Ông Lê Văn Sấm bên ao nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao
Ông Lê Văn Sấm bên ao nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

Hiệu quả từ ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao

Gần 20 năm theo nghề nuôi tôm, ông Lê Văn Sấm, (sinh năm 1958, ngụ xã Thạnh Hải, tỉnh Vĩnh Long) chuyển dần từ cách nuôi truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao thu lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Ông đã hỗ trợ, giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Năm 2007, ông Lê Văn Sấm về vùng đất Thạnh Hải đầu tư nuôi tôm. Ban đầu, công việc khá thuận lợi khi nhiều vụ tôm trúng lớn cho nên ông mở rộng diện tích nuôi.

Tuy nhiên, đến khoảng năm 2011, tôm thẻ chân trắng bị chết hàng loạt do dịch bệnh đốm trắng rồi gan, tụy khiến ông và nhiều hộ dân tại đây gặp khó khăn. Ông Sấm vướng phải nợ nần và tính chuyển bỏ nghề vì quá bấp bênh. Một số hộ dân phải bán đất, tha phương tận các tỉnh miền Đông để làm thuê, làm mướn mưu sinh.

Tuy nhiên, bước ngoặt thay đổi nghề nuôi tôm đã đến khi ông cùng một số hộ dân được một doanh nghiệp tạo điều kiện cho tham gia một lớp học kinh nghiệm nuôi tôm tại tỉnh Cà Mau. Sau chuyến thực tế trở về, năm 2013, ông Sấm bắt tay vào xây dựng mô hình trang trại nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với diện tích 7 ha theo kiểu vừa làm, vừa học để tích lũy kinh nghiệm. Ông cho biết: “Trước đây nuôi theo cách truyền thống trên ao đất từ lúc thả con giống cho đến thu hoạch khoảng 3 tháng chỉ trong một ao duy nhất cho nên rất dễ phát sinh dịch bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi.

Sau đó, tôi áp dụng nuôi tôm hai giai đoạn rồi đến ba giai đoạn với nhiều ao cho tôm ươm, tôm nhỏ, tôm lớn cho nên hạn chế tối đa dịch bệnh, giúp tôm mau lớn. Mô hình này đòi hỏi đầu tư máy móc, trang thiết bị khá lớn với công nghệ nâng cấp dần theo hướng tự động hóa. Sau 12 năm phát triển mô hình, gia đình ông Sấm liên tục mở rộng diện tích, quy mô trang trại được nâng lên 50 ha với 8 khu nuôi. Trong đó, nhiều công nghệ được ứng dụng triệt để như: nhà lưới, máy tạo oxy, phủ bạt đáy ao, cho ăn tự động, máy sụt khí clo…

Những ngày đầu tháng 7/2025, dẫn chúng tôi thăm trang trại nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, ông Sấm cho biết: “Đợt vừa rồi gia đình tôi thả đồng loạt 30 triệu con giống tôm thẻ chân trắng. Vụ này tôm phát triển khá tốt, hơn một tháng nay hầu như ngày nào cũng thu hoạch với tổng sản lượng hơn 400 tấn. Dự kiến còn khoảng 100 tấn nữa sẽ thu hoạch trong những ngày tới. Đợt kế tiếp tôm cũng gần 2 tháng tuổi, chuẩn bị thu hoạch vào tháng sau. Bây giờ, nhiều hộ dân chung quanh cũng nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao lợi nhuận tiền tỷ, thậm chí hàng chục tỷ mỗi năm”.

Gần đây, trang trại nuôi tôm của ông Sấm phối hợp với một doanh nghiệp chế biến tôm xây dựng vùng nuôi đạt tiêu chuẩn ASC (tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên bốn nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm) bán với giá cao hơn thị trường 5.000 đồng/kg, hướng đến phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng bền vững.

Gần đây nhất, ông Sấm đầu tư hơn một tỷ đồng để mua 10 máy sục khí clo thay cho cách dùng clo bột hòa tan như trước đây. Cách làm này sẽ giảm sử dụng ao lắng, nhân công nên kéo theo giảm chi phí sản xuất xuống rất nhiều... Trang trại nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của ông Sấm tạo việc làm ổn định cho 50 lao động tại chỗ và khoảng 60 lao động công nhật với mức lương bình quân hơn 10 triệu đồng/tháng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Buội cho biết: “Thời gian qua, địa phương đang tập trung phát triển nuôi tôm nước lợ tại xã ven biển với diện tích hơn 69.000 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh, ứng dụng công nghệ cao ngày càng được nông dân mở rộng với khoảng 6.000 ha. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và môi trường sẽ tập trung hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư hạ tầng để phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ tại các xã vùng ven biển”.

Năm 2023, ông Lê Văn Sấm vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” với lợi nhuận hơn 40 tỷ đồng/năm nhờ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Nói về nghề, ông Sấm sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người để cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với mong muốn phát triển bền vững nghề nuôi tôm biển nước lợ ở địa phương.

Xem thêm