Ngành giáo dục thành phố Hải Phòng xác định AI là một công cụ góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy, quản lý và chăm sóc học sinh. Do đó, việc xây dựng môi trường giáo dục toàn diện, cung cấp các giải pháp AI phù hợp từng đối tượng học sinh... đã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên. Các hoạt động này không chỉ tập trung tại các sở, phòng giáo dục mà lan tỏa tới từng trường học, từng lớp học, thông qua nhiều hội thảo chuyên môn, cuộc thi... Trong 6 tháng đầu năm 2025, nhiều trường mầm non ở Hải Phòng tổ chức các buổi hội thảo về ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục mầm non với sự tham dự của nhiều chuyên gia công nghệ số, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, cha mẹ và học sinh. Tại hội thảo, các đại biểu trực tiếp trải nghiệm tiết học ứng dụng AI qua nhiều hoạt động như: “bé làm bác nông dân”, “âm nhạc tích hợp công nghệ”... Các công cụ AI như trợ lý ảo, phần mềm chuyển văn bản thành giọng nói, hình ảnh, trò chơi học tập được giới thiệu để cán bộ, giáo viên hiểu rõ hơn về khả năng của công nghệ này trong quá trình học tập của trẻ. Thực tế tại một số nhà trường, việc sử dụng AI giúp hỗ trợ giảng dạy, khai thác thông tin, tạo bài giảng điện tử và các trò chơi học tập sẽ nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ và giáo viên phối hợp chăm sóc, giáo dục trẻ. Theo các chuyên gia giáo dục: Việc ứng dụng AI không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn góp phần tạo điều kiện phát triển toàn diện năng lực cho trẻ. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng của trí tuệ nhân tạo, cần xây dựng một nền móng vững chắc về năng lực cho đội ngũ giáo viên và nhà quản lý, đồng thời phát triển năng lực số và tạo môi trường phù hợp để AI thật sự trở thành người bạn đồng hành tin cậy trong giáo dục mầm non. Hiện nay, nhiều trường tiểu học ở thành phố Hải Phòng tích cực ứng dụng AI trong quản lý và giảng dạy. Nhiều tiết dạy minh họa cho thấy AI giúp kích thích hứng thú của học sinh trong học tập. Thí dụ như bài giảng môn khoa học lớp 5 về “Sự sinh sản của thực vật có hoa” do cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt cùng học sinh Trường tiểu học Hiệp Hòa (xã Trần Liễu) thực hiện, đã sử dụng phần mềm AI để minh họa quá trình sinh trưởng bằng hình ảnh sống động, sát thực. Qua đó giúp bài giảng trở nên hấp dẫn, sinh động, dễ hiểu, khuyến khích học sinh phát triển tư duy. Ở cấp trung học cơ sở, các giáo viên được dự tiết dạy minh họa, khai thác hiệu quả các công cụ AI như mô phỏng thí nghiệm ảo, bộ phần mềm tự kiểm tra kiến thức tại các hội thảo chuyên môn. Sự tham gia còn mở rộng sang các hoạt động thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về áp dụng công nghệ trong giảng dạy, từ đó ứng dụng hiệu quả trong thực tế. Cô giáo Lê Huyền Trang, Trường trung học cơ sở Thành Nhân (xã Ninh Giang) đã dùng AI để thực hiện thí nghiệm ảo, tạo video sinh động và phần mềm Plickers nhằm kiểm tra kiến thức của tất cả học sinh lớp 9 cùng một lúc, ngay tại giờ học môn vật lý. Học sinh được thực hành sử dụng AI để hoàn thành nhiệm vụ thảo luận nhóm, giúp tiết dạy môn khoa học tự nhiên chứa đựng nhiều khái niệm trừu tượng, phức tạp, khó hình dung, trở nên sinh động, dễ hiểu. Hiện nay, nhiều nhà trường đã dùng AI để thiết kế các hoạt động tương tác, giúp học sinh tự tin thể hiện khả năng ngôn ngữ, phát huy khả năng tự học và sáng tạo. Với tiết dạy minh họa chủ đề “The Symphony of Cultures” (Bản giao hưởng các nền văn hóa thế giới) tại Trường trung học phổ thông Thăng Long, sự trợ giúp của AI và phương pháp dạy học tích cực trong bài dạy đã giúp học sinh chủ động, tự tin thể hiện khả năng ngôn ngữ bằng hoạt động tương tác nhóm, thuyết trình, từ đó có thể rút kinh nghiệm và ứng dụng trong các tiết dạy. Cuộc thi công nghệ Hackathon AI In Education 2025 ở Trường liên cấp Alpha Hải Phòng với chủ đề “Kiến tạo thế giới tương lai” là một hoạt động giáo dục hiệu quả khi mang tới một sân chơi mở để gần 300 học sinh các cấp thỏa sức sáng tạo với AI, tạo ra các sản phẩm thiết thực. Cuộc thi góp phần khơi dậy đam mê, khả năng tư duy của giới trẻ, đồng thời cho thấy sự bắt kịp xu thế ứng dụng AI hiệu quả trong ngành giáo dục hiện nay.
QUỐC VINH