Sân bay quốc tế Đà Nẵng đưa vào vận hành hệ thống Cửa khởi hành tự động (Auto Boarding Gate) phục vụ du khách. (Ảnh AHT)
Sân bay quốc tế Đà Nẵng đưa vào vận hành hệ thống Cửa khởi hành tự động (Auto Boarding Gate) phục vụ du khách. (Ảnh AHT)

Chuyển đổi số: Đòn bẩy phát triển du lịch

Trong bối cảnh cạnh tranh điểm đến du lịch, chuyển đổi số không chỉ là thay đổi công cụ mà còn thay đổi tư duy vận hành và tạo giá trị mới cho du khách, cộng đồng địa phương và doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn những “điểm nghẽn” cần nhận diện và tháo gỡ.

Kỳ 2: Tháo gỡ rào cản chuyển đổi số du lịch

Hành trình nhiều thách thức

Với hàng chục nghìn doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, kinh phí là trở ngại đầu tiên khi triển khai chuyển đổi số. Theo ông Phạm Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Goldentour, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội: “Quá trình chuyển đổi số tốn kém, trong khi các công ty trong nước đều eo hẹp về kinh phí đầu tư, dẫn đến việc chỉ tiếp cận được phần mềm phổ biến chứ chưa đủ nguồn lực xây dựng giải pháp chuyên sâu, tích hợp đa hệ thống…”.

Nhiều doanh nghiệp đã thử nghiệm ứng dụng phần mềm riêng nhưng vướng sự không tương thích, thiếu đồng bộ khi vận hành. Trong khi đó, các nền tảng quốc tế như Agoda, Booking.com… lại có năng lực công nghệ vượt trội và vốn hóa mạnh.

Theo ông Dũng, từ năm 2006, một số công ty du lịch lớn đã đặt hàng doanh nghiệp công nghệ thông tin viết riêng phần mềm về kế toán, quản lý khách hàng nhưng khi đưa vào sử dụng phát sinh bất cập về công nghệ, không tương thích khi kết hợp với phần mềm khác. Các doanh nghiệp, công ty lữ hành thường sử dụng phần mềm chung, phổ biến như Misa (phần mềm kế toán), Microsoft Office…

Bên cạnh thiếu vốn, ngành du lịch còn đối mặt với thiếu nhân lực công nghệ. Theo ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, dù đã tổ chức các hội nghị chia sẻ ứng dụng AI, xây dựng kế hoạch đào tạo và phối hợp với đơn vị truyền thông công nghệ, nhưng phần lớn cán bộ, công chức và doanh nghiệp du lịch vẫn chưa có chuyên môn sâu về chuyển đổi số. “Nguồn nhân lực có chuyên môn về chuyển đổi số, có khả năng tiếp nhận và vận hành ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý hoạt động du lịch còn hạn chế. Tỷ lệ cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về khoa học-kỹ thuật chưa cao, chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin”, ông Trần Trung Hiếu chia sẻ.

Điều này dẫn đến việc sử dụng công nghệ một cách hình thức, không tối ưu hóa tiềm năng, thậm chí gây lãng phí do không khai thác hiệu quả phần mềm, nền tảng đã đầu tư. Một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh đã triển khai hệ thống vé điện tử, bản đồ số, trung tâm dữ liệu du lịch riêng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, mỗi địa phương phát triển ứng dụng riêng, thiếu kết nối và tiêu chuẩn chung toàn ngành gây lãng phí, cản trở trải nghiệm du khách.

Việc thiếu nền tảng dữ liệu lớn toàn ngành không chỉ ảnh hưởng đến khả năng phân tích thị trường, hoạch định chính sách mà còn khiến doanh nghiệp khó tiếp cận dữ liệu hành vi khách hàng.

Các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch số, bảo mật dữ liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật cho hệ sinh thái du lịch thông minh… vẫn chưa hoàn thiện. Một số dịch vụ mới như chatbot, thực tế ảo (VR/AR), thuyết minh đa ngôn ngữ, nền tảng OTA nội địa… vẫn chưa có hướng dẫn vận hành rõ ràng.

