“Vùng trũng” về hạ tầng giao thông
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích tự nhiên 39.734 km2 chiếm 12,2% diện tích tự nhiên cả nước. Nơi đây luôn đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây. Tuy nhiên, đến nay ĐBSCL vẫn bị đánh giá là “vùng trũng” về hệ thống giao thông hiện đại. Tính đến trước năm 2020, toàn vùng chỉ sở hữu 39 km đường cao tốc. Đến nay, dù vùng đã có 120 km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác, 428 km đường bộ cao tốc đang triển khai thi công nhưng nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, con số trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng.
GS Dương Như Hùng, Giảng viên Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chiều dài các loại đường của một quốc gia được tính phụ thuộc vào diện tích, mật độ dân số, GDP bình quân đầu người... Thông thường, khi GDP/đầu người tăng 2% tương ứng đường cao tốc tăng thêm 1%. Nếu tính theo GDP, khu vực ĐBSCL cần khoảng 1.263 km mới đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và kết nối.
Trong khi đó, dù có mạng lưới sông ngòi chằng chịt với tổng độ dài trên 28 nghìn km, nhưng hệ thống giao thông đường thủy chưa được khai thác hiệu quả do thiếu cảng biển nước sâu và trung tâm logistics chuyên dụng. Điều này dẫn đến phần lớn hàng hóa tại ĐBSCL vẫn phải trung chuyển qua Thành phố Hồ Chí Minh khiến chi phí logistics tăng cao. Điển hình như việc vận chuyển nông sản từ các tỉnh ĐBSCL ra Cảng Cát Lái mất 3-5 ngày, giá thành bị đội lên 1,5-2 lần. Năng lực cạnh tranh suy giảm, ảnh hưởng đến khả năng mở rộng sản xuất của doanh nghiệp.
Nỗ lực nâng cấp hạ tầng
Trước những tồn tại này, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư vào loạt dự án giao thông chiến lược. Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nêu rõ: Hệ thống đường cao tốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có tổng chiều dài khoảng 1.166 km, bao gồm 3 trục dọc kết nối vùng ĐBSCL - vùng Đông Nam Bộ và 3 trục ngang gắn kết hệ thống cảng biển với các cửa khẩu quốc tế.
Một điểm đáng chú ý nữa trong nỗ lực nâng cấp hạ tầng vùng ĐBSCL là quy hoạch cảng biển nước sâu Trần Đề. Với khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn đến 100.000 DWT, dự án này được xem là cửa ngõ chiến lược giúp hàng hóa từ vùng có thể xuất khẩu trực tiếp ra quốc tế, không còn phụ thuộc vào trung chuyển qua Thành phố Hồ Chí Minh hay các khu vực lân cận.
Dự tính, tổng vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 khoảng 106 nghìn tỷ đồng, triển khai theo nhiều nguồn: ngân sách, PPP, ODA và tư nhân. Mới đây nhất, ngày 10/7, Bộ trưởng Xây dựng đã ký Quyết định số 1052/QĐ-BXD về việc giao Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp 3 tuyến Quốc lộ (53, 62, 91B) tại khu vực ĐBSCL. Khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ liên vùng tại ĐBSCL, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng - an ninh và nâng cao khả năng thích ứng trước những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng quyết liệt, một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh sẽ giúp vùng ĐBSCL nâng cao hiệu quả sản xuất, rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí logistics và mở rộng cơ hội xuất khẩu trực tiếp ra thế giới. Việc sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông không chỉ là yêu cầu cấp bách, mà còn là chìa khóa để vùng khơi thông tiềm năng, tăng cường năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững.