Kết quả kiểm phiếu cho thấy chỉ có 175 nghị sĩ bỏ phiếu thuận, trong khi 360 người bỏ phiếu phản đối và 18 người bỏ phiếu trắng. Với kết quả này, kiến nghị không đạt đủ tỷ lệ 2/3 số phiếu ủng hộ để được thông qua.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau khi một nhóm nghị sĩ, chủ yếu là cánh hữu, đã trình lên phiên họp toàn thể của EP ngày 2/7 bản kiến nghị tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chủ tịch EC.
Nghị sĩ cánh hữu người Romania, ông Gheorghe Piperea, đồng thời là người khởi xướng kiến nghị cho rằng EC thiếu minh bạch và quản lý yếu kém liên quan đến các tin nhắn trao đổi giữa bà Ursula von der Leyen với Giám đốc điều hành Công ty dược phẩm Pfizer, ông Albert Bourla, trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Liên minh châu Âu (EU) lúc đó đang đàm phán để mua vaccine.
Ngày 7/7, tức 3 ngày trước khi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra, bà Ursula von der Leyen đã có cuộc tranh luận với các nhà lập pháp EP tại Strasbourg (Pháp) về vai trò lãnh đạo của bà.
Tại sự kiện này, nghị sĩ Piperea cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ lạm quyền và tham nhũng. Đáp lại, bà Ursula von der Leyen bác bỏ các chỉ trích liên quan đến cách thức điều hành trong đại dịch Covid-19, đồng thời khẳng định rằng cách tiếp cận của bà đã giúp bảo đảm phân phối vaccine công bằng giữa các nước thành viên EU.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014 một Chủ tịch EC đối mặt với kiến nghị bất tín nhiệm. Trước đó, cựu Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cũng từng vượt qua một cuộc bỏ phiếu tương tự.
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra trong bối cảnh EC đang đàm phán với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm tránh các biện pháp thuế quan mới đối với hàng hóa của EU nhập khẩu vào Mỹ.