Hoạt động thả cá về tự nhiên nhằm đa dạng nguồn lợi thủy sản được tổ chức tại thành phố Cần Thơ.
Hoạt động thả cá về tự nhiên nhằm đa dạng nguồn lợi thủy sản được tổ chức tại thành phố Cần Thơ.

Bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản

Thành phố Cần Thơ có nhiều ao, hồ, sông, rạch,... mang đến những lợi ích không nhỏ về nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, trước những ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, nạn đánh bắt trái phép,… nguồn thủy sản tại địa phương ít nhiều bị ảnh hưởng. Bảo vệ nguồn lợi, phát triển nuôi trồng thủy sản đang là việc được địa phương chú trọng.

Cần Thơ hiện nay được đánh giá là vựa thủy sản quan trọng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cả về nuôi trồng lẫn khai thác. Trước khi sáp nhập, bốn tháng đầu năm 2025, thành phố có tổng diện tích nuôi thủy sản đạt 3.249 ha, sản lượng nuôi đạt 51.590 tấn. Trong khi đó, 11 tháng của năm 2024, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh Hậu Giang đạt hơn 79.200 tấn, diện tích nuôi đạt hơn 13.100 ha. Tại Sóc Trăng, nửa đầu năm 2025, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 343.000 tấn; trong đó, riêng tôm nước lợ đạt khoảng 240.000 tấn.

Thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có giá trị xuất khẩu cao. Vì vậy, hiện nay, thành phố Cần Thơ đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển sản xuất cũng như bảo vệ môi trường và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Tấn Nhơn cho biết: Ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, cơ giới hóa và tổ chức sản xuất hợp lý sẽ giúp thành phố đạt kết quả trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi và tái tạo nguồn gen quý, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển ngành thủy sản theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Hằng năm, tại địa phương, các ngành chức năng, chính quyền các cấp đã tổ chức nhiều đợt thả cá giống xuống sông Hậu và các sông, rạch nội đô nhằm bổ sung quần đàn, tạo cân bằng sinh thái và nâng cao nhận thức cộng đồng. Các mô hình nuôi trồng thân thiện môi trường, áp dụng công nghệ sinh học trong xử lý nước thải và bảo vệ nguồn nước mặt đang từng bước được nhân rộng.

Tuy nhiên, thành phố Cần Thơ đang gặp không ít khó khăn trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hiện nay, việc khai thác trái phép và sử dụng điện, hóa chất khai thác đang diễn ra tại nhiều khu vực. Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, một số đối tượng đã bị xử lý hình sự. Thế nhưng, các đối tượng thường khai thác ban đêm, trên các tuyến sông dài, rộng, trong khi lực lượng chức năng còn mỏng cho nên rất khó xử lý triệt để.

Ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu… cũng đang là nguyên nhân khiến số lượng thủy sản suy giảm đáng kể. Ông Lý Văn Bảy, chủ Bảo tàng cá Bảy Bon (phường Bình Thủy) chia sẻ: Biến đổi khí hậu biểu hiện qua thời tiết bất thường đang trực tiếp ảnh hưởng đến việc nuôi trồng của nông dân, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và sinh tồn của cá quý. Trong khi đó, nhiều người dân chưa có ý thức bảo tồn các giống cá trong tự nhiên. Tại nhiều nơi, người dân còn phóng sinh bằng các giống thủy sản lạ, có khả năng xâm hại sinh thái. Khi nguồn giống ngày càng mất dần ngoài tự nhiên, việc bảo tồn và phục hồi là hết sức quan trọng. Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ những người ở địa phương có kinh nghiệm, am hiểu và tâm huyết có thể sưu tầm, thuần dưỡng và kích thích sinh sản những loài cá đang nguy cấp.

Với những thách thức hiện tại, để bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, thành phố Cần Thơ cần tăng cường năng lực cho lực lượng chuyên trách, nhất là khi địa bàn sau sáp nhập mở rộng với hệ thống sông, rạch chằng chịt. Ngoài bổ sung biên chế chuyên môn, cần trang bị thêm phương tiện tuần tra như xuồng máy, thiết bị giám sát, camera hành trình để phục vụ công tác kiểm tra vào ban đêm, xử lý vi phạm. Cơ chế phối hợp liên ngành giữa nông nghiệp, công an, chính quyền địa phương… cần được hoàn thiện.

Hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Cần Thơ, các mô hình “đồng quản lý” huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác giám sát, bảo vệ nguồn lợi thủy sản” đã cho thấy sự hiệu quả. Một số địa phương đã ghi nhận tình trạng khai thác trái phép giảm rõ rệt, quần đàn cá bản địa đang dần phục hồi. Ngoài mô hình nêu trên, thành phố cũng cần sớm tổ chức thí điểm tổ tự quản bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các khu vực trọng điểm, kết hợp tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không vi phạm khai thác trái phép. Song song với đó, cần thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức bảo tồn, kỹ thuật nuôi sinh thái và pháp luật liên quan đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho người dân ven sông, ven rạch...

Ngoài ra, thành phố cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn, hỗ trợ mô hình cá nhân thông qua ưu đãi về tín dụng, mặt bằng và xúc tiến du lịch sinh thái gắn với giáo dục môi trường. “Việc thả cá bổ sung cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phục hồi, tái tạo các loài thủy sản đang bị suy giảm trong môi trường tự nhiên. Đây không chỉ là hoạt động thường niên mà còn là hành động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững ngành thủy sản thành phố. Nguồn lợi thủy sản tự nhiên đang đứng trước nhiều thách thức; vì vậy, cần có sự chung tay từ cả chính quyền và người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hướng đến phát triển nghề cá bền vững”, một cán bộ Sở Nông nghiệp và Môi trường chia sẻ.

Xem thêm