Tại Ninh Bình (địa phương vừa hợp nhất quản lý với Hà Nam, Nam Định), lưới điện thông minh không chỉ bảo đảm cung ứng điện ổn định mà còn mở ra nhiều cơ hội nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Khác với lưới điện truyền thống, lưới điện thông minh kết hợp công nghệ điện với công nghệ điện tử và công nghệ thông tin, truyền thông. Do đó, hệ thống có thể giám sát, điều khiển từ xa, tự động hóa quá trình vận hành, phân tích dữ liệu theo thời gian thực. Đây chính là bước tiến quan trọng, giúp ngành điện vận hành linh hoạt, giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy. Đồng thời, khách hàng có thể quản lý mức tiêu thụ, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Hiện đại hóa lưới điện
Tại tỉnh Ninh Bình, sau quá trình hợp nhất quản lý địa bàn với Hà Nam và Nam Định, việc xây dựng lưới điện thông minh đang được triển khai từng bước, tập trung vào nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và số hóa công tác quản lý, vận hành. Công ty Điện lực Ninh Bình đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống lưới điện trung, hạ áp cũng như lưới điện 110kV. Nhiều dự án nâng cấp đã được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao, nhất là tại các khu công nghiệp, khu đô thị mới. Các công trình đường dây và trạm biến áp 220kV tại Hải Hậu, Trực Ninh, Gia Viễn và Tam Điệp tiếp tục được đưa vào kế hoạch đầu tư, góp phần hoàn thiện cấu trúc liên kết vùng, bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn trong toàn khu vực.
Cùng với việc hoàn thiện hạ tầng lưới điện trung, hạ áp và lưới 110kV, hệ thống SCADA đã được triển khai tại tất cả các trạm biến áp 110kV không người trực. Ông Mai Xuân Trường, Phó Trưởng phòng Điều độ Công ty Điện lực Ninh Bình cho biết, SCADA cho phép giám sát, điều khiển thiết bị từ trung tâm, rút ngắn thời gian thao tác, xử lý sự cố nhanh hơn, nhờ vậy nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Trên lưới trung thế, nhiều thiết bị đóng cắt thông minh như Recloser, LBS, RMU đã được lắp đặt và kết nối SCADA.
Đáng chú ý, hệ thống tự động hóa phân phối (DAS) đang dần được triển khai, giúp phát hiện nhanh điểm sự cố, cô lập khu vực bị ảnh hưởng và tự động chuyển tải, khôi phục cung cấp điện cho những nơi còn lại. Ông Trường cho biết, các thiết bị và giải pháp tự động hóa này đã giúp giảm thời gian mất điện, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Có mặt tại Trạm biến áp 110kV Yên Khánh mới xây dựng và đưa vào vận hành, chúng tôi cảm nhận rõ không khí làm việc đổi mới. Giữa không gian rộng lớn, chỉ có một nhân viên vận hành.
Chị Nguyễn Thị Nhung, kỹ thuật viên trực tại trạm chia sẻ: “Tất cả thiết bị ở đây đều kết nối về trung tâm điều khiển. Công việc chính của chúng tôi là kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng và xử lý các tình huống bất thường. Mô hình này vừa giảm áp lực nhân lực, vừa bảo đảm an toàn và tin cậy. Hiện nay, trên toàn tỉnh Ninh Bình có 42 trạm biến áp 110kV vận hành chủ yếu thông qua trung tâm điều khiển như trạm ở Yên Khánh”. Với định hướng rõ ràng, hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ và quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành điện, Công ty Điện lực Ninh Bình đang tạo nền tảng quan trọng để tiến tới hệ thống lưới điện thông minh, hiện đại và bền vững trong thời gian tới.
Đồng bộ giải pháp, hướng tới phát triển bền vững
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cùng yêu cầu hiện đại hóa ngành điện, chuyển đổi năng lượng bền vững, việc phát triển lưới điện thông minh tại tỉnh Ninh Bình là một xu hướng tất yếu. Quan điểm xuyên suốt được xác định là nâng cao độ tin cậy, an toàn trong cung cấp điện, đồng thời ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tối ưu hóa quản lý vận hành và dịch vụ khách hàng.
Đại diện bộ phận Kỹ thuật, Công ty Điện lực Ninh Bình chia sẻ: Phát triển lưới điện thông minh là giải pháp lâu dài, cần được đầu tư đồng bộ từ thiết bị, hạ tầng đến đào tạo nhân lực. Đơn vị luôn ưu tiên triển khai tại các khu vực phụ tải lớn, khu công nghiệp, đô thị mới để làm hạt nhân, sau đó sẽ nhân rộng ra toàn tỉnh.
Song song với đó, việc nâng cao năng lực cho cán bộ, công nhân viên luôn được chú trọng để làm chủ công nghệ. Bên cạnh đầu tư thiết bị, ngành điện Ninh Bình khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời. Nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên tầng áp mái để sử dụng tại chỗ, giảm áp lực cho lưới điện. Đây cũng là xu thế tất yếu, dần kết nối vào lưới điện thông minh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi sang năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính.
Thời gian tới, Công ty Điện lực Ninh Bình sẽ tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ mới, lắp đặt công-tơ điện tử, thiết bị đóng cắt thông minh, tăng cường kết nối SCADA, DAS. Đơn vị đang nghiên cứu ứng dụng AI, IoT trong phân tích phụ tải, dự báo sự cố, giúp ngành điện vận hành an toàn, tiết kiệm, hiệu quả hơn, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Ông Trần Đăng Sơn, Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Bình khẳng định: “Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2030, lưới điện thông minh sẽ phủ rộng khắp, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm sự cố, bảo đảm điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống người dân”.
Với quyết tâm hiện đại hóa ngành điện, cùng hướng đi đúng đắn, đầu tư bài bản về hạ tầng và nguồn nhân lực, Ninh Bình đang từng bước khẳng định vị thế tiên phong trong phát triển lưới điện thông minh khu vực phía bắc cũng như trên cả nước, tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu phát triển xanh, bền vững trong tương lai. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định và bền vững, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới của tỉnh Ninh Bình.