mạc Quang Mạnh, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lai Châu, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số, bố trí việc làm phù hợp, ưu tiên trong quy hoạch nguồn.
Tỉnh ủy cũng ban hành cơ chế khuyến khích cán bộ trẻ, có năng lực về công tác ở vùng đặc biệt khó khăn để rèn luyện, thử thách. Khắc phục những khó khăn về trình độ cán bộ người dân tộc thiểu số còn hạn chế, hằng năm, tỉnh tổ chức lớp “bồi dưỡng cán bộ nguồn” với nội dung chuyên sâu về lý luận chính trị, kỹ năng lãnh đạo, nhất là nâng cao trình độ tiếng phổ thông và tin học cơ bản.
Chính nhờ sự quyết tâm của cấp ủy các cấp, số lượng, chất lượng và cơ cấu cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng được bảo đảm hài hòa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Hiện tại, toàn tỉnh có gần 7.000 cán bộ người dân tộc thiểu số. Trong đó, số cán bộ có trình độ đại học là 58,9%; cao đẳng có 14,2%; trung cấp là 16,9%; số cán bộ được đào tạo cao cấp chính trị là 283; trung cấp là 951 và sơ cấp là 595 đồng chí.
Đặc biệt, số cán bộ người dân tộc thiểu số được xem xét, đề bạt, bổ nhiệm là 899 đồng chí. Riêng cấp xã, người dân tộc thiểu số làm bí thư đảng ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân chiếm đa số, đạt mục tiêu đề ra.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Lai Châu, cấp ủy các xã, phường từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số cấp cơ sở có đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết, có khả năng lãnh đạo, quản lý, bám địa bàn, sâu sát với nhân dân.
Xã Nậm Tăm hiện nay được hình thành trên cơ sở sáp nhập diện tích, dân số, địa giới hành chính của 3 xã: Nậm Tăm, Lùng Thàng, Nậm Cha (huyện Sìn Hồ cũ), tập trung đồng bào các dân tộc rất ít người như: La Hủ, Cống, Mảng, Lự...
Đồng chí Phạm Văn Phôi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Tăm thông tin: “Xã Nậm Tăm sau sáp nhập có 50 cán bộ, công chức, trong đó, số cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số là 33 người, chiếm tỷ lệ 66%, 31 đồng chí có trình độ đại học, 2 đồng chí có trình độ trung cấp, 100% xếp loại chất lượng tốt và xuất sắc các năm 2022 đến 2024.
Về đào tạo lý luận chính trị, 4 đồng chí có trình độ cao cấp, 19 đồng chí có trình độ trung cấp. Đây là những điều kiện thuận lợi để Đảng bộ xã hoàn thành tốt nhiệm vụ sau sáp nhập, bước vào giai đoạn phát triển mới của tỉnh và cả nước”.
Điểm tựa vững chắc của đồng bào dân tộc thiểu số
Là xã có diện tích lớn nhất tỉnh Lai Châu (hơn 500km2), Tà Tổng không thuộc diện sáp nhập. Tà Tổng là xã biên giới đặc biệt khó khăn, cách trung tâm tỉnh Lai Châu khoảng 170km, đồng bào dân tộc H’Mông chiếm hơn 90% dân số.
Nhận thức sâu sắc về vai trò của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là trong giảm nghèo bền vững, Đảng ủy xã quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bằng việc chú trọng tạo nguồn, vận động những cán bộ trong diện tạo nguồn học tập, nâng cao trình độ; thường xuyên tạo điều kiện, cử các cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của xã tham gia các lớp đào tạo trung cấp và sơ cấp lý luận chính trị.
Đến nay, số lượng cán bộ người dân tộc thiểu số của xã là 37 đồng chí, trong đó, trình độ đại học là 33/37 đồng chí, đạt 89,2%; trình độ trung cấp có 4/37 đồng chí, tỷ lệ 10,8%; 100% tốt nghiệp trung học phổ thông.
Số lượng cán bộ người dân tộc thiểu số được đào tạo lý luận chính trị là 27 đồng chí (cao cấp 3 đồng chí, đạt 8,1%; trung cấp 15 đồng chí, là 40,5%; sơ cấp 9 đồng chí, tỷ lệ 24,3%).
Đội ngũ cán bộ có trình độ đã phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tạo vườn tạp, tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích đất canh tác. Những kết quả tích cực đó đã tạo niềm tin trong đồng bào. Người dân hưởng ứng, cùng làm, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện.
Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 35 triệu đồng/năm, diện mạo nông thôn thay đổi, nhịp sống mới đã hiện hữu tại nhiều thôn, bản. Cán bộ người dân tộc thiểu số không chỉ là hạt nhân chính trị mà còn là điểm tựa vững chắc, là người truyền lửa, cùng đồng bào phát triển kinh tế, giữ gìn văn hóa, xây dựng bản làng quê hương khởi sắc hơn.
Sùng A So là Bí thư Chi bộ của bản Hua Than (xã Than Uyên), người dân tộc H’Mông. Sùng A So tốt nghiệp trung cấp lâm nghiệp năm 2008, được kết nạp Đảng năm 2011, có trình độ sơ cấp lý luận chính trị.
Là người ham học hỏi, được đi nhiều nơi, thấu hiểu chủ trương của Đảng chăm lo đời sống của người dân, Bí thư Sùng A So đã tiên phong tuyên truyền việc xóa bỏ những hủ tục của người H’Mông.
Bí thư Sùng A So chia sẻ: “Được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, mình nhận thấy văn hóa của người H’Mông có nhiều phong tục đẹp nhưng cũng có không ít hủ tục rườm rà, không còn phù hợp. Tuy nhiên, việc xóa bỏ hủ tục với người H’Mông rất khó, nhất là nạn tảo hôn.
Quá trình thực hiện, mình quyết tâm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tuyên truyền, giải thích, vận động người dân theo hướng “mưa dầm thấm lâu”, kiên trì thuyết phục già làng, trưởng bản trước. Hiệu quả hiện nay rõ nét, người dân duy trì đời sống kinh tế khá, có những chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa, tinh thần”.
Việc cấp ủy các cấp tại Lai Châu chú trọng chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số không chỉ là yêu cầu từ thực tiễn phát triển địa phương mà còn là sự cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đồng thời, phát huy vai trò chủ thể của đồng bào các dân tộc trong sự nghiệp phát triển tỉnh theo định hướng “nhanh-xanh-bền vững”.
Trong sự nghiệp ấy, mỗi cán bộ người dân tộc thiểu số vừa là tấm gương sáng vừa là người thắp lửa niềm tin nơi bản làng, là cầu nối vững chắc giữa Đảng và nhân dân.