Mô hình chăn nuôi bò từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách của gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Thịnh Phú,xã biên giới Ia Lốp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình chăn nuôi bò từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách của gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Thịnh Phú,xã biên giới Ia Lốp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách

Ở các xã biên giới của tỉnh Đắk Lắk (cũ) như Ea Bung, Ia R’vê, Ia Lốp, thời tiết, khí hậu hết sức khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, người dân lại thiếu vốn đầu tư sản xuất. Thế nhưng, từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới hiệu quả.

TÂY NGUYÊN đang trong mùa mưa nhưng khi đặt chân đến vùng đất biên giới Ia Lốp, tỉnh Đắk Lắk (cũ), khí hậu khá nóng bức. Theo người dân địa phương, thời tiết ở đây hết sức khắc nghiệt, vào mùa khô đất đai khô cằn, thiếu nước sản xuất và nước uống cho gia súc. Còn vào mùa mưa thì do bình địa rộng lớn nhưng chưa có hệ thống kênh mương thủy lợi, hồ đập tiêu nước nên thường xảy ra ngập lụt trên diện rộng. Nhân dân phần lớn ở các tỉnh miền tây và phía bắc được di dân theo kế hoạch, sinh sống đã 20 năm nay nhưng do thiếu vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, để tìm ra mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng ở khu vực này cũng như trình độ sản xuất của người dân không phải chuyện dễ.

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Ea Súp đã đẩy mạnh việc giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách và tư vấn, hướng dẫn phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, giúp nhiều hộ dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn từ tỉnh Bến Tre di cư lên xây dựng kinh tế mới tại thôn Thịnh Phú, xã Ia Lốp vào năm 2006. Do thời tiết khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, làm nương rẫy, trồng điều, trồng sắn, làm ruộng thiếu nước nên sản xuất gặp nhiều khó khăn. Năm 2007, ông được Ngân hàng Chính sách xã hội Ea Súp cho vay tám triệu đồng để mua một cặp bò sinh sản về nuôi. Cặp bò khỏe mạnh và sinh trưởng tốt, mỗi năm sinh một cặp bê con. Thấy nuôi bò hiệu quả, cứ trả hết nợ, ông lại vay thêm để xây dựng chuồng trại, cải tạo đất trồng cỏ làm thức ăn cho bò… Đến nay, ngoài những con bò đã bán hàng năm để trả nợ ngân hàng và giải quyết công việc gia đình, ông Tuấn vẫn duy trì được đàn bò với 28 con, trị giá hơn 500 triệu đồng. Từ mô hình phát triển chăn nuôi bò, năm 2022, gia đình ông Tuấn đã vươn lên thoát nghèo và xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, cho con ăn học đến nơi, đến chốn. Mới đây ông lại tiếp tục xin vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư trồng xoài, nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Ông Tuấn còn hướng dẫn, hỗ trợ nhiều hộ dân ở khu vực biên giới phát triển mô hình chăn nuôi bò để thoát nghèo ngay trên vùng đất khó. Cách gia đình ông Tuấn không xa, gia đình chị Phạm Thị Chi chăn nuôi bò kết hợp với trồng nhãn xuồng cơm từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách. Giữa trưa hè nắng gắt, vườn nhãn xuồng cơm của gia đình chị Chi rộng hơn 1,1 ha xanh ngát đang mùa ra hoa kết trái. Chị Chi cho biết: Năm 2009, chị được Ngân hàng Chính sách xã hội Ea Súp cho vay 10 triệu đồng để đầu tư trồng điều nhưng thấy hiệu quả không cao, chị chuyển đổi sang chăn nuôi bò sinh sản. Đến năm 2014, sau khi trả hết nợ cũ chị xin vay 30 triệu đồng về mua ba con bò sinh sản, đến nay đàn bò đã lên 20 con. Năm 2019, chị đã bán bớt đàn bò trả nợ cũ cho ngân hàng và xin vay tiếp 50 triệu đồng để đầu tư trồng 1,1 ha nhãn xuồng cơm, đến nay vườn nhãn đã cho thu hoạch năm thứ hai với thu nhập từ 90 đến 100 triệu đồng. Thấy cây nhãn xuồng cơm phù hợp với khí hậu, thời tiết và thổ nhưỡng ở đây, cho năng suất cao và việc tiêu thụ khá dễ dàng, đầu năm 2025, chị tiếp tục vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội Ea Súp đầu tư trồng thêm 2ha nhãn xuồng cơm mới.

Bên cạnh nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, thời gian qua Ngân hàng Chính sách xã hội Ea Súp cũng chú trọng cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, giúp nhiều hộ gia đình đầu tư mở rộng sản xuất, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh doanh, vươn lên làm giàu ngay tại quê hương. Trường hợp của chị Nguyễn Thị Bích ở thôn 7 xã Cư M’lan nay là xã Ea Súp là một điển hình. Chị Bích quê ở tỉnh Nam Định, sau khi học kế toán Trường đại học Lạc Hồng, tỉnh Đồng Nai, năm 2019 chị lên mua 2ha đất tại thôn 7 xã Cư M’lan để trồng ổi ruby theo hướng hữu cơ. Năm 2024 vườn ổi cho thu hoạch được 50 tấn quả, với giá bán sỉ cho thương lái 20.000 đồng/kg, giá bán lẻ từ 25.000-30.000 đồng/kg, chị thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Theo dõi trên thị trường, chị nắm bắt được trà lá ổi đang được người tiêu dùng ưa chuộng, cuối năm 2024, chị Bích bắt đầu sản xuất trà ổi với thương hiệu Briêt. Sản phẩm trà ổi Briêt đưa ra thị trường liền được người tiêu dùng ưa chuộng, nên đầu năm 2025, chị mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội Ea Súp 98 triệu đồng để đầu tư máy móc nâng công suất sản xuất lên 1.000 hộp mỗi ngày, đồng thời góp vốn đầu tư trồng thêm 4ha ổi ruby theo hướng hữu cơ tại xã Ea Rốc để mở rộng vùng nguyên liệu. Với hai sản phẩm là quả ổi ruby và trà ổi Briêt, chị Bích dự kiến trong năm 2025 này nguồn thu nhập sẽ tăng cao so với năm 2024. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn ổi ruby xanh tốt, trĩu quả, chị Bích chia sẻ: “Để nâng cao chuỗi giá trị của cây ổi, tôi đã tham gia Tổ hợp tác trồng ổi của Hợp tác xã Giảm nghèo Ea Súp. Hiện nay, ngoài quả ổi và trà ổi Briêt, Tổ hợp tác và Hợp tác xã đang tiếp tục nghiên cứu sản xuất thêm nhiều sản phẩm khác từ cây ổi và các loại cây khác trồng theo hướng hữu cơ”.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Ea Súp, ông Bùi Văn Trung cho biết: Tính đến ngày 31/5/2025, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn đạt hơn 590 tỷ đồng, tăng 27,3 tỷ đồng so với cuối năm 2024. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã phủ đều khắp các xã, thôn, buôn trên địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, giúp hơn 11.200 khách hàng vay để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tập trung vào các ngành nghề như trồng trọt, chăn nuôi đại gia súc, dịch vụ… Thông qua tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ea Súp năm 2024 là 7,07%, giảm từ 38,35% xuống còn 31,28% cuối năm 2024; hộ cận nghèo giảm 0,9%, từ 15,47% xuống còn 14,57 % cuối năm 2024...

Xem thêm