Tăng trưởng ấn tượng
Ngày 9/7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch 6 tháng cuối năm 2025. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị.
Thông tin về kết quả hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm 2025, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương trên cả nước, du lịch tiếp tục là điểm sáng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2025, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 48,6% so với kế hoạch năm 2025 (22-23 triệu lượt khách); lượng khách nội địa đạt 77,5 triệu lượt, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 64,5% so với kế hoạch năm 2025 (120-130 triệu lượt); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 518 nghìn tỷ đồng, đạt 52,8% so với kế hoạch năm 2025 (980.000-1.050.000 tỷ đồng).
Cùng với sự tăng trưởng về lượng khách, tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm đến được bảo đảm; giá phòng và các dịch vụ du lịch không có nhiều biến động lớn; hoạt động du lịch trên địa bàn cả nước diễn ra sôi động, an toàn…
“Kết quả đó là minh chứng cho hướng đi đúng, kịp thời của ngành du lịch trong cơ cấu lại thị trường khách, định hướng xây dựng sản phẩm, công tác xúc tiến, quảng bá hiệu quả cả trên thực địa và trên các nền tảng số cùng hiệu ứng tích cực từ chính sách thị thực mới, trong đó có vai trò của công tác quản lý nhà nước của cơ quan Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các Sở quản lý nhà nước về du lịch các địa phương" – ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành nhận định, du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi các quốc gia trong khu vực ban hành những chính sách thu hút khách linh hoạt đã tạo sức cạnh tranh lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, số khách quốc tế đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch dù được làm mới nhưng chưa khai thác hết tiềm năng và thế mạnh, giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự hấp dẫn; hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận điểm đến của du khách; hành lang pháp lý để phát triển một số loại hình sản phẩm mới còn chưa thuận lợi… Thực tế này đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực, quyết tâm để đổi mới và tăng tốc phát triển.
Tạo đà bứt tốc
Để tạo đà bứt phá cho ngành du lịch bước vào kỷ nguyên mới, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết toàn ngành sẽ tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong giai đoạn tới.
Trong đó, tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế theo hướng “kiến tạo phát triển”; nghiên cứu, tham mưu ban hành “chính sách, cơ chế đột phá”; tiếp tục định hướng phát triển du lịch đi vào chiều sâu, chất lượng, chuyên nghiệp, bền vững, thương hiệu, với việc xây dựng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp và sản phẩm đặc thù theo vùng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực…; định hướng phát triển, đa dạng hóa hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu.

Ngành cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối, quy chế hoạt động, kế hoạch hành động vùng, liên vùng trong hoạt động du lịch; cơ cấu lại thị trường du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đáp ứng xu thế toàn cầu và thích ứng với những biến động trên thị trường du lịch thế giới; đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng du lịch, cải thiện khả năng cạnh tranh về chi phí logistics, nhân lực.
Đặc biệt, cùng với tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, du lịch Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, các nền tảng số kết nối hệ thống thông tin phục vụ cho công tác hoạch định chính sách, điều hành, quản lý nhà nước và phục vụ doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế.
Tại Hội nghị, nhiều đại diện đến từ các sở quản lý du lịch các địa phương trên cả nước cũng đã đưa ra những ý kiến, đóng góp giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, thu hút khách du lịch từ nay đến cuối năm 2025. Đồng thời, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch tổng thể trong giai đoạn tới gắn với mục tiêu tăng trưởng 2 con số và chính quyền 2 cấp, nhằm tạo sức mạnh tổng thể phát triển du lịch.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Hội nghị được tổ chức vào thời điểm hết sức có ý nghĩa, không chỉ đúng ngày kỷ niệm 65 năm hình thành và phát triển ngành du lịch (9/7/1960-9/7/2025), mà còn ngay sau khi bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp vừa đi vào hoạt động, sắp xếp lại các đơn vị hành chính từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành phố.

Trong bối cảnh mới, để hoàn thành mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, trên 120-130 triệu lượt khách nội địa, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng toàn ngành phải cùng tư duy để “vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam” theo cách tiếp cận mới.
Cần đánh giá, định vị lại không gian phát triển du lịch, tài nguyên du lịch của từng khu vực và quốc gia. Từ đó, nghiên cứu làm mới điểm đến, sản phẩm, mở rộng không gian phát triển du lịch theo hướng liên kết chặt chẽ và bền vững để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, chạm đến trái tim, cảm xúc của người xem.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần rà soát, nghiên cứu, tháo gỡ những “điểm nghẽn” chính sách để khơi thông các nguồn lực du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá; tận dụng sức mạnh của công nghệ để gia tăng sức hấp dẫn du lịch và khả năng tiếp cận du khách…