Thông tin về Hoàng thành Thăng Long được cập nhập mới nhất nhằm thu hút khách du lịch. (Ảnh: MINH DUY)
Thông tin về Hoàng thành Thăng Long được cập nhập mới nhất nhằm thu hút khách du lịch. (Ảnh: MINH DUY)

Dấu ấn Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa tại thành cổ Provins (Pháp)

Ngày 7/7, tại Tu viện cổ Saint-Ayoul ở thành phố Provins (Cộng hòa Pháp), không gian quảng bá di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa chính thức mở cửa đón công chúng. Triển lãm là minh chứng sống động về quan hệ hợp tác giữa địa phương hai nước trong việc bảo tồn và phát huy di sản nhân loại.

Người dân thành phố cổ Provins (Cộng hòa Pháp), cách Paris khoảng 90km, vốn được UNESCO công nhận là di sản thế giới, không còn xa lạ với không gian quảng bá di sản Hoàng thành Thăng Long từ nhiều năm trước.

Chương trình hợp tác tôn vinh, quảng bá và xúc tiến du lịch giữa thủ đô Hà Nội và thành phố Provins giai đoạn 2025-2027 có thêm điểm nhấn mới: Khu di tích Cổ Loa. Sự kiện hứa hẹn mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng giữa hai thành phố trong việc quảng bá và bảo tồn di sản chung của nhân loại.

Tới lễ khai mạc có ông Olivier Lavenka, Thị trưởng thành phố Provins và bà Laurence Marchal, Tổng Giám đốc Văn phòng Du lịch Provins.

Phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Nguyễn Thị Vân Anh và Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, cùng đông đảo người dân địa phương.

hoang-thanh-x-co-loa-x-provins-duy-8.jpg
Mối quan hệ giữa Hà Nội và Provins đã được khởi xướng từ năm 2019, thể hiện sự bền vững trong hợp tác di sản. (Ảnh: MINH DUY)

Phát biểu tại buổi lễ, Thị trưởng Olivier Lavenka bày tỏ niềm vui và vinh dự lớn khi thành phố Provins được chào đón không gian quảng bá di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa. Ông Olivier Lavenka nhấn mạnh rằng đây là thành quả của mối quan hệ hợp tác đã được khởi xướng từ năm 2019 giữa Hà Nội và Provins.

Thị trưởng Lavenka cho biết: Triển lãm về Hoàng thành Thăng Long hiện diện thường xuyên tại Tu viện Saint-Ayoul từ tháng 12 năm 2022 và đã trở nên quen thuộc với công chúng nơi đây.

Ông khẳng định sự kiện lần này đánh dấu một bước tiến mới về chiều sâu trong hợp tác giữa Provins và Hà Nội, khi có sự xuất hiện của Khu di tích Cổ Loa - một địa danh quan trọng trong lịch sử chính trị và hành chính của Việt Nam.

hoang-thanh-x-co-loa-x-provins-duy-5.jpg
Ông Olivier Valenka, Thị trưởng Provins, kỳ vọng Cổ Loa, kinh đô đầu tiên của Việt Nam, sẽ sớm được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Cổ Loa là kinh đô đầu tiên, đặt nền móng cho nhà nước cổ đại của người Việt, trong khi Hoàng thành Thăng Long là sự tiếp nối và đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của nhà nước phong kiến Đại Việt. Do đó, Thị trưởng thành phố Provins bày tỏ mong muốn rằng một ngày nào đó, Cổ Loa cũng sẽ được công nhận là di sản thế giới.

Trong thời gian tới, Văn phòng du lịch thành phố Provins và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội sẽ cùng nhau xây dựng các sản phẩm du lịch mới, các hoạt động quảng bá mới và triển khai thêm các chương trình đào tạo nhân lực.

hoang-thanh-x-co-loa-x-provins-duy-9.jpg
Hoạt động này cụ thể hóa chính sách ngoại giao văn hóa của Việt Nam, tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện với Pháp. (Ảnh: MINH DUY)

Về phía mình, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng khẳng định đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa, đánh dấu giai đoạn hợp tác mới của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội và đô thị cổ Provins trên cơ sở quan hệ hợp tác bền vững giữa Hà Nội và vùng thủ đô Ile-de-France (Pháp).

Đại sứ nhấn mạnh: Ngoại giao văn hóa là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Việc giới thiệu di sản Hoàng thành Thăng Long và di tích Cổ Loa tại đô thị cổ Provins góp phần quảng bá di sản văn hóa Việt Nam, tăng cường giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế, thúc đẩy sự hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia và trở thành hình mẫu của hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp.

