Một bài giảng cho sinh viên ngành nhiếp ảnh tại Hà Nội về xu hướng sử dụng AI.
Một bài giảng cho sinh viên ngành nhiếp ảnh tại Hà Nội về xu hướng sử dụng AI.

Bảo vệ giá trị nhiếp ảnh nghệ thuật giữa làn sóng AI

Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm thay đổi cách tiếp cận trong sáng tạo ảnh nghệ thuật. Khi ảnh do AI tạo ra ngày càng phổ biến, khó phân biệt với ảnh chụp thực tế, câu chuyện về minh bạch tác quyền và đạo đức nghề nghiệp tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề mới đối với người làm nghề và công chúng thưởng lãm.

Thời gian gần đây, cộng đồng nhiếp ảnh gia và công chúng yêu nghệ thuật liên tục chứng kiến nhiều cuộc tranh luận xoay quanh việc sử dụng AI trong nhiếp ảnh nghệ thuật. Một số tác phẩm từng lọt vào chung khảo, thậm chí có giải tại cuộc thi nhiếp ảnh uy tín đã buộc phải rút lui sau khi bị phát hiện dùng AI khiến tác phẩm sai lệch quá nhiều. Đáng chú ý, có nghệ sĩ nhiếp ảnh tên tuổi đăng tải hình ảnh ấn tượng do AI tạo ra nhưng không ghi nguồn, khiến người xem ngộ nhận đó là ảnh do tác giả chụp. Những sự việc như nêu trên không chỉ khiến công chúng hoài nghi về giá trị thật giả, mà còn dẫn đến yêu cầu định nghĩa lại vai trò, giới hạn và đạo đức trong sáng tạo nghệ thuật của thời đại công nghệ.

Khác với ảnh báo chí vốn phải bảo đảm độ xác thực và thời điểm cụ thể, ảnh nghệ thuật cho phép người sáng tác thể nghiệm, phá cách, kết hợp với các loại hình thị giác khác nhau. Tuy nhiên, chính trong không gian linh hoạt ấy, việc sử dụng công cụ AI càng đòi hỏi sự trung thực.

Tại tọa đàm “Giải pháp nào để có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao” do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức tháng 11/2023, đã có những ý kiến bàn về tác động của AI đến nhiếp ảnh. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lý Hoàng Long (Lâm Đồng) và nhà nghiên cứu lý luận phê bình Trần Quốc Dũng (Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ rõ tiềm năng rất lớn của AI trong hỗ trợ sáng tác, đồng thời cũng cảnh báo nguy cơ AI xóa nhòa các giá trị trong nhiếp ảnh và cần phải tách biệt rõ ràng với nhiếp ảnh truyền thống.

Trên thực tế, AI đã hiện diện trong nhiếp ảnh từ lâu qua các phần mềm có tính năng chỉnh sửa, phục chế. Theo một khảo sát từ Tạp chí PetaPixel (Mỹ), hơn 65% các nhiếp ảnh gia thương mại đã dùng ít nhất một công cụ AI trong quá trình xử lý ảnh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các công cụ AI tạo sinh (generative AI) như hiện nay, chỉ cần một đoạn mô tả bằng văn bản, hệ thống có thể cung cấp gần như ngay lập tức hình ảnh có bố cục hoàn hảo, ánh sáng tinh tế, biểu cảm sâu sắc… mà không cần đến bất kỳ thiết bị ghi hình nào.

Những hình ảnh này có thể được người dùng AI tạo ra và sử dụng cho nhiều mục đích, tuy nhiên không thể coi là nghệ thuật, đây là quan điểm được nhiều người cầm máy chia sẻ.

Nhiếp ảnh gia Lê Việt Khánh (Hà Nội) cho rằng, nhiếp ảnh không chỉ là tạo ra hình ảnh thị giác trên một bề mặt, mà giá trị mỗi tác phẩm ảnh còn là cảm xúc, tư tưởng, trải nghiệm, là những nhân vật và địa điểm cụ thể mà tác giả muốn chia sẻ với người xem. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Văn Truyền (Đà Nẵng) nhấn mạnh thêm: Nếu ảnh phục vụ cho ý tưởng trừu tượng, siêu thực hoặc đồ họa quảng cáo thì AI có thể là công cụ hỗ trợ rất tốt, nhưng tác giả khi công bố thành quả phải nói rõ có AI tham gia.

