Những lợi thế tự nhiên, địa lý của ba vùng sinh thái và các giá trị văn hóa đặc trưng đang được tỉnh đưa vào xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội...trước mắt là cụ thể hóa trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2025-2030.
Theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội thông qua ngày 12/6/2025, về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, tỉnh Lâm Đồng mới được thành lập trên cơ sở sắp xếp toàn bộ diện tích, dân số của tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông và Lâm Đồng. Tỉnh hiện nay có diện tích tự nhiên hơn 24.000 km2, lớn nhất cả nước, với 124 xã, phường, đặc khu; dân số hơn 3,8 triệu người.
Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Việc hợp nhất ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông thành tỉnh Lâm Đồng mới là cơ hội lịch sử để ba địa phương cùng hợp lực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, tạo nên một không gian phát triển mới rộng lớn và mạnh mẽ hơn”.
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng: “Việc tổ chức lại không gian kinh tế gắn với phát triển hệ thống đô thị liên vùng sẽ góp phần xây dựng một động lực kinh tế mới ở khu vực Nam Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ”.
Tỉnh mới hội đủ nhiều lợi thế, nổi bật là nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, nghỉ dưỡng; năng lượng, khoáng sản, nônglâm nghiệp; kinh tế biển, năng lượng tái tạo và tiềm năng của các trung tâm nghiên cứu, giáo dục, chăm sóc sức khỏe… Sự kết nối giữa các đô thị lớn như Đà Lạt-Gia Nghĩa-Phan Thiết mở ra trục phát triển xuyên vùng hiệu quả. “Lâm Đồng có rừng, biển, cửa khẩu, cảng biển, trở thành thủ phủ của một số cây công nghiệp, cây ăn trái và công nghiệp bô-xít. Đây là dư địa, tiềm năng lớn để phát triển. Cơ hội vàng để hình thành cực tăng trưởng mới, có quy mô đủ lớn, động lực đủ mạnh và tầm ảnh hưởng đủ sâu rộng, góp phần dẫn dắt xu thế kinh tế xanh, phát triển bền vững cho khu vực và cả nước”, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết.
Người dân tỉnh Lâm Đồng mới đều đặt niềm tin và kỳ vọng vào bước chuyển quan trọng của địa phương. “Tỉnh mới có diện tích lớn nhất cả nước và được cộng hưởng tiềm năng, thế mạnh của ba tỉnh; tôi tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của tỉnh mới, kinh tế-xã hội sẽ khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao”, bà Nguyễn Thị Mai (phường Langbiang-Đà Lạt) bày tỏ. Tại Phan Thiết, bà Lê Phương Uyên chia sẻ: “Tôi rất kỳ vọng khi vùng đất này hội đủ nhiều yếu tố để đột phá”.
Tỉnh có sân bay quốc tế Liên Khương và đang xây dựng sân bay Phan Thiết; có đường sắt bắc-nam, cao tốc bắc-nam đi qua; có tuyến cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết và tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương đang được xây dựng; các cảng biển và một số tuyến đường thủy nội địa có khả năng kết nối liên vùng. Tuy nhiên, hiện một số tuyến quốc lộ kết nối nội tỉnh và kết nối vùng đang xuống cấp nghiêm trọng, cần được đầu tư nâng cấp để bảo đảm kết nối thông suốt.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho rằng, tuy có lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên nhân văn phong phú, đa dạng, con người hiền hòa, cần cù lao động, nhưng do xuất phát điểm còn thấp, hạ tầng còn thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn, cho nên nền kinh tế chưa tăng trưởng cao. Để tỉnh có cơ hội bứt phá, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương và các bộ, ngành về cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn của Trung ương đầu tư cho các dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh và kết nối liên vùng. Tỉnh vừa khởi công xây dựng dự án cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương, một hợp phần trong tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương, từng bước hiện thực hóa khát vọng cao tốc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. “Thời gian tới sẽ có nhiều tuyến cao tốc kết nối, hình thành hệ thống hạ tầng giao thông liên hoàn để mở rộng kết nối vùng, đưa Lâm Đồng mới trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch của cả nước; đưa 124 phường, xã, đặc khu của tỉnh gần nhau hơn. Các dự án trọng điểm, từ nông thôn mới đến công nghiệp xanh và logistics sẽ được triển khai đồng bộ, minh bạch, vì lợi ích chung của nhân dân”, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng tin tưởng.
Phát biểu tại Lễ công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã của tỉnh Lâm Đồng mới, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ nhấn mạnh, việc hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông thành tỉnh Lâm Đồng giúp khai thác hiệu quả tiềm năng về nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, cùng các đô thị biển và cao nguyên đặc sắc; mở ra không gian kinh tế liên kết, đa trung tâm, phát triển toàn diện, hài hòa và bền vững. “Đây cũng là cơ hội để quy hoạch lại các vùng sản xuất, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng, hình thành các chuỗi giá trị mới và nâng cao đời sống người dân”, Phó Thủ tướng cho biết.
Sau khi thành lập đơn vị hành chính mới, tỉnh khẩn trương xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội, tận dụng tối đa lợi thế tự nhiên và địa lý của ba vùng sinh thái và các giá trị văn hóa đặc trưng để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội dài hạn, trước mắt là cụ thể hóa trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, nhiệm kỳ 2025-2030.
Tỉnh Lâm Đồng mới đang đứng trước dấu mốc lịch sử, khi ba quê hương đã hòa thành một. Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm mong muốn, đã là “một nhà” thì cùng nhau đoàn kết, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên; lấy con người làm trung tâm, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đồng thời đón đầu những cơ hội trong thời gian tới; biến thách thức thành động lực, chung tay xây dựng tỉnh ngày càng hiện đại, giàu mạnh và văn minh.