Trong thời gian tới, Đại sứ Đinh Toàn Thắng mong muốn có nhiều dự án hợp tác tiếp theo được triển khai trên các lĩnh vực, nhất là văn hóa, du lịch và di sản.

hoang-thanh-x-co-loa-x-provins-duy-13.jpg
Người dân Provins bày tỏ sự quen thuộc với hình ảnh Hoàng thành Thăng Long, giờ đây có thêm cả Cổ Loa. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Đại sứ-Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Nguyễn Thị Vân Anh nhắc lại rằng, không gian quảng bá di sản Hoàng thành Thăng Long đã được khai trương từ năm 2022 nhân dịp kỷ niệm 50 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và 20 năm ghi danh di sản văn hóa thế giới Provins.

Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa thế giới từ năm 2010, nhưng Cổ Loa đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ để đề cử ghi danh là di sản thế giới của UNESCO.

Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh khẳng định việc quảng bá di sản Cổ Loa ra thế giới là nhằm tìm kiếm sự công nhận quốc tế đối với giá trị nổi bật toàn cầu của di tích này.

Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO cũng nhấn mạnh rằng mối quan hệ đối tác giữa Hà Nội và Ile-de-France, bắt nguồn từ tình hữu nghị và hợp tác phi tập trung, thể hiện tầm nhìn chung về việc bảo tồn lâu dài các giá trị di sản vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai.

hoang-thanh-x-co-loa-x-provins-duy-10.jpg
Hợp tác giữa hai địa phương được đánh giá là hiệu quả và có nhiều triển vọng. (Ảnh: MINH DUY)

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội, cho biết không gian triển lãm lần này có nhiều nét mới. Ngoài việc cập nhật hình ảnh mới nhất về Hoàng thành Thăng Long, Ban tổ chức bổ sung hình ảnh Cổ Loa, một di tích quốc gia đặc biệt của Hà Nội, cũng do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội quản lý.

Bên cạnh đó, toàn bộ hình ảnh của Hoàng thành Thăng Long sẽ được đưa kỹ thuật số hóa trên tất cả các nền tảng trực tuyến của Hoàng thành và đô thị cổ Provins. Điều này cho phép du khách không có điều kiện đến trực tiếp vẫn có thể xem toàn bộ hình ảnh, phim ngắn và các nội dung khác để nâng cao chất lượng trải nghiệm trực tuyến.

hoang-thanh-x-co-loa-x-provins-duy-1.jpg
Du khách có thể khám phá di sản qua mã QR, hình ảnh 3D và phim ngắn trên các nền tảng số. (Ảnh: KHẢI HOÀN)
hoang-thanh-x-co-loa-x-provins-duy-11.jpg
Sự trao đổi kỹ năng và kinh nghiệm giữa hai bên giúp làm phong phú thêm hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản. (Ảnh: MINH DUY)

Từ phía địa phương Pháp, bà Laurence Marchal, Tổng giám đốc Văn phòng Du lịch thành phố Provins, chia sẻ rằng người dân địa phương rất tự hào về sự hợp tác giữa Hoàng thành Thăng Long và thành phố Provins. Triển lãm đã thu hút sự quan tâm của người dân Provins và nhiều du khách trong tổng số 1,2 triệu người ghé thăm Provins mỗi năm.

Bà Laurence Marchal cũng thông tin về các chương trình và kế hoạch hợp tác trong tương lai, trong đó có chương trình hợp tác toàn diện, đặc biệt tập trung vào Hoàng thành Thăng Long và Cổ Loa. Đô thị cổ Provins cũng luôn sẵn sàng chào đón các sinh viên và thực tập sinh Việt Nam nhằm tăng cường trao đổi chuyên môn.

Tại buổi khai mạc triển lãm, du khách địa phương Jean-François Robin, từng tới du lịch nhiều lần ở Việt Nam, đã bày tỏ niềm vui khi thấy Hoàng thành Thăng Long và di tích Cổ Loa được trưng bày tại Provins.

hoang-thanh-x-co-loa-x-provins-duy-12.jpg
Các bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn mới từ 2025 đến 2027, hứa hẹn nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa. (Ảnh: MINH DUY)

Mối quan hệ hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội và đô thị cổ Provins, cùng với sự hỗ trợ của thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France, đang dần trở thành một hình mẫu tiêu biểu cho hợp tác về lĩnh vực di sản văn hóa giữa Việt Nam và Pháp. Sự chủ động của các bên trong việc đề xuất và triển khai các chương trình đã cho thấy nhiều hiệu quả và triển vọng.

Chương trình hợp tác giai đoạn 2025-2027 giữa hai bên là một bước tiến quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản chung, góp phần thắt chặt tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai địa phương cũng như hai quốc gia.

Xem thêm