Bên cạnh góc nhìn văn hóa, vấn đề về quyền sở hữu và ứng xử với AI như thế nào cũng được đặt ra. Để tạo ảnh, AI “học” từ kho dữ liệu khổng lồ gồm cả triệu bức ảnh trên internet, trong đó phần lớn thuộc về các nhiếp ảnh gia hoặc tổ chức sở hữu bản quyền. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ vi phạm bản quyền khi tác phẩm gốc được sử dụng làm dữ liệu đầu vào mà không có sự cho phép của chủ sở hữu.

Những tranh luận, kiện tụng xoay quanh vấn đề sở hữu và tác quyền thứ cấp từ AI vẫn đang diễn ra trên thế giới, cho thấy sự cần thiết phải điều chỉnh các cơ sở pháp lý trước việc AI can thiệp ngày càng sâu vào các lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có nhiếp ảnh. Ở Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ chưa có điều khoản cụ thể nào về tác phẩm do AI tạo ra.

Khi ảnh do AI tạo ra ngày càng phổ biến, khó phân biệt với ảnh chụp thực tế, câu chuyện về minh bạch tác quyền và đạo đức nghề nghiệp tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề mới đối với người làm nghề và công chúng thưởng lãm.

Khi hành lang pháp lý chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ, một số tổ chức và cộng đồng nhiếp ảnh trong nước đã chủ động thay đổi và thích nghi. Tại Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam 2024, Ban tổ chức thông báo không chấp nhận tác phẩm có sử dụng AI.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông thẳng thắn nhìn nhận, ngay cả nhiều thành viên ban giám khảo, nhiều nghệ sĩ lão làng cũng chưa hiểu sâu về AI cho nên công tác đánh giá còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Xuân Chính, Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội chia sẻ, vẫn có nhiều cách để phát hiện ảnh do AI tạo ra, như yêu cầu tác giả gửi ảnh gốc gồm thông số kỹ thuật để thẩm định, một số định dạng ảnh hỗn hợp không đúng quy chuẩn nên bị loại ngay từ vòng đầu. Nhiều diễn đàn nhiếp ảnh lớn trong nước hiện nay cũng đã phân chia ảnh AI hậu kỳ, ảnh do AI tạo thành các chuyên mục riêng.

Nghệ sĩ thị giác, giảng viên Nguyễn Thế Sơn cho biết: “Ảnh do các công cụ AI tạo hoặc chỉnh sửa đang ngày càng hoàn thiện và sẽ trở thành một phần tất yếu của nhiếp ảnh. Một số quốc gia đã chấp nhận điều này và tổ chức triển lãm dành riêng cho ảnh AI”. Việc cập nhật xu hướng và đưa nội dung AI vào bài giảng có thể góp phần giúp thế hệ sáng tác mới hiểu, làm chủ và sử dụng công nghệ đúng mục đích.

Nhìn chung, bên cạnh các quy định hay định hướng, quan trọng không kém là đạo đức nghề nghiệp của người thực hành nhiếp ảnh. Việc đăng tải hình ảnh có sự can thiệp của AI nhưng mập mờ nguồn gốc không chỉ khiến nhiều người yêu nghệ thuật thất vọng, mà các nghệ sĩ cũng tự làm suy giảm uy tín của chính mình. Đối với người tiếp nhận tác phẩm nhiếp ảnh, chỉ cần tỉnh táo và biết đặt câu hỏi về bối cảnh, chủ thể, cách hình thành tác phẩm, họ sẽ không dễ bị đánh lừa bởi một bức ảnh đẹp mắt nhưng thiếu đi sự lao động sáng tạo và dấu ấn cá nhân.

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông từng khẳng định: “Máy móc có thể giúp con người sáng tạo nhanh hơn, chất lượng hơn, nhưng không thể thay thế cảm xúc và trái tim của nghệ sĩ”.

Trong nhiếp ảnh, cái đẹp không chỉ nằm ở hình ảnh mà còn ở hành trình tác giả tìm kiếm và ghi lại khoảnh khắc. Giữ gìn sự minh bạch cho nhiếp ảnh nghệ thuật trong kỷ nguyên AI không phải bảo thủ mà là nỗ lực để bảo vệ những giá trị nền tảng; sự công bằng trong sáng tạo, niềm tin của người thưởng lãm và vị thế của nghệ thuật như một ngôn ngữ mang đậm các giá trị nhân văn. Việc xây dựng tiêu chuẩn chuyên môn rõ ràng, có sự đồng thuận giữa các bên là yêu cầu cấp bách giúp nghệ thuật nhiếp ảnh khẳng định vị thế của mình trong bối cảnh mới.

Xem thêm