Đồng bộ giải pháp

Chuyển đổi số đang trở thành yêu cầu tất yếu để ngành du lịch Việt Nam bứt phá. Theo các chuyên gia, trước hết cần xây dựng hành lang pháp lý minh bạch và cởi mở nhằm định hướng, hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Việc bổ sung các quy định về quản lý, khai thác dữ liệu du lịch quốc gia và bảo vệ tài sản số trong Luật Du lịch sửa đổi sắp tới là nền tảng quan trọng. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho nền tảng công nghệ du lịch như hệ thống quản lý điểm đến, vé điện tử, thuyết minh tự động, chatbot hay bản đồ số.

Theo ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, ngành du lịch cần quyết liệt đầu tư vào hạ tầng số, nhất là phát triển nền tảng số du lịch quốc gia dùng chung, có khả năng tích hợp và liên thông dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Dữ liệu về điểm đến, hệ thống lưu trú, lữ hành, vận tải, sự kiện, hoạt động văn hóa… cần tích hợp vào hệ sinh thái thống nhất, phục vụ quản lý điều hành, hoạch định chính sách và nâng cao trải nghiệm người dùng.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, ngành du lịch cần chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi khâu hoạt động. Từ số hóa điểm đến, sử dụng vé điện tử, bản đồ tương tác, đến triển khai hệ thống chatbot, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), thực tế ảo (VR/AR) tại các điểm tham quan - tất cả hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu hành trình du khách. Việc số hóa di sản văn hóa, bảo tàng, làng nghề truyền thống không chỉ giúp quảng bá giá trị văn hóa mà còn góp phần bảo tồn bền vững.

Song hành với đầu tư công nghệ là phát triển nguồn nhân lực số - trụ cột quan trọng của ngành. Ngành cần đưa nội dung về kỹ năng số, công nghệ số và quản trị dữ liệu vào chương trình đào tạo chính quy của các trường, khoa du lịch; tăng cường các lớp bồi dưỡng, đào tạo lại, tập huấn chuyên đề cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tại điểm đến. Chỉ khi người làm du lịch - từ lãnh đạo đến người lao động - đều hiểu và vận dụng thành thạo công nghệ thì chuyển đổi số mới thật sự đi vào chiều sâu.

Việc thành lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi số ngành du lịch sẽ cung cấp tài chính ưu đãi cho doanh nghiệp, nhất là các đơn vị nhỏ và vừa vốn gặp hạn chế về nguồn lực. Cùng với đó, cần triển khai các chương trình tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số hóa.

Lợi thế lớn của chuyển đổi số là khả năng thúc đẩy xúc tiến, quảng bá và mở rộng thị trường theo cách hoàn toàn mới. Trên cơ sở đó, cần phát triển mạnh chiến dịch marketing số đa nền tảng, tăng cường quảng bá điểm đến trên mạng xã hội, mở rộng kênh bán hàng số và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận sâu hơn với các nền tảng OTA trong nước và quốc tế như Booking, Traveloka, MyTour, Ivivu... Việc xây dựng và vận hành sàn giao dịch du lịch Việt Nam quy mô quốc gia không chỉ giúp kết nối hiệu quả giữa cung và cầu, mà còn thúc đẩy minh bạch hóa thị trường du lịch số.

Để chuyển đổi số du lịch Việt Nam bắt nhịp với các quốc gia tiên tiến, cần sự chủ động và hội nhập sâu rộng hơn nữa trong hợp tác quốc tế. Từ học hỏi mô hình thành công, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đến hợp tác đào tạo nhân lực, chia sẻ dữ liệu và xây dựng các giải pháp, ngành du lịch cần đặt mình trong dòng chảy toàn cầu hóa công nghệ để không bị bỏ lại phía sau.

Xem thêm