Cụ thể, từ hôm nay (21/7) đến ngày 25/7, trên các sông ở khu vực Hà Nội có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,5 đến 3,5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống có khả năng ở mức dưới báo động một; sông Đáy, các sông suối nhỏ, sông nội tỉnh như sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ... có khả năng ở mức báo động một đến trên báo động hai.
Các địa phương chịu ảnh hưởng lớn của mực nước các sông lên cao trong những ngày tới gồm xã Xuân Mai, xã Quảng Bị, xã Trần Phú, phường Chương Mỹ, xã Đan Phượng, xã Mỹ Đức, xã Thanh Oai, xã Hòa Xá, xã Vân Đình…
Mực nước sông lên cao có thể gây ngập úng, sạt lở tại các vùng trũng thấp, ven sông, các bãi nổi giữa sông, ven sông, các ngầm, tràn, cầu, cống, đường giao thông khu vực ven sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ, ảnh hưởng đến con người, một số khu công nghiệp, khu nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp và sinh hoạt, giao thông của người dân.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa to với cường độ lớn, nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại một số khu đô thị, nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội, với độ sâu ngập từ 0,2-0,5m, có nơi trên 0,5m; thời gian duy trì ngập từ 30-60 phút, có nơi thời gian ngập lâu hơn.
Nhằm ứng phó với các trận mưa lớn có thể xảy ra do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Wipha), với lượng mưa dự kiến từ 200-350mm, cục bộ có nơi đến 600mm, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội tổ chức trực từ 21 giờ ngày 20/7. Các xí nghiệp trực thuộc ứng trực 100% lực lượng, bố trí máy móc, thiết bị cơ giới, phòng, chống úng ngập do ảnh hưởng bão số 3; đồng thời triển khai tua rác tại các cửa thu nước; kiểm tra, rà soát trên toàn địa bàn, phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố.
Ngoài ra, các cửa phai của hồ điều hòa như Đống Đa, Bảy Mẫu, Đầm Chuối… và các trạm bơm đầu mối Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế, Linh Đàm… được vận hành để hạ mực nước trên hệ thống theo đúng quy định, nhằm chủ động đối phó với mưa lớn.