Gian hàng giới thiệu cà-phê Robusta đặc sản với người tiêu dùng Hàn Quốc tại triển lãm.
Gian hàng giới thiệu cà-phê Robusta đặc sản với người tiêu dùng Hàn Quốc tại triển lãm.

GIỚI THIỆU CÀ-PHÊ ROBUSTA TẠI HÀN QUỐC

Các đơn vị của tỉnh Đắk Lắk (mới) gồm Hiệp hội Cà-phê Buôn Ma Thuột, Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) và thương hiệu MISS EDE vừa tham dự Triển lãm Busan Coffee Show 2025 lần thứ 15 diễn ra tại Busan, Hàn Quốc.

Đây là một trong những sự kiện cà-phê lớn nhất tại Hàn Quốc, quy tụ hàng trăm thương hiệu cà-phê quốc tế.Các đơn vị của tỉnh Đắk Lắk mang đến nhóm bốn gian hàng cà-phê đặc sản trực tiếp trưng bày và giao lưu với người tiêu dùng Hàn Quốc. Trong đó, Hiệp hội Cà-phê Buôn Ma Thuột giới thiệu Top 10 mẫu cà-phê Robusta đặc sản từ cuộc thi Vietnam Amazing Cup 2025; Simexco Daklak giới thiệu các dòng cà-phê nhân xanh Fine Robusta từ Đắk Lắk. MISS EDE giới thiệu sản phẩm cà-phê rang xay hoàn chỉnh mang tên MISS EDE Vietnam Robusta, hiện đã được nhập khẩu chính ngạch và đang phân phối trên sàn thương mại điện tử lớn nhất Hàn Quốc là Coupang.

HOÀN THÀNH SỚM CHƯƠNG TRÌNH XÓA NHÀ TẠM, NHÀ DỘT NÁT

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng (cũ) cho biết, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã hoàn thành, sớm hơn hai tháng so với thời gian quy định của Chính phủ và vượt chỉ tiêu 236 căn so với kế hoạch của tỉnh đề ra. Cụ thể, đến ngày 30/6, tỉnh Lâm Đồng (cũ) đã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng, sửa chữa 2.044 căn nhà; trong đó, có 118 căn nhà ở cho người có công với cách mạng; 1.740 căn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từ Chương trình xóa nhà tạm nhà dột nát; 186 căn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Có được kết quả nêu trên là của sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” đã trở thành động lực mạnh mẽ để huy động nguồn lực xã hội, huy động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và người dân tham gia đóng góp kinh phí và ngày công lao động.

HƠN 1.000 HỌC SINH, SINH VIÊN THAM GIA NGÀY HỘI VIỆC LÀM

Trường cao đẳng Kon Tum, tỉnh Quảng Ngãi (mới) vừa tổ chức Ngày hội việc làm với chủ đề “Sẵn sàng nghề nghiệp - Vững bước tương lai”, thu hút sự tài trợ và tham gia của hơn 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ngày hội trưng bày hơn 20 gian hàng với nhu cầu tuyển dụng mà các đơn vị đăng ký khoảng 6.000 vị trí việc làm, hơn 1.000 học sinh, sinh viên được tham gia tìm hiểu và lựa chọn các vị trí việc làm phù hợp với ngành, nghề đào tạo của mình. Các học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nhà tuyển dụng, tiếp cận thông tin tuyển dụng lao động, tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân trong khâu chuẩn bị hồ sơ xin việc, trả lời phỏng vấn ứng tuyển vào các vị trí việc làm phù hợp.

gsdgdg-2936.jpg
Doanh nghiệp tư vấn, chia sẻ với gia đình và ứng viên đến phỏng vấn vị trí đơn vị cần tuyển dụng.

GIAO KHOÁN BẢO VỆ RỪNG MINH BẠCH, ĐÚNG LUẬT

Nhiều năm nay, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, tỉnh Lâm Đồng (mới) thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân vùng đệm. Trong giai đoạn 2021-2025, đơn vị thực hiện khoán với diện tích gần 3.000ha/năm cho 285 cá nhân, hộ gia đình tại các xã tiếp giáp. Số tiền khoán bảo vệ rừng người dân nhận được từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng dao động từ hai tỷ đồng đến ba tỷ đồng mỗi năm. Bình quân mỗi hộ gia đình nhận từ 7 đến 10 triệu đồng/năm và được chi trả trực tiếp vào tài khoản ngân hàng. Việc thực thi chính sách giao khoán một cách minh bạch, đúng theo quy định của pháp luật, đã giúp người dân trở thành những người đồng hành với Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

GIA LAI HỖ TRỢ 135 XÃ, PHƯỜNG HƯỚNG DẪN THỦ TỤC ĐẤT ĐAI

Chiều 30/6, ngay sau khi Trung ương chính thức công bố các Quyết định thành lập tỉnh Gia Lai (mới), Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã ban hành văn bản cử cán bộ lĩnh vực đất đai về Trung tâm hành chính công của 135 xã, phường để hỗ trợ chuyên môn. Cùng với việc cử cán bộ đến tận cơ sở, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai (mới) cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các xã, phường chủ động phản hồi nhu cầu về nhân lực, thiết bị, hạ tầng phục vụ tiếp nhận hồ sơ. Cán bộ hỗ trợ sẽ có mặt trực tiếp tại Trung tâm hành chính công cấp xã để hướng dẫn người dân nộp hồ sơ đúng quy trình, hỗ trợ giải thích quy định pháp luật mới, đồng thời kết nối, hỗ trợ qua điện thoại cho các xã, phường chưa đủ điều kiện bố trí nhân sự chuyên trách. Nếu địa phương đã có đủ năng lực triển khai, cần thông báo để điều chỉnh phương án hỗ trợ, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực. Đây là bước đi chủ động của tỉnh Gia Lai nhằm đưa hệ thống Trung tâm hành chính công xã, phường sớm đi vào hoạt động đồng bộ, hiệu quả ngay sau sáp nhập tỉnh và triển khai mô hình chính quyền hai cấp. Thời gian cán bộ tỉnh Gia Lai hỗ trợ các địa phương bắt đầu từ ngày 2/7 đến hết ngày 30/8.

Xem thêm